Tháo gỡ vướng mắc trong Luật Xuất bản

Minh Quân 30/05/2020 07:59

Ngày 29/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình 7 năm thực hiện Luật Xuất bản khu vực phía Bắc.

Tháo gỡ vướng mắc trong Luật Xuất bản

Quang cảnh hội nghị.

Luật Xuất bản năm 2012, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 đến nay đã được sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản. Có thể thấy hệ thống pháp luật về xuất bản (bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm) đã cơ bản đồng bộ, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động xuất bản thời gian qua. Vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực tư tưởng, văn hóa ngày một được khẳng định trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, qua 7 năm thực hiện Luật, với sự phát triển về kinh tế, xã hội và cuộc cách mạng 4.0, quá trình thực thi hệ thống pháp luật về xuất bản không khỏi bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, bất cập.

Tại Hội nghị, nhiều đại diện các NXB cho rằng, trong quá trình thực thi bên cạnh những mặt ưu điểm tích cực đơn vị xuất bản vẫn gặp một số khó khăn do luật đặt ra những điều khoản quá cụ thể, có nhiều chi tiết gò bó… khiến cho các đơn vị xuất bản gặp nhiều lúng túng trong việc thực hiện. Đơn cử như, việc đăng ký lại và chờ cấp số giấy phép mới đối với một cuốn sách được tái bản trong cùng một năm là một quy định chặt chẽ hơn mức cần thiết. Quy định này đã làm các đơn vị xuất bản phải chờ đợi thêm thời gian nhất định, làm chậm thời gian phát hành “vàng” cuốn sách ra thị trường. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các bản thảo đặt hàng, NXB gặp không ít khó khăn do phải phụ thuộc rất lớn vào tác giả. Nhiều trường hợp NXB ký hợp đồng với tác giả thỏa thuận viết 250 trang, nhưng khi hoàn tất bản thảo lại lên tới 500 trang khiến NXB rơi vào tình cảnh “bị động” khi in ấn, ra mắt sách kịp tiến độ…

Trường hợp cụ thể, ông Vũ Văn Vở - Phó Giám đốc Sở TTTT tỉnh Hải Dương chia sẻ: Hiện nay đơn vị đang gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý. Ví dụ, tình hình in hiện nay đang diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; còn xuất hiện một số xuất bản phẩm có nội dung xấu, vi phạm bản quyền tác giả; các tác giả địa phương gặp khó khăn về vấn đề xuất bản, in ấn đối với các tác phẩm, thơ, ca (phải đăng ký xuất bản các địa phương khác); nhiều cơ sở in chưa chấp hành xin cấp phép hoạt động in hoặc đăng ký hoạt động cơ sở in theo quy định; kinh phí cho công tác quản lý trong lĩnh vực này còn hạn chế...

Đại diện Alpha Book thì cho rằng, trong thời đại 4.0 một vướng mắc của Luật Xuất bản là việc liên kết phát hành xuất bản phẩm điện tử. Ở đó, do sản phẩm đa dạng cho các đối tượng độc giả như sách kinh tế - quản trị kinh doanh, sách chính trị xã hội, lịch sử, khoa học, kỹ năng phát triển bản thân và kỹ năng mềm… nên đối tác liên kết cũng rất đa dạng để phù hợp với chủ đề sách (đối tác thường xuyên là khoảng 10 nhà xuất bản). Alpha có nhu cầu đa dạng hóa format sản phẩm, không chỉ sách in, mà còn có audio books, ebooks… tuy nhiên, do nhiều lý do không đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật, nhân sự… mà chỉ có 5 NXB có chức năng cấp phép xuất bản điện tử, trong khi không phải lúc nào Alpha cũng là đối tác liên kết của các đơn vị này.

Cũng theo đơn vị này, chính từ việc độc giả có nhu cầu nhưng bản thân doanh nghiệp không thể đáp ứng được, đã dẫn tới nạn vi phạm nghiêm trọng quyền tác giả trên mạng dưới nhiều hình thức trở nên phổ biến. Năm 2018, Alpha Books đã cùng với các đơn vị phát hành khác như First New, Chi Books… cùng đứng ra xử lý một loạt các trang mạng thu và kinh doanh lậu audio books từ các sách thuộc bản quyền của mình. Việc này đã và đang không chỉ gây thất thu về tài chính cho tác giả và các đơn vị xuất bản, mà còn khiến nhiều tác giả nổi tiếng từ chối tham gia cộng tác với mảng sách điện tử, các nhà xuất bản nước ngoài thì từ chối bán bản quyền ebooks và audio books cho thị trường Việt Nam… Điều đó khiến thị trường xuất bản phẩm điện tử vài năm gần đây sụt giảm tốc độ tăng trưởng. Một vấn đề nữa là xu hướng kinh doanh thương mại điện tử đang ngày càng tăng mạnh, bản thân Alpha cũng đang có lộ trình đưa sản phẩm của mình lên kinh doanh trên các trang thương mại điện tử uy tín như Amazon. Để có thể đưa sản phẩm lên đây, xuất bản phẩm (in, điện tử, audio) đều cần có ISBN phù hợp với format...

Trước những góp ý của các NXB, ông Nguyễn Nguyên- Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng: Luật Xuất bản 2012 và các văn bản pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của đất nước; góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của nhân dân.

Theo ông Nguyên, mục tiêu của đợt sơ kết này đặt ra là cần nhìn nhận, đánh giá một cách khách, quan, toàn diện về hoạt động xuất bản và các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động này, trên cơ sở bám sát thực tiễn, trao đổi thẳng thắn, có sự tham gia trực tiếp của các chủ thể điều chỉnh của luật để tổng hợp đầy đủ về cơ sở thực tiễn, lý luận khoa học phục vụ cho việc sơ kết Luật Xuất bản. Cùng với đó, trên cơ sở những đề xuất, kiến nghị và các giải pháp cụ thể, trọng tâm, hiệu quả để hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất bản, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động xuất bản phát triển và hội nhập trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháo gỡ vướng mắc trong Luật Xuất bản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO