Thay đổi ‘cuộc chơi’ đối với vaccine ngừa Covid-19

Hà Anh 30/12/2021 07:00

Trước những tác động tiêu cực và khả năng siêu lây nhiễm của biến thể Omicron, các nhà khoa học một lần nữa tập trung chứng minh về sự cần thiết của việc bổ sung các liều vaccine tăng cường, củng cố kháng thể của những mũi vaccine trước đó.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), biến thể Omicron hiện đang lây lan với tốc độ chóng mặt. Ba tuần sau khi được phát hiện lần đầu tiên ở Mỹ, nó đã trở thành chủng virus chiếm ưu thế, chiếm 73% tổng số ca mắc Covid-19 mới ở nước này.

Dữ liệu đã thu thập được ở Nam Phi và Vương quốc Anh đang cung cấp cho chúng ta viễn cảnh về một tương lai u ám khi số ca mắc Covid-19 tăng theo cấp số nhân, tiếp tục tạo thêm những áp lực khác đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã bị quá tải. Tuy nhiên rất may, hầu hết các báo cáo cho đến nay đều chứng minh rằng, Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn, với tỷ lệ các trường hợp nhập viện và tử vong thấp hơn so với Delta hoặc các biến thể khác.

Công dụng của liều tăng cường

Khi thế giới đã có khá nhiều thông tin về Omicron, sự chú ý đang quay trở lại với việc tiêm chủng. Tuy nhiên lần này, sự quan tâm không chỉ tập trung vào những người chưa được chủng ngừa, mặc dù họ vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm cao. Thay vào đó, trọng tâm của vấn đề là khả năng trốn tránh vaccine của Omicron đã được chứng minh trên những người đã tiêm hai mũi vaccine theo công nghệ mRNA (Moderna hoặc Pfizer / BioNTech).

Vài tuần trước, phản ứng với sự xuất hiện của Omicron và bằng chứng rõ ràng về khả năng miễn dịch giảm dần sau 6 tháng đối với biến thể Delta, các cơ quan y tế công cộng đã khuyến khích mạnh mẽ những người đã được tiêm đủ 2 liều vaccine nên tiêm thêm liều tăng cường.

Thực tế, mũi vaccine thứ 3 rõ ràng cũng có hiệu quả chống lại Omicron. Dữ liệu của Viện Y tế quốc gia về vaccine Pfizer cho thấy, khả năng bảo vệ sau 3 liều vaccine có thể đạt hiệu quả khoảng 80%. Cùng với đó, dữ liệu sơ bộ từ Đại học Hoàng gia London về cả hai loại vaccine mRNA được sử dụng ở Mỹ cho thấy, khả năng bảo vệ của liều vaccine thứ 3 nằm trong khoảng từ 55% đến 80%.

Năm 2009, khi đối mặt với đại dịch Cúm H1N1, các chuyên gia đã quyết định bổ sung một loại vaccine hoàn toàn mới để bổ trợ cho cho mũi vaccine phòng cúm theo mùa thông thường. Nhưng do thời gian sản xuất vaccine phòng bệnh cúm kéo dài nhiều tháng, nên biện pháp khắc phục này - một loại vaccine mới sử dụng cùng một công nghệ cũ - đã không khả dụng.

Ở những nghiên cứu khác, các chuyên gia đã xác định rằng, việc tiêm bổ sung một loại vaccine đã có sẵn (còn gọi là “liều tăng cường”) được khuyến nghị để giảm bớt sự gia tăng số ca lây nhiễm “đột phá”. Thêm vào đó, khái niệm tiêm vaccine 3 hoặc thậm chí 4 liều để củng cố khả năng miễn dịch ban đầu là khá quen thuộc đối với các quan chức y tế công cộng. Một ví dụ về điều này chính là chương trình đã khá thành công của Mỹ nhằm hạn chế bệnh viêm gan B với một loạt 3 mũi vaccine tăng cường. Đối với một số người có phản ứng miễn dịch ban đầu chậm chạp (5% đến 15% dân số nói chung), cần phải tiêm đợt thứ hai gồm 3 mũi - tất cả là 6 mũi vaccine - để tạo miễn dịch.

Không ngừng cố gắng

Sự thật trên đang chứng minh điều gì? Rõ ràng, tất cả mọi người đều cần được tiêm mũi vaccine nhắc lại về lâu dài hoặc cho đến khi một nhóm vaccine mới chứng minh những điều khác. Liều vaccine ngừa Covid-19 tiêu chuẩn phải là một loạt 3 mũi tiêm cho tất cả mọi người, thậm chí, có thể tiêm chủng bổ sung nếu khoa học chứng minh là cần thiết.

Về vấn đề này, cần lưu ý rằng, Israel, quốc gia dẫn đầu “cuộc chơi” về mũi vaccine thứ 3, hiện đã bắt đầu sử dụng mũi vaccine thứ 4 sau khi chứng kiến ​​sự gia tăng đột phá số ca nhiễm chỉ vài tháng sau liều vaccine thứ 3.

Những tháng sắp tới sẽ còn đáng lo hơn vì thế giới sẽ chứng kiến ​​số ca nhiễm Covid-19 tăng lên, nhưng tình thế này lại mang đến sự linh hoạt thú vị trên “mặt trận” vaccine. Ví dụ, một loại vaccine mới, sử dụng công nghệ hạt nano tái tổ hợp để cung cấp số ít protein đột biến Covid-19 cho hệ thống miễn dịch của cơ thể vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL).

Tuy nhiên, trước mắt, điều đáng quan tâm chính là việc biến thể Omicron có thể mang lại những tác động gì đối với con người? Đối với những người đã được tiêm 3 mũi vaccine, sự xuất hiện của Omicron ngay khi lễ kỷ niệm Giáng sinh và năm mới sắp bắt đầu là điều vô cùng chán nản. Về mặt sức khỏe, nó có thể là một sự thất bại, nhưng chắc chắn nó không phải là một thảm họa. Bởi đối với những người chưa được tiêm chủng và chưa có lòng tin vào vaccine, chúng ta có thể dễ dàng hơn khi tiếp tục công cuộc thuyết phục. Như Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dự báo chính xác và dứt khoát, dựa trên những dữ liệu hiện có về Omicron, những người không có khả năng miễn dịch có thể có một “mùa đông bệnh tật nghiêm trọng và thậm chí là cái chết”.

Có lẽ sự tăng vọt các ca nhiễm biến thể Omicron sẽ thực hiện được những gì mà Alpha và Delta không làm được trước đó: thuyết phục mọi người bảo vệ sức khỏe của chính họ và cộng đồng.

Cuối cùng, sự xuất hiện đột ngột của biến thể siêu đột biến Omicron có thể dạy cho chúng ta một bài học rằng, không thể đoán trước được về thời gian, cách thức và vị trí của các biến thể Covid-19 tiếp theo. Vì vậy, giải pháp tốt nhất cho năm mới chỉ có thể là không ngừng cố gắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay đổi ‘cuộc chơi’ đối với vaccine ngừa Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO