Thanh âm cũ

NGUYỄN MINH HOA 15/08/2022 07:16

Có một thế giới khác, khác xa với ngôi nhà, con ngõ nhỏ và làng xã của tôi. Một thế giới tôi ước ao được chạm đến, đường đất lại xa mãi tận thủ đô Hà Nội. Nhen nhen trong lòng tôi những mặc cảm rằng mình là người quê, hàng xóm hay cả những người cùng cánh thoát ly với bố mẹ tôi thì cũng quê mùa cả thôi.

Chiếc đài Cửu Long đã từng gắn bó với nhiều gia đình. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Thế nhưng, thế giới ấy rất gần, òa ập trong tâm hồn tôi, hiện hữu trong căn nhà ngói có buồng gói, tràn ngập ra cả cái sân gạch, âm thanh vang vang ra tận sân bể. Đường làng ngõ xóm tôi cũng vang vọng âm thanh ấy khi “tiếp sóng”, đó là Đài Tiếng nói Việt Nam.

Và nói thế thôi, làng tôi ven đô, có người trong làng đi tỉnh làm ăn đã tận mắt thấy tòa nhà cổ quét vôi màu vàng số 58 phố Quán Sứ - Hà Nội. Về kể mãi rằng tận tai nghe thấy câu: Đây là đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phát ra từ số nhà ấy. Có người lại kể qua đó đúng lúc “tút tút” chính ngọ, rất sướng tai.

Xưa, cả làng tôi tù mù đèn dầu, bố mẹ tôi thoát ly, mẹ lại làm bách hóa nên mua được cả can dầu 20 lít chị em mang dây thừng và đòn gánh đi khênh về khiến những người hàng xóm nhìn vào vừa thèm vừa tưng tức. Vì có dầu nên nhà tôi có đến 7 cái đèn.

Có đèn bão Trung Quốc, bóng thủy tinh mỏng dính, trong vắt cực sáng, thắp ăn cơm tối và cho anh chị em tôi quây quần học. Đèn đóm thế nên đài chạy pin hay ắc quy là lẽ đương nhiên. Thế nhưng không vì lẽ ấy mà cái đài Philip của nhà tôi không được bật suốt buổi và cũng không biết từ bao giờ tôi đã thuộc các khung giờ của chương trình theo ngày, theo tuần.

Người quê dậy sớm, đương nhiên nhà tôi không làm ruộng thì các con cũng bị bố mẹ khua dậy sớm để ăn sáng đi học. Bố tôi nghiện trà, sớm nào ông cũng dậy pha ấm trà và bật đài thật to có ý gọi đàn con đang tuổi ăn tuổi ngủ biết đường mà dậy.

Tôi cũng học buổi sáng, nhưng không thể dậy sớm được, nên rất sợ chương trình thể dục buổi sáng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhạc, tiếng hô, hít thở, luôn ám ảnh tôi. Bố tôi ngồi uống trà, hút thuốc lá và nghe đài. Tôi cũng không muốn ăn sáng bao giờ, nhưng sợ bố mẹ nên vẫn phải ăn. Tiếng đài bật to rộn ràng khắp nhà, bố tôi bình thản nghe hay không nghe đài tôi cũng không rõ lắm.

Các con đi học hết, bố tôi cũng chỉ làm bạn với cái đài. Hàng xóm phần vì ghen với cảnh nhàn tản của bố tôi, phần vì bố tôi ít tiếp xúc với họ nên có người bảo bố tôi “khoảnh”. Có lẽ bố tôi biết, nhưng kệ. Bố tôi về hưu, nuôi lợn đầy chuồng chứ có chơi đâu. Vì “nuôi lợn ăn cơm nằm” nên bố tôi nghe đài cả ngày cũng là phải.

Tầm trưa, lợn nhà tôi không rít lên vì chúng khìn khịt nhớ bữa là được cho ăn, còn lợn nhà người ta phá chuồng. Trẻ con trường làng xưa thường chỉ học 3 tiết là về. Chúng tôi nghênh ngang khi thì đi đường nhặt quả vú vò, quả sung gốc ăn, khi lại đi đường chợ tổng ăn quà. Có hôm về đến gần nhà đài đã hát chèo, nghe tiếng nhạc đã biết chơi hơi quá nên ăn vội ăn vàng miếng quà rồi ba chân bốn cẳng chạy về nhà.

Tôi vứt cặp, thay quần áo rồi mò xuống bếp, xem tình hình cơm nước thế nào. Bố tôi vẫn ngồi ở cái ghế nghe đài và dõi theo. Xưa, ít sáng tác mới nên các chương trình dân ca và nhạc cổ truyền thường phát đi phát lại. Anh chị tôi về sau, đến cổng đã nhăn nhó kêu ca:

- Đã đói thì chớ, bị nện hai tiết Toán cuối, về nhà lại nghe tiếng hát chèo. Sốt cả ruột.

Mẹ tôi cũng đã đi làm về, mâm bát dọn lanh canh. Anh chị tôi mặc nguyên cả bộ quần áo đi học ngồi ăn vì ngại thay. Bố tôi ăn nhanh, uống trà rồi đi nằm. Tôi tự biết mình sẽ phải rửa bát. Tiếng nhạc giao hưởng nhắc tôi đã 1h30 rồi.

Ngó thấy bố ngủ, tôi tắt đài rồi lẻn sang nhà hàng xóm hay ra bụi tre xem có ai không thì hóng chuyện, đỡ phải ngủ trưa. Vãn chuyện, tôi về ngồi vào bàn học. Bố tôi dậy quét tước dọn dẹp, loanh quanh một lúc rồi cũng đến giờ nấu bữa chiều. Tôi thì ngóng giờ đọc chuyện thiếu nhi. Những “Đảo giấu vàng”, “Hai vạn dặm dưới biển”, “Nơi xa”… đều được đọc ở chương trình này.

Tôi mê, ước ao được gần người viết, người đọc, sao giọng đọc hay thế. Những cuốn truyện này tôi có, sao tôi đọc không thấy hay, bỏ đấy, trưa đi bêu nắng, suốt hè đọc không hết, còn lại cứ thích nghe đọc trên đài…

58 Quán Sứ xa vời vợi.

Mấy đứa hàng xóm bám vào tường bao nhà tôi nghe, nhà chúng không có đài, đài đội (đài truyền thanh xã) lại không bao giờ tiếp sóng những chương trình này. Tôi ghét chúng vì trong số đó có đứa bắt nạt tôi, liền vào nhà vặn thụt cái đài cho tiếng nhỏ đi. Bố tôi biết ngay mắng cho một trận vì tính nhỏ nhen này.

Nhà sẵn đài, thích nghe gì thì nghe, bố tôi đi họp hay đi lĩnh lương là tôi lôi ra chỉnh, bắt sóng đài khác nghe chơi. Nghịch xong, không biết chùi mép lại để nguyên đấy. Bố tôi về đến nhà, bật đài thấy tịt là biết ngay, lại ăn mắng luôn…

Đài đội tiếp sóng đài huyện, đài huyện tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam rất hay chú ý đến chuyên mục văn học nghệ thuật, đặc biệt là thơ. Tất cả những bài thơ như “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm hay “Nhớ con sông quê hương” của Giang Nam… cho đến bài nói chuyện của nhà thơ Xuân Diệu về tiếng Việt tôi đều được nghe từ “tiếp sóng” trên đài đội.

Tôi biết yêu quê hương từ đó. Mãi sau này lớn lên tôi mới cắt nghĩa được, đó là tình yêu đất nước. Nếu không có Đài Tiếng nói Việt Nam tôi làm sao biết được những bài thơ này. Tôi chép vào sổ thơ không có dòng kẻ, từng dòng chữ lên xuống dốc ấy với cảm xúc đặc biệt.

58 Quán Sứ xa mà gần.

Chị cả tôi cũng mê ngủ nướng, nhưng sớm mai lại rất hay có bài hát hay. Chị bị gọi như hò đò không chịu dậy, nhưng thấy giới thiệu bài hát là lao dậy như tên bắn, lấy bút và kiếm giấy chép bài hát.

…Đảo Yến ung dung nơi trùng khơi, ngàn năm soi bóng con nước dâng đầy vơi…

Bố tôi tức lắm, nhưng biết làm sao. Nhiều ngày mới chép xong được bài hát, chị tôi nắn nót chép vào cuốn sổ bìa cứng các bài hát chép được, đôi khi còn vẽ bông hoa cách điệu vào đó. Chị tập hát theo mỗi khi giặt quần áo hay rửa bát, chính vì thế mà tôi cũng thuộc rất nhiều bài hát kiểu không đầu không cuối.

Đọc truyện đêm khuya tôi mê nhưng ít được nghe vì bố tôi bảo ngủ sớm đi mai còn đi học. Nghe xong đầu đề thấy bố tắt thụt đi làm tôi tiếc mãi. Tôi ao ước có ngày nào tôi viết truyện và được đọc ở trên đài. Ước mơ theo vào giấc ngủ.

Thứ bảy, ai cũng ngóng nghe đài. Là tôi nói nhà có đài thôi, chứ còn đài đội thì không biết người phụ trách truyền thanh của xã thế nào, có tiếp sóng không?

Sáng thứ bảy có “Chuyện kể ở đại đội” bao giờ cũng được mở đầu bằng một câu rất lính “Các đồng chí ạ”. Nghe câu ấy ai cũng nhìn ra như anh bộ đội áo xanh quân hàm đỏ, chú sĩ quan mặc bộ pho tá, đội mũ pho chỉnh tề… Còn nội dung chuyện thì quá hay rồi. Dân còn mê nữa là cánh bộ đội hay cựu chiến binh.

Thường thì tối thứ bảy nhà tôi hay “ăn tươi” và ăn sớm để còn nghe cảnh giác. Chị tôi hôm nào mà bê bát ra sân bể đã nghe “Kể chuyện cảnh giác” là vội cuống cuồng. Hôm nào truyện mới thì vui, thi thoảng có hôm truyện cũ cả nhà ồ lên thất vọng.

Truyện cảnh giác thứ bảy hay từ nhạc hiệu cho đến nốt nhạc cuối cùng. Đã hay mà còn bổ ích, nghe để không còn bị lừa. Công nhận những tình tiết nhiều khi “ghê răng” cực. Anh tôi còn bảo có câu chuyện nghe xong sợ không dám ra sau vườn đi tè, nhất là âm nhạc.

Chương trình cảnh giác hay, chương trình sân khấu cũng rất hay. Cả nhà cứ ra ra vào vào quanh cái đài, các tuần đều được đổi món cải lương hay kịch. Tiếng đài Nhật nét bong, người chưa đi rừng mà nghe còn mường tượng ra rừng, người chưa biết biển mà nghe thôi cũng như thấy biển.

“Chuyện phum sóc bản mường” tôi lại bảo “Chuyện buôn khắp bản mường” làm cả nhà cười trêu suốt. Chuyện về những người sống trên núi cao, ốm không uống thuốc lại cúng con ma. Có thầy mo, thầy tào bôi máu gà vào cánh cửa, mùi máu khiến đêm có con chim về đấy đập cánh tìm mồi gia chủ sợ hết hồn tin là người chết trở về đòi mạng người đang sống… bà con nghe ra chứ nếu cứ mê tín dị đoan thì còn đói khổ…

Những thanh âm rộn ràng suốt một chặng dài, thật là dài, đủ cho những thế hệ nhớ, cất giữ mang theo…

Khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội bạn tôi về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ, Hà Nội), có lần tôi được bạn mời đến cơ quan, khi bước chân vào tòa nhà quét vôi màu vàng đó, tôi thấy lâng lâng.

Thế là đã có một ngày tôi được đến đó, được tận mắt thấy các biên tập viên, kỹ thuật và các phát thanh viên làm việc. Và thật đặc biệt có một ngày truyện của tôi được chọn thu thanh, phát sóng…

Ước mơ của tôi, của một người làng ven đô năm nào đã thành hiện thực…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh âm cũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO