Thành Nam- Dấu ấn 100 năm

Trần Duy Hưng 09/11/2021 09:00

Thành Nam, thành phố Dệt là những tên gọi thân mật khác của TP Nam Định. Tính đến tháng 10 này, Thành Nam tròn 100 năm trở thành thành phố theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, là một trong những thành phố đầu tiên được người Pháp thành lập trên toàn cõi và là một trong ba thành phố đầu tiên được lập ở Bắc Bộ…

Cột cờ Nam Định xưa.

Sinh ra ở ngôi làng cách TP Nam Định chỉ hơn 10 km nhưng phải quãng lên 10 tôi mới lần đầu được “lên tỉnh”. Khi ấy một người cô họ lấy chồng trên thành phố, ngày cưới cô, lũ cháu chúng tôi được đi “đưa dâu”. Khi chiếc xe ô tô cũ từ đường 55 (nối TP Nam Định với các huyện phía Nam) rẽ vào thành phố, đám trẻ chúng tôi choáng ngợp khi lần đầu nhìn thấy cây Cầu Treo bắc qua sông Đào. Nói choáng ngợp là vì cho đến khi ấy chúng tôi chưa được nhìn thấy công trình nào lạ như vậy. Toàn bộ trọng lượng của cây cầu được treo trên 4 cây cột khổng lồ ở hai đầu cầu, bằng những chiếc dây văng to hơn nhiều lần những chiếc dây thừng trâu, bò chúng tôi vẫn thường cầm. Trên ấy, ô tô, xe đạp, xe máy, xích-lô, xe ba gác…hối hả qua lại. Vì là cầu treo nên khi xe qua cầu cứ bập bềnh làm chúng tôi vừa sợ vừa thích thú. Lên lớp 12, học thêm ở TP Nam Định, lời giảng lôi cuốn, hấp dẫn của thầy giáo Bằng-thầy giáo dạy lịch sử nổi tiếng ở thành phố-về các cuộc bãi công, biểu tình của công nhân nhà máy Dệt Nam Định, đấu tranh với giới chủ Pháp đòi các quyền cơ bản của người lao động, chống đánh đập, chống cúp lương…khiến tôi nhớ, ấn tượng đến bây giờ, giúp tôi hiểu Nam Định không chỉ là cái nôi hình thành giai cấp công nhân Việt Nam mà còn là nơi phong trào cách mạng trong công nhân diễn ra rất mạnh, ngay từ đầu thế kỷ 20…

Sau này, khi trở về sống, làm việc ở TP Nam Định, đọc, nghe, xem nhiều hơn về nơi đây tôi nhận ra trong lòng đô thị không quá rộng lớn này còn có rất nhiều điều chưa biết. Hóa ra, không phải chỉ khi người Pháp đặt chân đến đây, ráo riết thực hiện mục tiêu khai thác thuộc địa Thành Nam mới có vị trí thủ phủ. Hơn 750 năm trước, sau khi đại thắng quân Nguyên Mông, vào năm 1262, vua Trần đã về cố hương, thăng hương Tức Mạc thành phủ Thiên Trường, xây dựng các cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa, tu sửa chùa Phổ Minh, dựng Tháp Phổ Minh, cấp điền trang, thái ấp cho các quân vương… để rồi ngày nay trong lòng Nam Định vẫn đang hiện hữu một không gian văn hóa thời Trần rộng lớn, với dày đặc những di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng cùng sự đậm đặc trong tâm thức dân gian.

Đến thời Nguyễn, hẳn phải nhìn nhận Nam Định có vị trí quan trọng trên các mặt triều đình mới cho xây dựng tại đây nhiều công trình, thiết chế quan trọng, không kém ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và Huế như vậy. Trong đó, từ năm 1812, vua đầu triều Gia Long đã cho xây dựng Thành Nam Định, Cột cờ (dưới triều Nguyễn cả nước chỉ có 4 cột cờ được xây dựng), Điện Kính Thiên (nơi đón vua, quan khi đi kinh lý, nay là chùa Vọng Cung); lập trường thi Hương, thi Hội-những trường thi tuyển người tài ở bậc cao của nền khoa cửa phong kiến; trước đó triều đình nhà Lê còn xây dựng cả Văn Miếu ở đây. Ngày nay, ở thành phố có hai phường mang tên Trường Thi, Văn Miếu là vì vậy.

Nói đến chuyện thi cử ở Nam Định dưới triều Nguyễn, hẳn nhiều người nhớ đến một thí sinh đặc biệt là Trần Tế Xương, “văn hay, chữ tốt”, có khát vọng, kiên trì theo đuổi việc học hành nhưng toàn phạm trường quy nên 8 lần đi thi (vào các năm 1886, 1888, 1891, 1894, 1897, 1900, 1903, 1906) cũng chỉ đỗ được đến Tú tài. Lận đận đường học vấn, ông chọn cho mình cách nhập thế của một nhà nho-quân tử, của kẻ sĩ Bắc Hà, trở thành nhà thơ Tú Xương nổi danh với giọng điệu trào phúng sắc sảo, sâu cay, quyết liệt.

Thành Nam ngày nay.

Rồi nữa, không phải ai ở Thành Nam cũng hiểu tại sao đoạn ngõ nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, gần chân cầu Đò Quan ngày nay lại được gắn biển “Ngõ Văn Nhân”? Việc này, được nhà văn Lê Hoài Nam giải thích nguồn gốc rằng, xa xưa, khi triều đình mở các khoa thi, trên đường về Thành Nam “lều chõng”, sỹ tử mọi miền thường tụ tập về đây ở trọ, ôn luyện chờ ngày ứng thí, từ đó mà hình thành một khu, nói như bây giờ là chuyên kinh doanh dịch vụ ở trọ, ăn uống mà “thượng đế” toàn là những sỹ tử của nền khoa bảng lấy luận văn chương, chữ nghĩa làm trọng.

Đến thời Pháp, bằng “mắt xanh” của những kẻ đi xâm lược, khai thác thuộc địa họ cũng nhanh chóng đổ tâm trí, tiền của vào Nam Định, xây dựng, thiết lập tại đây nhiều định chế, tổ chức kinh tế phục vụ cho chính quyền, chính sách cai trị và mục tiêu khai thác thuộc địa. Về chính quyền, sau khi ra Nghị định thành lập TP Nam Định (ngày 17/10/1921), người Pháp lần lượt cho xây dựng ở đây Tòa Công sứ, Tòa Án tây, Sở Kho bạc, Sở Thương chính, Nhà dây thép, Sở Y tế, Sở Công chính, trường học, Sở Giám binh, Đề lao, Sở Mật thám… Về kinh tế, trước khi cho thành lập TP Nam Định, từ 1889 người Pháp xây dựng Nhà máy Dệt, Nhà máy Sợi được cho là lớn nhất Đông Dương khi đó. Sau này họ xây dựng thêm nhiều nhà máy như Nhà máy chai, Nhà máy rượu, Nhà máy tơ, Nhà máy nước, Nhà máy điện…, biến thành phố nằm ven sông Đào, gần sông Hồng khi đó thành một trung tâm công nghiệp lớn ở Bắc Kỳ và xứ Đông Dương.

Được đầu tư ồ ạt như vậy, diện mạo Thành Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 thay đổi rất nhanh chóng. Rõ nhất là con sông Vị Hoàng, đoạn chảy qua thành phố bị lấp, lấy đất xây dựng phố phường, công sở, khiến Tú Xương có lúc “Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” (Sông lấp). Trong khi thi sỹ Tú Xương ngơ ngẩn, hoài niệm thì người Pháp tiếp tục quy hoạch, xây dựng Thành Nam thành 9 khu phố và 40 con phố. Ở đó, người Pháp, người Việt và Hoa kiều thi nhau trổ tài kinh doanh dịch vụ, sản xuất, buôn bán các mặt hàng thủ công, hình thành nên các phố hàng, phố bến, phố cửa nổi tiếng như Hàng Đồng, Hàng Nâu, Hàng Tiện, Hàng Giấy, Hàng Sắt, Hàng Rượu, Hàng Thao, Bến Ngự, Bến Thóc, Bến Củi, Cửa Trường, Cửa Nam, Cửa Bắc, Cửa Đông, rồi cả phố Khách (của người Hoa), cảng trên sông Đào. Tiếp đến là các chợ lớn như chợ Rồng, chợ Phượng, chợ Vị Hoàng, chợ Cửa Trường. Ngày nay, người Nam Định vẫn tự hào Hà Hội có 36 phố cổ thì Nam Định còn có nhiều hơn thế. Không chỉ có vậy, người Pháp và các tổ chức tôn giáo sau đó còn xây dựng ở đây thêm nhiều công trình quan trọng như Trường Thành Chung (xây năm 1920, nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nổi tiếng); Trường Xanh Tô-ma (xây năm 1924, theo kiến trúc Gothic Pháp, đào tạo giáo viên Công giáo cho các trường đạo, nay là Trường THPT Nguyễn Khuyến); Nhà thờ Khoái Đồng (xây năm 1941, với mái vòm đặc trưng của kiến trúc Tây Ban Nha)…

Sau Cách mạng Tháng Tám, cả nước chỉ có 8 thành phố được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập, trong đó có TP Nam Định (cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Vinh - Bến Thủy, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn - Chợ Lớn). Dưới chính thể mới, Thành Nam tiếp tục được xây dựng, nâng cấp, mở rộng theo các tiêu chí của đô thị loại 1, hiện đại nằm ở trung tâm vùng Nam sông Hồng. Ngày nay, ngoài quần thể các di tích, công trình văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng nổi tiếng như Đền Trần-Chùa Tháp, chùa Vọng Cung, Nhà thờ lớn, nhà thờ mái vòm Khoái Đồng, tượng đài Trần Hưng Đạo, các công trình kiến trúc còn lại từ thời Pháp, khu phố cổ, Bảo tàng, Thư viện tỉnh, rạp chiếu phim, Nhà văn hóa trung tâm, Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Thiên Trường, Thành Nam có thêm nhiều khu công nghiệp, khu đô thị, công viên, trường đại học; sở hữu sân vận động Thiên Trường nổi tiếng, Cung thể thao đồ sộ, hiện đại. Thành phố cũng sở hữu nhiều hồ nước rộng, rợp bóng cây xanh cùng đoạn sông Đào chạy qua tấp nập tàu thuyền. Cây cầu thứ 4 bắc qua sông đang được triển khai xây dựng. Nhà máy dệt Nam Định-biểu tượng của thành phố-sau thời hoàng kim đã được di dời nhường chỗ cho khu đô thị hiện đại. Đại lộ Thiên Trường (nối Nam Định với Hà Nam) cũng đã thay thế con đường nhỏ hẹp có cái tên Cổng Hậu dẫn về thành phố…

Dù có nhiều đổi thay nhưng người Thành Nam số đông vẫn giữ nếp sống, cốt cách của những thị dân lâu đời, coi trọng việc học hành, trân trọng những giá trị lịch sử, văn hóa của thành phố quê hương, thích những thú vui tao nhã như chơi cây, chơi hoa, chơi đồ cổ, mặc đồ may đo, uống cafe và... mê xem bóng đá; mỗi khi hội họp lại ngân nga hát “Mùa Xuân trên thành phố Dệt”, “Qua bến Đò Quan”… Tất nhiên, họ cũng “chạnh lòng” khi chỉ số phát triển kinh tế của Thành Nam lâu nay chưa được “bằng chị, bằng em” khiến vị thế thành phố từng lớn thứ 3 ở miền Bắc chỉ còn là vang bóng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành Nam- Dấu ấn 100 năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO