Thăng trầm những tờ vé số

Đoàn Xá 26/04/2020 08:00

Những ngày qua, khi Nhà nước quyết định ngừng phát hành xổ số để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhiều người mới chợt nhận ra, đằng sau mỗi tờ vé số mỏng manh ấy là hàng ngàn phận người nghèo khó. Vé số đã gắn liền với đời sống một tầng lớp thị dân nghèo. Đây cũng là lúc người ta có thời gian để nhìn lâu hơn về vé số bởi sau gần 90 năm tồn tại, nó đã gắn liền với rất nhiều thăng trầm lịch sử của người Việt. Thậm chí, nhiều tờ vé số còn là những cột mốc lịch sử.

Thăng trầm những tờ vé số

Ông Dũng và bộ sưu tập những tờ vé số xưa.

Hai thế kỷ vé số

Vé xổ số được người Pháp đưa vào nước ta từ đầu thế kỷ 20. Những tờ vé số đầu tiên không chỉ phát hành trên lãnh thổ Việt Nam mà còn chung cho cả 3 nước Đông Dương, gồm cả Campuchia và Lào. Tờ vé xổ số đầu tiên phát hành năm 1935 có nhiều điều đặc biệt. Nó được ghi bởi 3 loại chữ viết 3 nước Đông Dương. Lúc này, vé số phát hành mỗi năm có 1 tờ, giá bán 1 đồng bạc Đông Dương. Giải độc đắc là một vạn đồng bạc này, một khoản tiền rất lớn thời đó. Ngoài ra, nhiều giải thưởng phụ khác cũng được phát kèm cho người trúng giải. Đây là tờ vé số duy nhất phát hành mà 1 năm sau mới phát thưởng. Bởi từ năm 1936, vé số mỗi năm phát hành 4 lần, vẫn bán chung toàn cõi Đông Dương.

Những tờ vé số Đông Dương phát hành tới năm 1944 thì tạm ngưng.

Thời điểm này, do biến động chính trị và chiến tranh, người Pháp đã mất tầm ảnh hưởng nên vé số ngừng phát hành tới tháng 12/1951 thì quay trở lại. Lúc này, vé số vẫn xổ mỗi quý một lần nhưng chỉ trên phạm vi từ Huế trở vào tới Cà Mau, sau đó dần tăng lên mỗi tháng/lần. Đây là những tờ vé số do chính quyền quốc trưởng Bảo Đại phát hành ở miền Nam. Lúc này, trên tờ vé số chỉ còn 2 loại chữ, gồm chữ Nho và chữ Quốc ngữ. Vé số có giá 10 đồng, giải độc đắc là một triệu đồng. Sau khi Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm lật đổ, buộc phải sống lưu vong năm 1955 thì những tờ vé số cũng có chút thay đổi, bắt đầu tăng lên mỗi tuần một lần, xổ vào ngày thứ 3. Nhiều người cao tuổi cho rằng, dù phát hành ở khu vực phía Nam nhưng một số người dân ở Hà Nội thời điểm này vẫn mua và dò kết quả xổ số được. Tới năm 1975, chính quyền Sài Gòn sụp đổ, đất nước thống nhất thì vé số bị ngưng phát hành cho tới năm 1979 lại được phát hành trở lại với tên xổ số kiến thiết. Vé số sau đó được chuyển cho tỉnh thành hoặc cụm tỉnh thành, cho tới ngày 1/4/2020, vé số tiếp tục bị ngưng do dịch bệnh Covid-19. Đây là lần ngưng phát hành thứ 3 trong lịch sử gần 90 năm tồn tại của vé số trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo nhiều người, vé số bắt đầu trở thành một thú vui và được nhiều người quan tâm nhất chính là giai đoạn từ năm 1955, dưới thời Ngô Đình Diệm ở các tỉnh phía Nam. Lúc này, vé số có giá 10 đồng, một số tiền được coi là lớn thời đó. Thế nhưng, đông đảo thị dân vẫn có cách mua vé số của riêng mình bằng cách bỏ ra 1 hoặc 2 đồng mua số đề, là dãy gồm 2 hay 3 số cuối của tờ vé số độc đắc. Do số đề rẻ hơn, được nhiều người ưa chuộng nên có thời gian, vé số do chính quyền miền Nam in ấn bị ế ẩm, không ai mua. Thậm chí, nhiều người dân vi phạm giao thông, vi phạm hành chính thời đó còn bị bắt buộc phải mua vé số, thay vì đóng phạt. Để khuyến khích người dân mua vé số, chính quyền miền Nam còn sáng tác cả bài hát, thường phát mỗi ngày khích lệ.

Ngày đó, để dò tờ vé số cũng rất công phu. Chỉ những gia đình giàu có mới có thể coi kết quả xổ số trên đài, vô tuyến. Những người khá giả có thể mua một số tờ báo để dò. Trong số đông thị dân còn lại, cách dò vé số thời đó là mua giấy dò, rồi xem chung kết quả. Nếu người dân ở các tỉnh thành xa Sài Gòn như miền Tây Nam bộ, thậm chí còn phải đi xe đò ra trung tâm để mua giấy dò lấy kết quả.

Ngoài vé số do chính quyền thời gian đó phát hành, những năm trước năm 1975 ở khu vực phía Nam có một loại vé số Tombola khá đặc biệt. Đây là loại vé số dạng “tư nhân”, do các trường học, tổ chức tôn giáo, tư nhân phát hành nhằm quyên góp tiền bạc. Họ thuê các nhà in để in, cơ cấu giải thưởng cũng không khác các tờ vé số của chính quyền. Chỉ có điều giải thường hầu hết là hiện vật, không phải tiền bởi vé số Tombola không phải để kinh doanh, hầu hết sử dụng vào mục đích từ thiện hoặc mục đích công cộng chung.

Thú chơi vé số xưa

Ngày nay, vé số đã vô cùng phổ biến, nhất là khu vực phía Nam bởi các tỉnh, thành được quyết định việc in, phát hành. Ngồi ở một quán cà phê ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh một buổi sáng, bạn có thể gặp khoảng vài chục người mời mua vé số. Các đô thị khác ở khu vực phía Nam, số lượng người bán vé số cũng rất đông. Mỗi người một ngày có thể bán khoảng 150 tới 200 tờ vé số. Nhưng vé số không chỉ thu hút người mua vì giải thưởng mà hiện nay, nó còn là một thú vui sưu tầm của nhiều người. Cũng như các vật dụng tem, tiền... những tờ vé số cũ, lâu năm hiện có giá trị tư liệu, thẩm mỹ cũng như giá trị đời sống một thời. Và giá bán cũng khá cao, có khi tới cả triệu đồng, tuỳ theo giá trị.

Thăng trầm những tờ vé số - 1

Tờ vé số đầu tiên ở Việt Nam.

Ông Đỗ Tiến Dũng, một giáo viên tiểu học ở xã Long Trạch (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) người nhiều năm sưu tầm vé số chia sẻ: “Mỗi tờ vé số không chỉ có giá trị lĩnh giải thưởng mà còn nhiều tư liệu đời sống khác, nhất là các tờ vé số xưa. Sau khoảng gần 100 năm tồn tại, các tờ vé số không khác nhiều lắm. Ngoài số tiền mua, giá trị các giải thưởng, đơn vị phát hành… thì mỗi tờ vé thường in, vẽ các hình ảnh về đời sống, văn hoá của thời gian đó. Đây cũng là giá trị mà nhiều người sưu tầm vé số lựa chọn. Cầm một tờ vé số thời nhà Nguyễn phát hành sẽ giúp ta phần nào hiểu được cuộc sống thời đó, tờ vé số thời Việt Nam Cộng hòa cũng giúp phần nào hình dung về cuộc sống người dân khi đó. Với bản thân tôi, những tờ vé số không trúng giải cũng có giá trị riêng, nhất là những tờ vé cũ”.

Hiện nay thú chơi và sưu tầm những tờ vé số xưa cũ khá phổ biến. Thậm chí ở trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh còn có hẳn một khu chợ nho nhỏ dành cho những người mua bán, trao đổi các tờ vé số xưa cũ, cùng một vài mặt hàng cổ xưa khác. Nhiều dân chơi cho rằng, ngoài các tờ vé đặc biệt, việc sưu tầm đủ bộ vé số xưa qua các thời kỳ cũng có giá trị cao với người chơi.

Dù chưa bao giờ coi là một nghề nhưng tháng 4/2020, chính quyền TP HCM đã thống kê được khoảng 12.000 người bán vé số trên địa bàn, tương đương số giáo viên mầm non biên chế trên địa bàn. Có thể nói, dù muốn hay không thì vé số vẫn là một phần của đời sống, của lịch sử và phần nào là văn hoá dành cho tầng lớp thị dân nhiều năm qua. Nó vẫn đúng với thông điệp mà nhiều năm qua vé số luôn đeo đuổi là “ích nước lợi nhà”.

Tờ vé không bao giờ xổ năm 1975:

Trong lịch sử những tờ vé số có một tờ khá đặc biệt do chính quyền Việt Nam Cộng hòa phát hành vào tuần cuối cùng tháng 4/1975. Khi đó vé phát hành tuần/lần. Tờ vé có giá 10 đồng và 1 lô cao nhất là 5.000.000 đồng, cùng nhiều giải khác. Theo lịch, thứ 3 ngày 3/5/1975 vé sẽ xổ. Tuy nhiên, ngày 30/4/1975 chính quyền Sài Gòn sụp đổ và tờ vé số này mãi mãi không bao giờ có kết quả. Tờ vé số này in hình 2 con trâu, một con nghé trên cánh đồng với dòng chú thích “tình mẫu tử”. Tất cả những người đã mua tờ vé này đều mãi mãi không bao giờ có cơ hội trúng giải, dù là giải thưởng “an ủi” phụ kèm theo.

Hiện nay nhiều người sưu tầm có tờ vé này, bán với giá khá cao. Đặc biệt, một số người chơi vé số còn cho biết một số người còn sở hữu cả những tờ vé số in sau ngày 3/5/1975. Đây là các tờ vé số chưa phát hành, được nhà in in trước. Sau đó, vì nhiều lý do khác nhau, chúng chưa bị tiêu huỷ và một vài người vẫn giữ lại được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thăng trầm những tờ vé số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO