Thanh Hóa: Hiệu quả từ những dự án bảo vệ môi trường

T. Linh 09/09/2021 09:30

Ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, không chỉ ở thành thị mà cả ở khu vực nông thôn. Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải, chất thải nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng nhiều mô hình điểm về bảo vệ môi trường hiệu quả.

Điển hình là “Mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải, ủ rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” được thực hiện ở xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân năm 2020. Xuân Dương là xã vùng thấp của huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa có trên 734,24 ha đất sản xuất, 1.466 hộ với 5.413 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc Kinh, Mường, Thái, Nùng, trong đó trên 92% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đời sống của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và 1 số ngành dịch vụ nhỏ lẻ khác. Thông qua công tác nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân, Hội Nông dân tỉnh đã cấp 206 thùng chứa rác loại 60 lít gồm 2 loại, chứa rác vô cơ và hữu cơ.

Khi triển khai cấp phát thùng chứa rác cho các hộ dân, cán bộ phụ trách môi trường và công nhân của công ty thu gom sẽ hướng dẫn cụ thể, trực tiếp để bà con nhận biết loại rác nào có thể phân hủy (rác hữu cơ), loại rác thải nào thuộc loại chất thải rắn, chất thải nhựa khó phân hủy hoặc có thể tái chế (rác vô cơ).

Sau khi rác được phân loại, rác thải vô cơ sẽ được công ty môi trường thu gom đem đi xử lý, rác thải hữu cơ sẽ được các hộ gia đình đưa vào bể chứa (có thể bằng bê tông hoặc đào hố lót bạt dứa) trộn đều với chế phẩm AT-BIO, 30 ngày sau rác thải sẽ được phân hủy thành phân bón hữu cơ. Mô hình này không chỉ đơn thuần là thu gom, phân loại rác thải mà còn tạo được nguồn phân bón hữu cơ sạch giúp tiết kiệm chi phí trong sản xuất và giảm tải cho các bãi rác tập trung.

Tương tự, một mô hình bảo về môi trường khác cũng đang được thực hiện hiệu quả ở xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung. Xã có diện tích tự nhiên gần 25 km2 với 10.000 nhân khẩu. Vốn có truyền thống sản xuất nông nghiệp, nhiều năm gần đây, nghề khai thác và chế tác các loại đá xây dựng phát triển mạnh, cùng với đó là sự gia tăng về mật độ dân cư tại các địa bàn trọng yếu đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải sinh hoạt thu gom, xử lý chưa kịp thời.

Qua khảo sát năm 2019, xã đã xây dựng Hợp tác xã thu gom rác, tuy nhiên rác thải chỉ được thu gom và chuyển ra bãi tập kết xử lý theo hình thức chôn lấp, nên có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm do các hố chôn chưa được đầu tư để đảm bảo kỹ thuật…

Từ thực tế trên, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng “Mô hình Hội Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt trong công đồng dân cư” tại xã Hà Lĩnh, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường ngay từ hộ gia đình.

Huy động nguồn lực tại địa phương và nguồn kinh phí được hỗ trợ xây dựng 600 m cống rãnh thoát nước thải tại thôn Bái Ân, xã Hà Lĩnh. Cống rãnh được xây dựng bằng đá tự nhiên, hồ xi măng, lát mặt, thuận tiện cho việc gom nước thải và giao thông đi lại của người dân. Quản lý nguồn nước thải không để chảy tràn lan ra môi trường.

Các mô hình điểm nói trên không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp mà còn là chỗ dựa của hội viên nông dân, đặt lòng tin vào tổ chức Hội, gắn bó, xây dựng tổ chức Hội, xây dựng quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Hóa: Hiệu quả từ những dự án bảo vệ môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO