Thanh Hóa: Đậm đà làng nước mắm Khúc Phụ

Nguyễn Chung 14/01/2022 09:00

Làng nghề nước mắm truyền thống Khúc Phụ, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa là làng nghề có truyền thống lâu đời có đến hàng trăm năm tuổi. Thương hiệu, nước mắm Khúc Phụ dầu chưa phủ sóng rộng như nhiều thương hiệu đình đám khác nhưng nó cũng đã kịp trở thành hương vị không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của người dân trong xã nói riêng và trong tỉnh Thanh Hóa nói chung. “Tiếng lành đồn xa”, theo thời gian, nước mắm Khúc Phụ cũng đã trở thành đặc sản dùng để làm quà biếu cho người thân, bạn bè trong mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Đối với người dân địa phương, đây cũng là dịp để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trong năm nên ai cũng tất bật với công việc của mình, người đong mắm, dán nhãn, người ghi sổ, đóng thùng...

Dưới đây là một số hình ảnh mà phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã ghi lại tại làng nghề truyền thống Khúc Phụ những ngày cuối năm Tân Sửu 2021:

Cơ sở sản xuất nước mắm mang thương hiệu Bà Hảo. Đây đang là thời gian cao điểm như dịp giáp Tết, sản lượng tiêu thụ tăng lên khoảng 3.000 đến 4.000 lít/tháng, mang lại doanh thu bình quân cho gia đình bà Hảo khoảng từ 50 - 70 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Minh Đạo - con trai bà Hảo cho biết: Lúc nào trong xưởng sản xuất cũng có từ 60 đến 80 tấn mắm ủ chượp với sản lượng tiêu thụ khoảng 2.000 lít nước mắm/tháng. Vào thời gian cao điểm như dịp giáp Tết, sản lượng tiêu thụ tăng lên khoảng 3.000 đến 4.000 lít/tháng, mang lại doanh thu bình quân cho gia đình bà Hảo khoảng từ 50 - 70 triệu đồng/tháng.
Trong khu nhà kho hỗn hợp khá bề bộn, anh Nguyễn Văn Các, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Bà Hoan, đang cẩn thận kiểm tra mẻ nước mắm cốt mới được rút ra từ bể lọc. Cũng như nhà bà Hảo, đây cũng là thời điểm bận rộn nhất trong năm của gia đình anh Các.
Theo anh Các: “Để làm nên những giọt nước mắm có vị đậm đà, thơm ngon mang đặc trưng riêng, khâu chọn cá để ủ mắm được cho là quan trọng nhất. Cá để muối chủ yếu là cá nục, cá cơm, cá chích…, cá càng tươi thì vị nước mắm càng đậm. Bên cạnh đó, để nguyên liệu không bị lẫn các loại cá khác, hoặc sứa dẫn đến nước mắm không chuẩn vị… gia đình chỉ thu mua 3 lần/năm vào các tháng 2, 6,10. Muối sử dụng cũng phải là loại muối biển sạch, được cất giữ một thời gian ở nơi khô ráo cho hết vị chát. Với cách làm truyền thống, quá trình phân rã cá tự nhiên kéo dài từ 20 - 24 tháng, tùy thuộc vào từng loại cá, thời gian ngâm ủ càng lâu thì nước mắm càng thơm ngon…” .
Nếu bình quân mỗi tháng, gia đình anh Các tiêu thụ khoảng 2 đến 3 tấn mắm thì những dịp giáp Tết, số lượng mắm tiêu thụ tăng gấp 4, 5 lần, tương đương với khoảng 1.000 lít.
Tết Nguyên đán 2021 đang cận kề, nhu cầu sử dụng nước mắm dịp này tăng đột biến. Một tháng trở lại đây, các đơn hàng từ khắp nơi trong cả nước đến dồn dập, hơn 10 lao động tại cơ sở làm việc hết năng suất. Mặc dù các đơn hàng tăng đột biến nhưng tất cả các khâu chế biến luôn được các cơ sở sản xuất tại Khúc Phụ thực hiện nghiêm ngặt, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến các ngành nghề, nhưng nghề làm nước mắm vẫn duy trì đều sản xuất. Riêng các tháng cuối năm lượng tiêu thụ tăng gấp nhiều lần nên các gia đình tại làng nghề Khúc Phụ vẫn có nguồn thu nhập ổn định và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương….
Thống kê của UBND xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa cho thấy: Toàn xã hiện có khoảng 450 hộ làm nước mắm truyền thống, với khoảng 2.500 lao động. Chiếm 15% tỉ trọng kinh tế của cả xã. Có thể nói, sản xuất nước mắm đang là nghề chủ lực mang lại cuộc sống ổn định và khấm khá cho người dân Hoằng Phụ.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Hóa: Đậm đà làng nước mắm Khúc Phụ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO