Tháo gỡ vướng mắc tại di sản Hoàng thành Thăng Long

Minh Quân 05/03/2021 06:56

Mặc dù được công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào tháng 8/2010, thế nhưng đến nay nhiều hạng mục, dự án của Hoàng thành Thăng Long vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Nhiều hạng mục, dự án tại di sản Hoàng thành Thăng Long vẫn chưa thể triển khai như tiến độ. Ảnh: Quang Vinh.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội vừa có báo cáo gửi Thường trực Thành uỷ Hà Nội về việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Theo báo cáo, sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2010, TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị. Cụ thể, tổ chức khai quật khảo cổ; hợp tác quốc tế thúc đẩy nghiên cứu, bảo tồn; khai thác du lịch; giáo dục di sản...

Tuy nhiên, bên cạnh thành tích đã đạt được thì công tác bảo tồn và phát huy di sản Hoàng thành Thăng Long sau nhiều năm vẫn còn nhiều vướng mắc cần được khẩn trương tháo gỡ.

Đơn cử như việc thực hiện cam kết của Chính phủ với Uỷ ban Di sản Thế giới về nhất thể hoá quản lý khu di sản (quản lý di tích và di vật) vẫn chưa được đầy đủ dẫn đến việc nghiên cứu, thực hiện dự án bảo tồn và công tác phát huy di sản gặp nhiều khó khăn.

Trong đó, đối với dự án tổng thể tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long thì do dự án Tổng thể (thuộc Dự án nhóm A), theo Luật Đầu tư công (Điều 24), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội quản lý nhưng không phải là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hà Nội được tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Trong khi đó Dự án phải thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi một số dự án thuộc thành phần nhóm B,C có thể triển khai lập dự án ngay vì đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được phê duyệt) và việc phân kỳ đầu tư sẽ phù hợp với điều kiện vừa phục vụ khách tham quan vừa triển khai thực hiện các dự án.

Bên cạnh đó, theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh, sau hơn 10 năm ghi danh di sản, Trung tâm thực hiện được 7/8 cam kết với UNESCO, duy nhất nội dung nhất thể hóa quản lý chưa thể thực hiện. Trung tâm mới nhận được bàn giao 91% khu di sản, di vật phải chờ tới tận 2025 mới hoàn thành lộ trình bàn giao.

Cụ thể, hiện Hà Nội đã tiếp nhận gần 16,7 ha trong tổng diện tích 18,353 ha theo hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Hiện còn hai khu vực là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (nơi có Kỳ Ðài) và một cây xăng trên đường Nguyễn Tri Phương do Bộ Quốc phòng quản lý…

Ông Trần Việt Anh cho biết thêm, việc quản lý di vật, hiện vật khảo cổ hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn. Khu 18 phố Hoàng Diệu được bắt đầu khai quật từ năm 2002. Sau đó, còn nhiều đợt khai quật khác tại Nhà Quốc hội, Vườn hồng, khu vực số 62-64 phố Trần Phú, khu Thành cổ. Số lượng di vật, hiện vật khảo cổ vô cùng lớn, với hơn 72 nghìn két, ước chừng vài triệu di vật, gồm nhiều loại hình trang trí kiến trúc, vật liệu xây dựng, đồ dùng cung đình, vũ khí…

Nhưng đến nay Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội mới được bàn giao số lượng hiện vật rất nhỏ, gồm gần 13 nghìn di vật và 2.886 két. Theo lộ trình, hàng triệu di vật còn lại phải đến năm 2025 mới được bàn giao hết… “Năm năm qua, Trung tâm chủ yếu tập trung cải tạo các công trình xuống cấp, khởi động đề án nghiên cứu và phục dựng không gian Điện Kính Thiên”- ông Trần Việt Anh nói.

Có thể nói, đề án phục dựng không gian Điện Kính Thiên nói riêng và di sản Hoàng thành Thăng Long đang là những trăn trở không chỉ của các nhà khoa học mà là đông đảo quần chúng nhân dân. Theo nhà sử học Lê Văn Lan, tiến độ nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên đang quá chậm.

Tất cả những kết quả nghiên cứu trong 10 năm qua vẫn chưa biết được quy mô của Điện Kính Thiên, chưa biết được kích thước của từng gian và số gian trong Điện. Năm 2016, UBND TP Hà Nội đã ký phê duyệt Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian Điện Kính Thiên thuộc Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Trong Đề án, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị đẩy nhanh công tác nghiên cứu, sưu tầm, khảo cứu tư liệu tạo cơ sở khoa học để báo cáo, đề xuất UBND TP về phục dựng Điện Kính Thiên trong năm 2016. Nhưng rồi từ năm 2016 đến nay Đề án vẫn nằm ở bước nghiên cứu, chưa sang giai đoạn báo cáo phục dựng. Chính vì vậy, diện mạo, kiến trúc Điện Kính Thiên còn rất mơ hồ, chưa có gì cụ thể.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bày tỏ, Điện Kính Thiên là hồn cốt của Hoàng thành Thăng Long. Đến Hoàng thành mà không có hình dung cụ thể của không gian Điện, chỉ có nhà kiến trúc Pháp, thì cứ như chúng ta đang đánh lừa mọi người. Bằng mọi giá ta phải đẩy nhanh trả lại không gian Điện Kính Thiên.

Trước những vướng mắc trên, mới đây trong buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng đề nghị phân kỳ đầu tư để tu bổ, tôn tạo Hoàng thành Thăng Long.

Riêng với khu khảo cổ số 18 phố Hoàng Diệu và dự án phục hồi Điện Kính Thiên, các cơ quan chức năng cần bổ sung vào danh mục dự án ưu tiên đầu tư của thành phố. Trong thời gian tới đề án phục dựng Điện Kính Thiên là một trong những dự án quan trọng được triển khai.

Theo đó, giai đoạn 1 (2020-2025) hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở; giai đoạn 2 (2025 -2030) triển khai thực hiện dự án. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến đề xuất khoảng 2 nghìn tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháo gỡ vướng mắc tại di sản Hoàng thành Thăng Long

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO