Thay đổi ‘chất’ giáo viên dạy chương trình mới

Minh Quang 24/11/2021 07:30

Sáng 23/11 tại Hà Nội và các điểm cầu, Ban quản lý chương trình ETEP đã tổ chức tọa đàm Bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông (GDPT) để thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Tăng khả năng tự bồi dưỡng của giáo viên

Chương trình ETEP là Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT. 3 năm qua, nhằm chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình GDPT 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã thông qua Chương trình ETEP triển khai mô hình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT với nhiều điểm mới.

TS Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Chương trình ETEP cho biết, việc bồi dưỡng giáo viên bao gồm: Mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ; kết hợp trực tiếp với trực tuyến; biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng có hỗ trợ của đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán/cán bộ quản lý cơ sở GDPT cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt. Từ đó xây dựng cộng đồng học tập tại nhà trường phổ thông; nâng cao vai trò của các trường sư phạm nói chung và của giảng viên sư phạm trong bồi dưỡng thường xuyên, gắn kết các trường ĐH sư phạm với các cơ sở giáo dục phổ thông.

Trình tự bồi dưỡng của các giáo viên/cán bộ quản lý cốt cán thể hiện qua việc tự học trước bồi dưỡng từ 5-7 ngày; được học bồi dưỡng trực tiếp từ 2-3 ngày; tự học sau bồi dưỡng trực tiếp là 7 ngày. Còn đối với chương trình bồi dưỡng đại trà, giáo viên tự bồi dưỡng có tương tác và hỗ trợ trực tiếp và trực tuyến thường xuyên, liên tục, tại chỗ của đội ngũ cốt cán. Khối lượng nội dung kiến thức của mỗi mô đun là 15 ngày học. Trên thực tế, do học tập trực tuyến và giáo viên vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ ở trường nên thời gian học tập cho mỗi mô đun khoảng từ 20-40 ngày.

Về vấn để chuyển đổi số trong công tác bồi dưỡng giáo viên, TS Bùi Kiên Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, trước hết đối tượng bồi dưỡng đều là các giáo viên phổ thông, những người đã tốt nghiệp ĐH, đang trực tiếp dạy học ở cơ sở GDPT, có nhiều kinh nghiệm trong việc tự học và thích ứng với việc tự bồi dưỡng.

Trong bối cảnh nhiều giáo viên không có đủ điều kiện về thời gian, phương tiện đi lại để bồi dưỡng nâng cao trình độ ở những lĩnh vực mà họ đang cần thiết, và đặc biệt dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, khó lường như hiện nay, thì vai trò của công nghệ thông tin là vô cùng cần thiết và hiệu quả đối với công tác này.

Qua thực tế công tác bồi dưỡng giáo viên cốt cán mô đun 4 và mô đun 5 thuộc Chương trình ETEP, kết quả phỏng vấn đại diện (danh sách lấy ngẫu nhiên) người học tại Trường ĐHSP Hà Nội 2 cho thấy câu trả lời về hiệu quả của công tác chuyển đổi số trong bồi dưỡng giáo viên (mô đun 4) là họ hài lòng cao về việc thiết kế và thời lượng chương trình bồi dưỡng; hài lòng cao đối với việc giáo viên sư phạm chủ chốt luôn đề cao sự hợp tác, lấy người học làm trung tâm, đa dạng hóa hình thức dạy học trực tuyến và ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin rất hiệu quả…

Đòi hỏi thay đổi để thích ứng

Bên cạnh những thuận lợi từ việc bồi dưỡng trực tuyến được ghi nhận như, việc tiếp cận bình đẳng không giới hạn tới nguồn học liệu gốc; sự thuận tiện, linh hoạt cho giáo viên và cán bộ quản lý… cũng còn không ít khó khăn mà các thầy cô phải đối diện.

Chia sẻ từ các giáo viên chủ chốt được bồi dưỡng cũng cho thấy, vẫn còn những rào cản từ việc học bồi dưỡng trực tuyến để đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới hiện nay. Một số giáo viên chưa quen với việc học tập trực tuyến trên hệ thống LMS; tiếp cận internet ở hoặc trang thiết bị còn hạn chế ở những vùng khó khăn; một số giáo viên và cán bộ quản lý chưa thực sự nhận thức rõ về lợi ích, yêu cầu của chuyển đổi số trong bồi dưỡng thường xuyên, chưa làm chủ phương thức bồi dưỡng trực tuyến…

Theo cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo (Yên Lập, Phú Thọ), những giáo viên lớn tuổi hiện gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận công nghệ thông tin, do đó cũng còn những hạn chế trong việc tự bồi dưỡng qua mạng. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh (Trường Tiểu học và THCS Văn Minh - Na Rì, Bắc Kạn) chia sẻ, việc bồi dưỡng trực tuyến với những giáo viên trẻ là phương thức rất hiệu quả, nhưng với những giáo viên lớn tuổi, hoặc trong số họ có những người sắp về hưu, thì bồi dưỡng trực tuyến, tự bồi dưỡng bằng tài liệu được cung cấp trên mạng quả là thách thức không nhỏ.

Nhiều thầy cô do không kịp cập nhật công nghệ thông tin, hoặc chưa có điều kiện về kỹ thuật còn lúng túng trong việc nộp bài.

PGS. TS Trần Hữu Hoan, Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục nhận định, để nâng cao hiệu quả bồi dưỡng giáo viên theo chương trình ETEP, rất cần sự đồng hành, phối hợp và giám sát của các Sở GDĐT. Hiện vẫn còn một số Sở chưa triển khai bồi dưỡng đại trà giáo viên và cán bộ quản lý trên hệ thống LMS.

Theo TS Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT): Quá trình hoàn thiện và phát triển phẩm chất, năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là quá trình thực hành nghề nghiệp kết hợp với quá trình tự rèn luyện bản thân của mỗi nhà giáo, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi đội ngũ giáo viên đang tích cực đổi mới phương thức dạy học theo định hướng tiếp cận phát triển phẩm chất và năng lực người học. Đổi mới bồi dưỡng thường xuyên không có nghĩa là thay đổi hoàn toàn về nội dung, hình thức bồi dưỡng mới, mà có thể chỉ là triển khai nó theo một phương pháp mới, với một nhận thức mới, tư duy mới. Qua đó đem lại những tín hiệu tích cực hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay đổi ‘chất’ giáo viên dạy chương trình mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO