Trước nguy cơ bão số 4 sẽ đổ bộ vào khu vực Bắc Trung bộ, đến sáng ngày 25/7, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hoá đã kêu gọi được 6.163 phương tiện với 23.609 lao động vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện còn 1.326 phương tiện/3.581 lao động hoạt động trên biển đều đang trên đường vào nơi tránh trú bão. Tất cả các phương tiện đều đã nắm được thông tin về tình hình diễn biến của bão số 4 và duy trì liên lạc với đất liền.
Tàu bè của ngư dân đã chủ động vào bờ tìm nơi tránh trú bão số 4.
Cũng theo báo cáo, để chủ động ứng phó với cơn bão số 4, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã có công điện khẩn về việc chủ động ứng phó với bão số 4 gửi các ban, ngành trên địa bàn toàn tỉnh, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ.
Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh, thoát ra và không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến, nhất là các khu vực neo đậu quanh các đảo tránh những thiệt hại không đáng có.
Sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn về người, tài sản tại khu vực du lịch ven biển, trên các đảo, trên các lồng, bè nuôi trồng thủy, hải sản và tại những khu vực thường xuyên bị ngập lụt.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; cảnh báo, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động chuẩn bị các biện pháp phòng tránh; chủ động tiêu thoát nước đệm để bảo đảm an toàn chống úng cho lúa và hoa màu....
Nhằm bảo đảm an toàn hồ, đập và các công trình thủy lợi, trước đó, trong sáng ngày 24/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các đơn vị thủy nông và địa phương trên cơ sở căn cứ vào mực nước các sông để mở cống, xả tiêu lượng nước đệm.