Tháng ngày yêu thương

Sông Hồng 03/11/2021 08:00

Sau hơn 30 năm kể từ ngày đổi mới, đất nước mới gặp khó khăn như thế, do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Người nghèo là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất trong đại dịch.

Nhưng thực tế cũng chứng minh, đất nước từng trải qua những thời khắc khó khăn hơn thế nhờ bài học đoàn kết, đồng lòng truyền thống tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách vốn đã trở thành tính cách dân tộc. Phát huy tinh thần đó, chúng ta sẽ biến những tháng ngày khó khăn, thành những tháng ngày sẻ chia và yêu thương.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương trao quà cho những người lao động nghèo và sinh viên gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

1. Hà Nội không phải tâm dịch, nhưng những ngày giãn cách xã hội vừa rồi, không hiếm những người phải đứt bữa, nhất là những người lang thang, vô gia cư. Có đến những xóm “ngụ cư” ở vùng ven sông Hồng, hay xóm trọ gần bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai), hay xóm trọ của những thợ phụ hồ, người nhặt rác ở Nam Từ Liêm,… mới thấy cái khắc nghiệt của dịch bệnh. Những người lao động chân tay, bỗng mất nguồn thu khi phải “nghỉ ngơi” bất đắc dĩ. Có những người, dù được chính quyền, đoàn thể bảo đảm lương thực, thực phẩm qua đợt giãn cách, nhưng họ vẫn dè sẻn phần quà tặng, vì nỗi lo tiếp tục phải “nghỉ ngơi”, không có việc làm. Tổng số ca nhiễm của Hà Nội trong làn sóng dịch bệnh thứ tư này chưa bằng số ca nhiễm tại TP Hồ Chí Minh trong… một ngày, vào giai đoạn cao điểm nhất. Câu chuyện Hà Nội, giúp ta hiểu thêm sự khốc liệt của dịch bệnh TPHCM, Bình Dương hay Đồng Nai,… những nơi là tâm dịch; cảm thông hơn với những hoàn cảnh éo le. Dịch bệnh đã đẩy nhiều hộ vừa mới thoát nghèo trở về “chốn cũ”. Nhiều hộ cận nghèo, qua mấy tháng giãn cách, cuối cùng cũng phải nhận “sổ nghèo”.

Có những trường hợp tưởng như “vô can”, nhưng cũng vẫn bị cuốn theo vòng xoáy dịch bệnh. Đó là người dân nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vùng đồng bằng Bắc Bộ hay miền núi phía Bắc… Dịch bệnh và giãn cách khiến lưu thông hàng hoá “đóng băng”. Giá nhiều loại nông sản-nguồn thu duy nhất của nhiều hộ gia đình sụt giảm. Một cách gián tiếp, hoàn cảnh tước đi cơ hội vươn lên của nhiều người. Chưa kể, khiến nhiều hộ gia đình gần như trắng tay, hay thua lỗ do không tiêu thụ được sản phẩm.

Những ngày giãn cách kết thúc bằng Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Dịch bệnh tạm được đẩy lùi, xã hội gượng dậy, khắc phục hậu quả của dịch bệnh sau những ngày gian khó. Thật trùng hợp, đây lại là thời điểm Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (17/10-18/11). Sau hơn 20 năm thực hiện cuộc vận động Ngày Vì người nghèo, năm 2021 này là năm đặc biệt nhất. Đó là khi số người cần giúp đỡ tăng lên. Đó cũng là khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do sản xuất, kinh doanh đình trệ. Đó cũng là khi nhiều nhà hảo tâm “hụt hơi” khi đã hết mình tham gia các hoạt động ủng hộ, thiện nguyện trong đợt chống dịch vừa rồi…

2. Cuộc vận động Vì người nghèo đã đi được một chặng đường dài. Nhìn lại quãng đường ấy những người làm Mặt trận không khỏi không tự hào với những đóng góp vào công cuộc xoá đói giảm nghèo. Từ sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, vào đúng ngày 17/10/2000, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức phát động Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” trên phạm vi toàn quốc và lấy ngày 17/10 hàng năm là ngày “Cả nước vì người nghèo”. Khơi đúng mạch nguồn tương thân, tương ái trong mỗi con người đất Việt, cuộc vận động đã huy động được sức mạnh lớn lao của cộng đồng trong hơn 20 năm ấy.

Để rồi hôm nay, Tháng cao điểm “Vì người nghèo” trở thành hoạt động thường niên. Từ trung ương đến địa phương, đã có biết bao cách làm phong phú, sinh động nhằm giúp người nghèo vơi đi khó khăn, cùng họ tự tin trả “sổ nghèo” để vươn lên trong cuộc sống. Đó là những “ngân hàng bò”, khi những hộ nghèo được “mượn” bò sinh sản cho đến lúc bò mẹ sinh con; đó là những mái ấm nghĩa tình dựng lên từ tình đoàn kết; đó là những lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tiếp cận cây con giống mới do Mặt trận cùng các đoàn thể thành viên tổ chức…

Tất nhiên, không thể không tính những món quà trực tiếp được trao đến cho các hộ nghèo, dưới nhiều hình thức khác nhau. Chỉ tính riêng Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” qua gần 4 năm (từ 2017 đến tháng 9/2020) đã có đông đảo các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân ủng hộ qua Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và an sinh xã hội với số tiền trên 16.410 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, MTTQ Việt Nam các cấp đã hỗ trợ người nghèo xây dựng và sửa chữa được hơn 127 nghìn nhà Đại đoàn kết, giúp đỡ hàng trăm nghìn người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất; 1,38 triệu lượt học sinh được giúp đỡ về học tập; giúp đỡ 4,3 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được khám chữa bệnh; xây dựng hàng ngàn công trình dân sinh cầu đường, lớp học, trạm xá, khám chữa bệnh, nhà sinh hoạt cộng đồng… và các hỗ trợ khác giúp đỡ cho người nghèo. Từ những “hạt mầm” ban đầu ấy, nhiều người không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên thành hộ khá, hộ nghèo.

Tuy nhiên, những thành quả ấy đang gặp thách thức lớn, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra suốt gần 2 năm qua, gây khó khăn cho toàn xã hội, đặc biệt là người nghèo, người yếu thế. Sau hơn ba thập niên kể từ ngày đổi mới, đất nước mới gặp khó khăn như thế. Nhưng thực tế cũng chứng minh, đất nước từng trải qua những thời khắc khó khăn, thử thách ngặt nghèo hơn rất nhiều. Bài học đoàn kết, đồng lòng luôn là vũ khí sắc bén giúp chúng ta vượt qua. Triển khai thực hiện Tháng cao điểm “Vì người nghèo” chính là cơ hội trước mắt để chúng ta thực hiện điều đó.

3. Với người làm Mặt trận, Tháng cao điểm “Vì người nghèo” này không chỉ đặc biệt nhất, mà còn khó khăn nhất. Cán bộ Mặt trận phải dấn thân hơn nữa, sáng tạo hơn nữa trong đánh thức tình cảm trong mỗi người, trong huy động nguồn lực để hỗ trợ người nghèo. Điểm mới trong vận động năm nay là đối với tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội toàn địa bàn để phòng, chống dịch Covid-19 đợt 4 thì tiếp tục vận động ủng hộ phòng, chống dịch. Còn với các tỉnh, thành phố chưa phải thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, thành phố thì tổ chức vận động để có thêm nguồn lực chăm lo cho người nghèo. Ông Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, các hoạt động trong Tháng cao điểm “Vì người nghèo” phải có sự phối hợp thống nhất giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam với các bộ, ngành, tổ chức thành viên MTTQ Việt Nam có liên quan, để tránh chồng chéo trong công tác vận động và hỗ trợ hộ nghèo. Mặt khác, công tác hỗ trợ vừa phải tiến hành nhiệm vụ trước mắt, giúp các hộ gia đình có các hàng hoá thiết yếu cho cuộc sống, vừa đáp ứng nhiệm vụ lâu dài, là tạo sinh kế để thoát nghèo.

Dẫu rằng, bản thân những doanh nghiệp, những nhà hảo tâm cũng gặp khó khăn. Song, hơn lúc nào hết, tinh thần tương thân tương ái cần được phát huy cao độ. Bởi chúng ta đang sống trong những ngày tháng mà lịch sử sau này sẽ ghi những trang đậm nét. Chúng ta tin tưởng, một lần nữa, những trang sử ấy sẽ viết rằng, truyền thống kết đoàn, tương thân, tương ái sẽ đưa đất nước, giúp người nghèo, người yếu thế vượt qua sóng cả; để những tháng ngày khó khăn, trở thành những tháng ngày yêu thương trong lòng mỗi người.

Mọi đóng góp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương và phòng chống dịch bệnh Covid-19, trân trọng đề nghị quý đơn vị, Tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ thông qua các phương thức sau:

I. Ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

1. Tiếp nhận ủng hộ qua tài khoản kho bạc:

- Tên tài khoản: Quỹ “Vì người nghèo” Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- Số tài khoản: 3761.0.9054386.91046

- Tại Kho bạc Nhà nước Hoàn Kiếm, Hà Nội

2. Tiếp nhận ủng hộ qua tài khoản ngân hàng:

- Tên tài khoản: Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

- Số tài khoản: 1000001000171717

- Tại Sở giao dịch ngân hàng Chính sách xã hội

3. Tiếp nhận ủng hộ bằng tiền mặt:

Phòng Kế hoạch - Tài chính (Phòng 109,111), Văn phòng cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; điện thoại: 02439288480.

II. Ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19

1. Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Chi nhánh Ba Đình)

- Tên tài khoản: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- Số tài khoản (VNĐ): 1261 000 1122 666

- Số tài khoản (USD): 1261 037 0000 666

- Mã SWIFT CODE: BIDVVNVX

2. Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Sở giao dịch I)

- Tên tài khoản: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- Số tài khoản (VNĐ): 1201 0000 979797

- Số tài khoản (USD): 1201 037 0000 123

- Mã SWIFT CODE: BIDVVNVX

- Tại chi nhánh Sở giao dịch 1- Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam

3. Tiếp nhận ủng hộ bằng tiền mặt:

Phòng Kế hoạch - Tài chính (Phòng 109,111), Văn phòng cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; điện thoại: 02439288480

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ: Ông Trần Văn Sinh, Trưởng Ban Phong trào: 0904.232.095; bà Nguyễn Thị Hồng Thương, Phó trưởng Ban Phong trào: 0903.268.111; 0243.825.6327; Địa chỉ: Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số 46 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháng ngày yêu thương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO