Thành công không bắt đầu bằng tuyệt vọng

Ngọc Linh (tổng hợp) 12/08/2021 16:32

131 năm trước, ngày 27/7, danh họa Van Gogh qua đời khi mới 37 tuổi. Trong 10 năm vẽ, ông vẽ nhiều, nhưng chỉ bán được một tác phẩm với giá rất rẻ. Nhưng đến nay, những bức tranh ấy được coi là kiệt tác hội họa thế giới, và tranh của ông vẫn luôn được săn đón với các mức giá chuyển nhượng cao kỷ lục. Một thiên tài hội họa nhưng khi còn sống đã trải qua chuỗi ngày tháng đau khổ, cay đắng.

Chân dung tự họa phần mặt trái của Van Gogh sau tự cắt tai.

1. Danh họa người Hà Lan, có tên đầy đủ là Vincent Willem van Gogh, sinh ngày 30/3/1853, thường được biết đến với tên Vincent van Gogh. Dù sống một cuộc đời ngắn ngủi, nhưng cuộc đời ông lại quá nhiều chất liệu để người đời sau khai thác. Và vì thế, đến bây giờ, có lẽ Van Gogh là họa sĩ có nhiều sách nhất - những cuốn sách viết về ông, về những trầm luân đau khổ; về những trái ngang dị biệt; về danh tiếng và những lặng lẽ đớn đau… Cuốn sách “Van Gogh The Life” (Cuộc đời Van Gogh) nổi tiếng thế giới, mới đây được các dịch giả Ngô Đức Trung, Vũ Đình Thắng, Trần Khả Ái, Bùi Duy Trung chuyển ngữ sang tiếng Việt, tiếp tục đưa người ta dõi theo cuộc đời của Van Gogh.

Không dễ đọc cuốn sách này, không phải vì nó dày tới gần 1300 trang, mà có lẽ bởi sự đa tầng lớp lang của một con người, một đời người. Nhưng khi đã đọc, thì khó buông sách. Nội dung cuốn sách được chia làm 3 phần. Đặc biệt là những chương cuối, nói về khía cạnh nghệ thuật và giai đoạn Van Gogh tạo ra được nhiều tác phẩm nhất trong sự nghiệp hội họa của mình.

2. Bây giờ, bất cứ cái gì liên quan đến huyền thoại Van Gogh cũng được giới sưu tập săn lùng. Một bức tranh. Một cuốn sách. Thậm chí một lá thư. Nhưng ít ai biết, dù khởi đầu nghề vẽ với mục đích “vì tiền”, nhưng cả đời Van Gogh chỉ bán được đúng một bức tranh với giá rẻ mạt.

Van Gogh bắt đầu vẽ tranh từ năm 27 tuổi và liên tục cho đến lúc chết ở tuổi 37. Vào những năm cuối đời, khi bắt đầu có chút danh tiếng, thì ông vẫn thờ ơ với những lời tán tụng.

Gần như cả cuộc đời Van Gogh phải chung sống với nghèo đói và đủ loại bệnh tật: tâm thần phân liệt, rối loạn chức năng, ngộ độc màu vẽ, động kinh và rối loạn chuyển hóa porphyrine cấp tính... Van Gogh đã nhiều lần phải vào nhà thương điên để chữa bệnh.

Ngày 23/12/1888, Van Gogh đã tự tay cắt bỏ tai của mình với một lưỡi dao cạo trong khi lưu trú tại Arles, Pháp. Sau đó, ông đã tự họa lại chân dung của mình với một bên tai vẫn còn đang băng bó. Bức họa được đặt tên là “Self-Portrait”, sau này trở thành một kiệt tác hội họa thế giới, từng được bán đấu giá với mức giá 90 triệu USD.

Sinh ra trong một gia đình có lịch sử khổ đau, có mầm bệnh điên di truyền qua nhiều thế hệ, Van Gogh có nhiều hành động khác thường cũng là điều có thể lý giải. Và cũng bởi tính cách dị biệt của mình, ít người chịu đựng được ông. Cả cuộc đời, những người yêu thương ông có lẽ chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay như em trai Theodorus, người bưu tá già, họa sĩ Gauguin, bác sĩ Gachet...

Cuộc đời của Van Gogh dạy cho chúng ta bài học về sự tôn trọng dành cho mỗi con người. Rốt cuộc, vẻ bên ngoài và hành vi của một con người chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Những tài năng, giấc mơ, những ý tưởng khao khát thay đổi thế giới của một nghệ sĩ thiên tài đã bị che giấu và chỉ được công nhận khi ông đã chết. Cuộc đời ông cũng nhắc nhở chúng ta một bài học về sự quyết tâm và hãy làm tốt công việc của mình để không ai có thể phớt lờ bạn.

3. Tại bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam từng giới thiệu tới công chúng 40 bức thư của Vincent van Gogh. Nó được ví như những “kiệt tác” nghệ thuật. Thực tế, mỗi bức thư của Vincent cũng chính là những tác phẩm nghệ thuật. Những bức thư là thứ tiết lộ con người thực của ông.

Sinh thời, danh họa người Hà Lan này là người thích viết thư. Mỗi tuần có khi ông viết vài bức. Người ta đã tìm thấy hơn 800 bức thư của Van Gogh, và hầu hết chúng đang ở trong viện bảo tàng mang tên ông. Đa số là những bức thư ông gửi cho em trai Theo Van Gogh.

Vincent viết cho Theo xuyên suốt cuộc đời ông, nhưng những bức thư của họ thực sự bắt đầu năm 1880, khi Vincent quyết định trở thành một họa sĩ. Vincent đã thất bại ở 3 nghề khác nhau: người bán tranh, giáo viên và cha xứ. Có tài liệu cho rằng, khi đến với nghề vẽ, ông gần như không biểu hiện tí năng khiếu hội họa nào. Vincent cũng không được giáo dục bài bản về hội họa.

Người em trai của Vincent có công việc bán tranh ổn định, nhưng ông không hề quyền lực hay giàu có - chỉ là một nhân viên bình thường. Trong 10 năm theo nghề vẽ, Vincent luôn được em trai trợ cấp. Theo ủng hộ anh trai mình bởi vì ông yêu và tin Vincent. Ông khuyến khích anh mình được tự do vẽ bất cứ thứ gì ông muốn, theo bất cứ cách nào ông muốn. Ông tin rằng Vincent sẽ được nhớ tới như là “một họa sĩ của họa sĩ”.

Những bức thư của Van Gogh viết thường dài và chân thành. Những bức thư của ông đầy ám ảnh, đồng thời lại vô cùng thân mật. Ông thành thật và không e sợ, đó là điều khiến những câu từ của ông trở nên rất cuốn hút.

Năm 1886, Vincent rời quê nhà Hà Lan để tới sống cùng Theo ở Paris. Đối với Theo, đó là một cơn ác mộng. Sống cùng nhà hai năm ròng, Theo nhận ra Vincent bị bệnh đa nhân cách. “Anh ấy làm cuộc sống trở nên khó khăn không chỉ cho người khác mà cho cả chính mình”.

Nhưng ở Paris, Vincent lại gặt hái thành công, và Theo bắt đầu nghĩ là một ngày sẽ có thị trường cho tranh của anh mình.

Vào 1888, Vincent rời Paris và chuyển tới Arles ở miền Nam nước Pháp. Chính tại nơi này mọi thứ đâm hoa kết trái - một chuỗi những tác phẩm tuyệt đẹp. “Đôi lúc anh như được khai sáng, khi thiên nhiên hùng vĩ đến nỗi anh gần như không còn nhận thức được bản thân nữa, và những hình ảnh cứ ập đến anh như một giấc mơ”, ông viết cho Theo.

4. Cái chết của Van Gogh đến bây giờ vẫn khiến nhiều người quan tâm. Trong cuốn “Van Gogh The life” cho biết: Khi cảnh sát nghe tin Vincent đã tự làm mình bị thương, họ có mặt và truy vấn, “Anh muốn tự tử sao?”. Vincent lơ đãng đáp lại: “Vâng, tôi tin là thế”.

Chẳng phải Vincent chưa từng nghĩ đến việc tự tử. Trong những nốt trầm tuyệt vọng khi còn ở Amsterdam, vào năm 1877, ông thiết tha suy tưởng về sự thanh thản và vượt thoát cái chết - về điều giống như “xa rời mọi thứ”. Đôi khi ông còn bỡn cợt về việc đó (đọc thuộc lòng “chế độ ăn uống” dành cho việc tự tử của Dickens). Thi thoảng, Vincent dọa sẽ làm như vậy. Từ những đáy sâu tuyệt vọng trong thời kỳ ở Borinage, Vincent hứa với em trai rằng anh sẽ “ngừng sống” nếu khi nào anh cảm thấy bản thân là “một kẻ phiền toái hoặc một gánh nặng cho em hay với mọi người ở nhà - chẳng có ích lợi gì cho bất cứ ai”.

Vào 27/7/1890, ông tự bắn vào ngực mình. Theo vội đến bên ông. Vincent qua đời 2 ngày sau đó. Trong túi áo ông là một bức thư viết dở dành cho Theo.

6 tháng sau, Theo cũng qua đời. Di sản của Vincent có lẽ đã đi theo ông, nếu không nhờ vợ Theo, bà Jo. Bà trở thành người lưu giữ sự nghiệp của Vincent. Năm 1925, bà Jo mất, và bộ sưu tập tác phẩm Vincent của bà được con trai Vincent Willem thừa kế. Năm 1973, bộ sưu tập này tìm được ngôi nhà mới ở viện bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam.

Những câu nói nổi tiếng của Van Gogh:

- Tôi cũng tin rằng một người thành công là một người không được bắt đầu bằng sự tuyệt vọng; ngay cả khi họ thất bại ở đây và ở đó, ngay cả khi họ thấy lòng mình suy sụp, thì vấn đề vẫn là hồi sinh và có lòng can đảm, mặc dù mọi thứ không diễn ra như suy nghĩ ban đầu.

- Sự vĩ đại không đến từ một giây phút hưng phấn, nó là sự kế thừa của những điều nhỏ nhặt được kết hợp lại với nhau.

- Hãy luôn tốt bụng ngay cả khi cuộc sống đôi lúc khó khăn, những gì cần đến sẽ đến và không ai có thể làm những gì anh ấy thực sự muốn ngay từ đầu.

- Hãy năng đi bộ và gần gũi với thiên nhiên, vì đó thực sự là cách để ta cảm nhận nghệ thuật ngày càng tốt hơn. Các họa sĩ thấu hiểu và yêu quý thiên nhiên, sau đó truyền đạt lại qua tác phẩm của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành công không bắt đầu bằng tuyệt vọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO