Thấp thỏm chờ triều cường

LÊ ANH 08/02/2023 07:15

Trong tháng 2/2023, khu vực TPHCM sẽ có 2 đợt triều cường, với mực nước đỉnh triều được dự báo xấp xỉ báo động II. Ngay từ lúc này, nhiều phương án gia cố đê bao, với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” đã được thành phố chỉ đạo ứng phó.

Một đoạn đê bao bị nứt do triều cường tại Kênh Ngang số 2, quận 8, TPHCM vào cuối tháng 1/2023.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đợt triều cường sớm nhất sẽ đạt đỉnh triều cao hơn đợt Rằm tháng Giêng, xuất hiện vào thời điểm giữa tháng 2. Tuy nhiên, triều cường dâng cao ở mức báo động sẽ xuất hiện vào tuần cuối tháng 2 và đạt mức đỉnh triều xấp xỉ báo động II hoặc thấp hơn báo động II khoảng 5cm. Với diễn biến này, nhiều khu vực quận, huyện vùng trũng tại TP Thủ Đức, các quận 6, 7, 8, Bình Tân và khu vực huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn cũng sẽ ngập cục bộ bởi triều cường.

Hiện nay, các phương án phòng, chống ngập úng do triều cường đã được Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM chỉ đạo chặt chẽ đối với các khu vực vùng trũng kể trên. Trong đó, các phương án “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả) tiếp tục được duy trì nhờ hiệu quả từ các đợt ứng phó với triều cường trước đó.

Sở dĩ TPHCM thường xuyên phải thấp thỏm lo lắng trước các đợt triều cường dâng cao do hiện tại ngoài các hạ tầng chống ngập tại chỗ, hệ thống cống chống ngập nằm rải rác, thành phố vẫn phải bị động ứng phó với triều cường. Chẳng hạn đối với “rốn” ngập của quận Bình Thạnh nằm trên một đoạn dài của tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, suốt nhiều năm qua thành phố phải chi mỗi năm hàng chục tỷ đồng để thuê “siêu máy bơm” thông minh (công suất 97.000m3/giờ) do Công ty Quang Trung đảm trách cung ứng kể từ tháng 4/2018.

Theo ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM, kể từ thời điểm cuối năm 2022, TPHCM đã kết thúc hợp đồng thuê dịch vụ chống ngập này tại đường Nguyễn Hữu Cảnh. Thay vào đó, là dự án đầu tư sửa chữa toàn bộ tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Khi hoàn thành dự án, thành phố cũng đồng thời khởi động một hệ thống thoát nước mới đủ đáp ứng thực trạng ngập do triều cường tại khu vực này. Ngoài khu vực ảnh hưởng triều cường của quận Bình Thạnh, hiện trạng thoát nước tại các khu vực đường Phan Huy Ích, đường Nguyễn Văn Quá (quận Gò Vấp) và khu vực Thảo Điền (TP Thủ Đức) cũng đang được theo dõi, đánh giá và thực hiện nhiều giải pháp giảm ngập do triều cường. Các khu vực này cũng đang có các dự án đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Trước đó, Báo Đại Đoàn Kết đã có nhiều bài viết thông tin đợt triều cường vào cuối tháng 1/2023 tại TPHCM, do trùng vào thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão đã khiến việc sinh hoạt, đi lại vui chơi, giải trí của người dân ở nhiều khu vực các quận, huyện bị ảnh hưởng.

Một số tuyến đường ở các phường An Phú Đông (quận 12); phường 5 (quận Gò Vấp); các đường Quốc Hương, Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức) và khu vực Bến Bình Đông (quận 8) do tiếp giáp với các nhánh sông Sài Gòn đã bị ngập nặng. Nhiều khu vực nhà dân ghi nhận nước triều dâng cao từ các hệ thống thoát nước đường bộ tràn vào nhà dân.

Triều cường kết hợp mưa lớn vào những tháng cuối năm 2022 cũng khiến nhiều khu dân cư dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng thuộc TP Thủ Đức ngập cục bộ kéo dài. Người dân cho biết, dù phần lớn đường hẻm và nền nhà dân ở đây đã nâng cao hơn so với trước nhưng nhiều nhà vẫn bị ngập sau mỗi đợt triều cường quét qua.

TPHCM đã tổ chức một số hội thảo chuyên đề về chống ngập do triều cường với nhiều giải pháp được đặt ra bên cạnh các công trình chống ngập đang được triển khai hoặc đã đi vào vận hành. Dù vậy, ngập do triều cường vẫn là bài toán khó giải đối với TPHCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thấp thỏm chờ triều cường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO