Thanh Liêm (Hà Nam): Đường nông thôn mới ‘bế tắc’ vì một hộ dân

Kim Chiến 17/10/2020 10:00

Giao thông là một trong các tiêu chí quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, tuyến đường liên thôn chạy qua địa phận thôn Hạ Trung Ninh, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) đang thi công thì bị “bế tắc”- chỉ vì một hộ dân…

Ông Bùi Văn Cận, ở thôn Hạ Trung Ninh, xã Liêm Sơn phải đẩy thóc ra đường lớn để sát gạo.

37 hộ dân khổ vì 1 nhà

Đang dùng xe rùa đẩy mấy bao thóc ra đường lớn để xát gạo do máy xát không thể vào nhà, ông Bùi Văn Cận người dân thôn Hạ Trung Ninh than thở: Đường thi công chậm, đất đá ngổn ngan, cuộc sống của người dân đảo lộn nhiều tháng nay. Hàng ngày việc đi lại của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là nhà nào mà có đình đám, công việc lại càng nan giải.

Bà Lê Thị Vân một người dân khác ở Hạ Trung Ninh kể: “Cả thôn chúng tôi có 38 hộ dân, thì 37 hộ đã đồng thuận hiến đất cả, hiện chỉ có gia đình bà Nhài ở đầu đường không ủng hộ chủ trương nhà nước, khiến cho mấy chục hộ chúng tôi phải khổ theo. Mong cấp trên sớm có giải pháp tháo gỡ, để đường được thi công nhanh, giúp cho việc giao thông đi lại của người dân chúng tôi được thuận lợi”.

Tìm hiểu được biết, đầu năm 2020, Dự án cải tạo, nâng cấp đường liên thôn đoạn qua thôn Hạ Trung Ninh, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm được triển khai thi công, với chiều dài gần 2 km theo diện đường nông thôn mới, nhà nước và nhân dân cùng làm, chủ đầu tư là UBND xã Liêm Sơn.

Tuyến đường này khi hoàn thành sẽ có vai trò kết nối các đường nhánh xương cá của thôn Hạ Trung Ninh và ảnh hưởng đến 38 hộ dân. Trong quá trình thực hiện, qua nhiều lần họp dân để lấy biểu quyết, 100% các hộ dân đã đồng thuận và ủng hộ chủ trương làm đường nông thôn mới của Nhà nước bằng việc hiến đất.

Mọi việc tưởng hanh thông thì bất ngờ, hộ bà Hoàng Thị Nhài, thôn Hạ Trung Ninh đổi ý. Vị trí đường chạy qua nhà bà Nhài dài khoảng 15m, theo dự kiến mặt đường cần lấy vào sâu khoảng 30 cm để đủ kích thước rộng tiêu chuẩn của mặt đường.

Hiện nay toàn bộ tuyến đường đã được thi công múc bỏ mặt bằng cũ, và rải đá và mạt lấy cốt nền để làm đường bê tông. Do phát sinh việc hộ bà Hoàng Thị Nhài không đồng thuận hiến đất do vậy về cơ bản việc thi công bị bế tắc.

Giải pháp nào?

Ông Trương Văn Hà - Phó chủ tịch UBND xã Liêm Sơn cho biết: Trong cuộc họp thôn để thống nhất hiến đất làm đường ngày 27/2/2020, trước hội nghị, bà Hoàng Thị Nhài có hứa trước nhân dân nếu làm đường gia đình nhất trí hiến đất và có ý kiến cứ lấy tim đường mở sang 2 bên, nếu phía Bắc hiến bao nhiều thì gia đình tôi phía Nam hiến bấy nhiêu”.

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, bà Hoàng Thị Nhài cho biết, bản thân luôn hưởng ứng các chủ trương lớn của chính quyền địa phương phát động, tuy nhiên do chủ đứng tên đất là chồng bà, và ông không đồng ý việc hiến đất.

Gặp gỡ ông Bùi Văn Đỉnh, chồng bà Hoàng Thị Nhài, ông Đỉnh cho biết: Hiện nay diện tích đất của gia đình còn lại rất hẹp (dài khoảng 20 m, rộng khoảng hơn 10m – PV), nếu hiến đất sẽ khiến việc làm nhà cho con ở riêng sau này gặp nhiều khó khăn. Ông cho biết trước đây gia đình đã từng hiến đất và có quan điểm, xã muốn lấy đất thì phải đền bù cho gia đình bằng diện tích khác tương ứng, vì đất gia đình là đất thổ cư…

Theo ghi nhận, đơn vị thi công đã thi công nhưng đến đúng đoạn gia đình bà Nhài thì bị dở dang. Hiện nước thải, nước mưa do không có hệ thống tiêu thoát nên ứ đọng lại trên mặt đường gây ra tình trạng lầy lội, ngày nắng thì bụi đường mù mịt rất ô nhiễm môi trường và mất mĩ quan.

Nhiều người dân địa phương rất bất bình, trước việc thiếu thiện chí hợp tác và ủng hộ chủ trương của gia đình bà Hoàng Thị Nhài.

Thiết nghĩ, việc làm đường nông thôn để xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, mọi công dân đều phải chấp hành. Đi đôi với việc tuyên truyền, vận động, các cấp chính quyền địa phương cần sớm tìm giải pháp để tháo gỡ dứt điểm vướng mắc trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Liêm (Hà Nam): Đường nông thôn mới ‘bế tắc’ vì một hộ dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO