Ngày 9/7, ngày đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Người dân chấp hành nghiêm túc các quy định, các hàng quán bán đồ ăn, thức uống mang về đều đóng cửa. Tuy nhiên, tại một số khu vực cửa ngõ thành phố và các tuyến đường chính vẫn có khá nhiều ô tô, xe gắn máy lưu thông.
Nghỉ để chống dịch rồi... tính tiếp
Là chủ quán cơm tấm nằm trên mặt tiền đường Phan Văn Hớn (Quận 12, TP HCM), ngày thường ông Nguyễn Văn Hữu phải thuê thêm 2 người phụ quán, một nướng thịt và một chạy bàn, rửa chén đĩa. Nhưng từ khi thành phố bùng phát dịch bệnh, quán của ông chỉ bán mang đi. Công việc ít hơn nên ông cũng không thuê người làm.
“Chỗ này ngày thường lúc nào cũng kẹt xe. Từ sáng sớm công nhân, học sinh, người dân ở chung cư bên kia đường qua ghé mua hộp cơm, ngồi lại ăn cũng nhiều. Có ngày tôi bán 35 ký sườn, 250 trái trứng. Đợt giãn cách vừa rồi, thành phố cho bán mang đi thì mỗi ngày cũng lai rai được năm chục hộp. Nhưng hiện nay bán mang đi cũng khó khăn nên thôi mình đóng cửa nghỉ, để chống dịch”, ông Hữu chia sẻ.
Sáng 9/7, chúng tôi có mặt tại đường Trần Hưng Đạo (Quận 5), hàng chục người dân đã tự ý xếp hàng, đứng cách xa nhau vài mét để chờ lượt nhận các suất cơm từ thiện. Đây là địa điểm từ thiện từ khá lâu ở thành phố với cung cấp cơm cho người dân nghèo với giá tượng trưng chỉ 2.000 đồng/suất ăn nhưng cũng có thể nói là khá tươm tất.
Bà Nguyễn Thị Lành, 67 tuổi, cho biết bà quê ngoài Bình Định nhưng bà đã vào TP HCM bán vé số nhiều năm nay. “Chiều qua về nghe đại lý họ nói không cho bán vé số nữa, tôi cứ bần thần mãi nhưng cũng không sao, vì năm ngoái người ta cũng cấm rồi. Rồi mấy đứa nhỏ trong xóm trọ bảo giờ cũng không bán đồ ăn nữa, chỉ có quán này là được bán mà thôi. Tôi cùng mấy người bán vé khác cũng tới để mua vì giá có hai ngàn đồng. Chút nữa tới lượt, tôi mua hai hộp để dành tối ăn luôn. Mình tiết kiệm đồng nào hay đồng đó vì còn phải trả tiền nhà trọ, tiền điện nước, tiền mua thuốc xoa chân. Giờ không bán vé được mà mua cái gì giá cũng mắc, may có quán cơm này người ta thương”, bà Lành chậm rãi nói.
Biết là thế nhưng vẫn “trở tay không kịp”
Mặc dù đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc thực hiện Chỉ thị 16 nhưng một số người dân TP HCM vẫn không kịp nắm bắt thông tin chuẩn xác, thay đổi trong thời gian ngắn nên gặp khó khăn.
Là chủ một cơ sở sản xuất cá khô, cá sơ chế hút chân không cung cấp cho các siêu thị, anh Nguyễn Văn, ngụ tại phường Đông Hưng Thuận (Quận 12) cho biết xưởng sản xuất của anh đặt tại huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre). “Gia đình mình sống trên thành phố đã lâu nhưng xưởng thì ở dưới quê.
Dưới đó đất rộng, có không gian để sản xuất, phơi cá. Hơn nữa nguồn nguyên liệu đầu vào cá, mực... cũng rẻ và phong phú vì ngư dân đi biển đánh bắt được mang tới. Cả tuần qua, mình theo dõi tình hình dịch bệnh và đối chiếu nguồn cung cấp cho khách.
Mấy ngày trước nghe nói thành phố không phong tỏa nên cũng an tâm một phần, nhận đặt hàng của nhiều đại lý, siêu thị mini trên Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 12... Cộng thêm việc thấy bọn nhỏ đi thi tốt nghiệp nên nghĩ tình hình dịch chắc cũng kiểm soát được. Thế rồi chỉ khoảng 30 giờ đồng hồ sau, thành phố tăng cường biện pháp phòng dịch khiến nhu cầu mua hàng của người dân tăng vọt. Bạn hàng họ giục quá trời nhưng mình không đủ hàng cung cấp dù đã nhận tiền cọc rồi” - anh Văn nói.
Cũng theo anh Văn, khó khăn mấy ngày qua là việc vận chuyển hàng. “Từ Bến Tre lên TP HCM giờ xe tải phải đi qua 3-5 trạm kiểm soát Covid-19, nhưng chỗ nào cũng cần giấy xét nghiệm kết quả âm tính. Cá biệt như tỉnh Tiền Giang còn bắt kết quả phải xét nghiệm bằng phương pháp PRC. Mà phương pháp này phải sau 1 ngày mới có kết quả. Có 2 chuyến hàng mình vận chuyển từ hôm ngày 8/7 mà giờ hơn 1 ngày chưa tới nơi. Bình thường chỉ đi gần 3 giờ đồng hồ” - anh Văn cho biết
Được biết, liên quan đến quy định cần có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 khi di chuyển, nhiều tỉnh thành ở khu vực phía Nam đặt ra mốc thời gian, loại xét nghiệm khác nhau. Thế nên, giấy xét nghiệm âm tính của một số tài xế chỉ có thể vào tỉnh này nhưng lại không đi qua tỉnh khác được.
Cụ thể, như tỉnh Bình Dương quy định giấy xét nghiệm thời hạn 3 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì 5 ngày, tỉnh Long An quy định 5 ngày, tỉnh Tiền Giang 3 ngày, tỉnh Bến Tre 7 ngày, tỉnh Đồng Nai là 7 ngày...
Cá biệt một số tỉnh chỉ cho phép thời hạn của giấy xét nghiệm vỏn vẹn có 1 ngày (24 giờ đồng hồ) như Bạc Liêu, An Giang trong khi thời gian để làm được 1 lần xét nghiệm cũng mất khoảng 3 đến 10 giờ đồng hồ.
Nâng đỡ nhau vượt qua dịch bệnh
Cũng trong ngày đầu tiên TP HCM giãn cách theo Chỉ thị 16, chúng tôi đã qua những con đường chính như đại lộ Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn (Quận 1); Hùng Vương, Hồng Bàng, Lý Thường Kiệt (quận 5, quận 10) Nguyễn Thị Minh Khai, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), thấy số lượng người đi lại giảm hẳn.
Chúng tôi gặp chị Ngô Thị Mén (37 tuổi, quê huyện Chợ Mới, An Giang) cùng một nhóm chị em cùng quê mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo. Chị Mén cho biết, đã rời quê vào Bình Dương từ năm 2012, sau đó được tuyển dụng làm công nhân ở một doanh nghiệp dệt may tại Khu công nghiệp Dệt may Bình An.
Do chưa qua đào tạo về nghề may nên chị chỉ được sắp xếp và nhóm ủi sản phẩm, với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Dù vậy, cuối năm 2020 do ảnh hưởng dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều đơn hàng bị hủy buộc phải thu hẹp sản xuất và chỉ tuyển lựa những công nhân có tay nghề chuyên môn. Mất việc làm, chị Mén mất hơn một tháng đến gõ cửa các doanh nghiệp xin việc đều bị từ chối vì chị chưa hề qua đào tạo.
“Cuối cùng, mấy chị em gọi về TP HCM bán vé số dạo, hỗ trợ lẫn nhau. Hôm nay (9/7), một lần nữa Công ty Xổ số kiến thiết ngưng hoạt động, chúng tôi lại vào cảnh thất nghiệp”, chị Mén nói và cho biết đành chờ đợi thời gian giãn cách xã hội qua đi để tiếp tục bán vé số dạo mưu sinh.
Sáng 9/7, ngày đầu tiên TP HCM thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tuy nhiên ghi nhận tại Bệnh viện Xuyên Á (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) có tới gần 1.000 người dân, chủ yếu là công nhân, tài xế, người lao động... xếp hàng để chờ test nhanh để có “giấy thông hành”. Dòng người xếp hàng xét nghiệm còn đứng tràn cả tuyến Quốc lộ 22 trước cửa bệnh viện. Chị Nhâm, một người dân ngụ tại xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi) cho biết, chị có nhu cầu về quê ở dưới Bến Tre để giải quyết một số công việc gia đình nên cần có giấy test nhanh để đi qua chốt kiểm soát Covid-19 cũng như về địa phương. Ngày hôm qua chị Nhâm đã tới bệnh viện lúc trưa nhưng bảo vệ nói không nhận người nữa vì quá đông. Rút kinh nghiệm sáng 9/7 chị dậy để đến sớm, tuy nhiên đợi được hơn 2 giờ đồng hồ vẫn chưa tới lượt. Xung quanh, đông đảo người dân chờ đợi nhân viên y tế đọc tên.
Ở xóm trọ nằm trong con hẻm nhỏ đường An Dương Vương (quận 6), nơi chị Phạm Thị Thu Hường (41 tuổi, quê huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) dọn về trọ nhờ nhà người quen được hơn một tháng nay. Trước đó, chị là công nhân của một công ty thương mại và chế biến thực phẩm ở Khu công nghiệp Bình Dương.
Nhưng do giảm quy mô sản xuất, chị Hường là 1 trong số hơn 20 chị em bị mất việc làm từ tháng 4/2020 đến nay, trong đó có 15 người đã gia nhập vào lực lượng bán vé số dạo. Theo chị Hường, lúc chưa giãn cách, nếu chịu khó mỗi ngày đạp xe lòng vòng từ quận 8 qua quận 5, quận 10 cũng bán được khoảng 150 - 200 tờ vé số mỗi ngày.
Thu nhập tuy thấp nhưng cũng còn có đồng ra đồng vào để trang trải cuộc sống trong những ngày dịch giã. Hiện nay, chị Hường cùng các chị em trong xóm trọ vẫn nán lại thành phố để chờ đợi thời điểm cuối tháng 7 có thể đi làm trở lại.
Được biết, ngành Lao động - Thương binh, Xã hội TP HCM đang lên danh sách hơn 70.000 người bán hàng rong, bốc vác, bán vé số đưa vào danh sách được hưởng chế độ, chính sách đặc thù. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, từ cuối tháng 6/2021 toàn ngành đã triển khai hướng dẫn, yêu cầu các quận, huyện thống kê, chuẩn bị sẵn danh sách người lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở từng phường, xã, thị trấn.
Đối tượng được hỗ trợ là những người lao động tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu. Người lao động tự do làm 1 trong 6 công việc được hỗ trợ, gồm người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định (buôn gánh bán bưng); thu gom rác, phế liệu; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh ực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc các ngành nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động do chủ trương của thành phố.
Đến nay, qua khảo sát trên toàn TP HCM có khoảng 230.000 người thuộc các diện nêu trên. Trong đó, riêng người bán hàng rong, bốc vác, bán vé số là hơn 70.000 người. Thành phố cũng đã duyệt mức dự kiến hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày, với tổng số tiền hỗ trợ một lần khoảng 1,5 triệu đồng/người. Như vậy, tổng số tiền hỗ trợ người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là vào khoảng 345 tỷ đồng.
Ông Tấn cho biết, TP HCM chia sẻ với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, mọi người đùm bọc, chia sẻ, nâng đỡ cùng nhau sớm vượt qua dịch bệnh.
Ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, một số ít người đến công viên Gia Định (nằm giữa quận Gò Vấp - Phú Nhuận) tập thể dục đã bị lực lượng chức năng xử phạt hành chính. Dù lực lượng chức năng đã căng dây phong tỏa nhưng vẫn có một số người vào bên trong Công viên chạy bộ. Những người này bị tổ công tác kiểm tra, xử phạt mỗi trường hợp 2 triệu đồng. Theo đại diện UBND phường 9, thời gian tới sẽ kiên quyết xử lý và không nhắc nhở đối với các trường hợp vi phạm quy định giãn cách xã hội như trước nữa. Ngoài khu vực công viên này, một số địa điểm công cộng khác cũng được triển khai lực lượng để kiểm soát, xử lý người vi phạm nếu có.