Thay đổi thần kỳ tại xã 'cái bang' nổi tiếng nhất Việt Nam

Cẩm Kỳ 31/01/2023 10:00

Khi nhắc đến xã Hậu Lộc (nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) người dân sinh sống ở đây vẫn chịu nhiều tiếng xấu như làng cái bang, làng ăn xin, tay bị tay gậy... Tuy nhiên, khác với ngày xưa, xã Ích Hậu nay đã đổi thay, cơ sở vật chất khang trang, đời sống người dân khấm khá.

Cả làng đi “ăn xin” vì đói, khổ

Có mặt tại xã Ích Hậu, ngôi làng một thời nổi tiếng vào loại bậc nhất cả nước với nghề ăn xin nay đã trở nên giàu có, đường làng được bê tông hóa với nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên san sát nhau.

Chia sẻ cùng phóng viên, bà Nguyễn Thị Minh (83 tuổi, trú tại thôn Ích Mỹ, xã Ích Hậu) nhớ lại, việc xã mang tiếng là “làng ăn xin” cũng do hàng chục năm trước đây cuộc sống người dân trong xã nghèo đói cùng cực, đất chẳng thương người, thiên tai mất mùa.

Ngôi làng một thời nổi tiếng hành nghề ăn xin nay đã trở nên giàu có, đường làng được bê tông hóa.

Là một vùng trũng không có điện, nước sạch, hệ thống thủy lợi không đáp ứng được nhu cầu sản xuất nên cái đói cứ bủa vây lấy người dân xã Ích Hậu năm này qua tháng khác.

Không còn cách nào để sống, họ đành phải hành khất tứ xứ ăn xin, cũng có nhiều người ở xã khác đi ăn xin, nhưng khi ai đó hỏi quê ở đâu thì họ tiện đường bảo rằng quê ở xã Hậu Lộc (nay là xã Ích Hậu).

Vậy nên từ đó người ta cứ nghĩ rằng người Hậu Lộc chỉ là xã ăn xin.

“Năm 1978, xã Ích Hậu liên tiếp hứng chịu nhiều đợt hạn hán, lụt bão khiến ruộng đồng khô cằn, đất đai nhiễm mặn, nhà cửa bị tàn phá tiêu điều. Cái đói bủa vây, cực chẳng đã lúc đấy người dân trong xã mới phải lang bạt khắp nơi để xin gạo, xin áo quần để mong duy trì sự sống cho các con”, bà Minh nói.

Bà Nguyễn Thị Quỳ nhớ lại, hàng chục năm trước vì cái đói mà người trong làng phải tha phương cầu thực.

Nhớ lại những ký ức về nạn đói thời điểm ấy, bà Nguyễn Thị Quỳ (92 tuổi, trú tại thôn Lương Trung, xã Ích Hậu) cho hay, nạn đói năm 1978, chưa kịp khôi phục người dân còn quay cuồng trong cảnh đói, khát thì năm 1984, đại hạn lại một lần nữa giáng xuống đầu họ. Những con người đang phải sống trong cảnh “lay lắt” vì đói nay lại càng cùng cực hơn, họ buộc phải rời xóm, rời làng để đi ra các tỉnh phía Bắc làm nghề ăn xin.

“Lần đầu thì một vài người đi, sau đó dân làng thấy họ đi xin về có ăn thoát đói nên lũ lượt kéo theo, giàu nghèo gì cũng đi hết. Khoảng 4 giờ sáng, tôi cùng mọi người trong làng thức dậy “tay gậy tay bị” chia nhau đi các ngã để hành nghề ăn xin. Mỗi lần đi thường kéo dài từ 10 đến 15 ngày, may mắn thì mỗi chuyến đi được vài ba kg gạo”, bà Quỳ kể.

Đã qua rồi cái thời vì cái đói mà phải tha phương cầu thực, nhưng bao nhiêu năm qua, người đời vẫn không thể quên cái tên “làng ăn xin” để nói về người dân xã Hậu Lộc. Những lời đồn thổi về “làng ăn xin” và những câu chuyện được thêu dệt vẫn chưa được dập tắt mà ngày một được nối dài thêm.

Làng “ăn xin” vươn lên đổi mới

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, năm 2000, hệ thống thủy lợi tại xã Ích Hậu được phát triển, việc sản xuất nông nghiệp ngày càng được chú trọng hơn, trước đây một năm được một vụ mùa, thì sau khi hệ thống thủy lợi phát triển diện tích đất trồng trọt được mở rộng gấp nhiều lần. Một năm người dân nơi đây sản xuất 2 đến 3 vụ mùa cuộc sống người dân như “thay da đổi thịt” từng ngày.

Nói về Ích Hậu ngày nay, các bậc cao niên trong làng vui mừng chia sẻ, cái tên làng “cái bang” nay đã khác rồi. Không còn cảnh phải đi ăn xin, thay vào đó mọi người vươn liên làm giàu bằng các ngành nghề khác nhau.

Khắp đường làng ngõ xóm đều được bê tông hóa, hàng rào kiên cố, nhà cửa cao tầng san sát. Diện mạo của xã nghèo năm xưa không ngừng thay đổi, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Ký ức nghèo đói, ăn xin chỉ còn đọng lại trong tâm trí người cao tuổi ở vùng quê đang thay da đổi thịt này.

Chỉ vào ngôi ngôi nhà đang xây dựng, bà Võ Thị Long (76 tuổi, xóm Lương Trung, xã Ích Hậu) vui mừng nói, bây giờ người dân không còn ai đi ăn xin nữa, họ đã từ bỏ “tay gậy” vươn lên làm giàu bằng các ngành nghề khác nhau.

“Gần chục năm trở lại đây, cuộc sống người dân xã Ích Hậu đổi thay hoàn toàn, có được như thế là nhờ vào việc xuất khẩu lao động sang các nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Lào... Cháu tôi cũng có 2 đứa ở nước ngoài, nó gửi tiền về xây nhà đấy”, bà Long cười nói.

Cách đó không xa, bà Vương Thị Lý (67 tuổi, trú tại thôn Thống Nhất, xã Ích Hậu) không giấu nổi niềm vui khi được đón Tết trong căn nhà 2 tầng khang trang, được biết đây là căn nhà được làm ra từ tiền của 3 người con đang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài gửi về.

"Năm 2011, nhờ chính sách của các ngành chức năng hỗ trợ cho con đầu của tôi đi học tiếng để đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, nay có điều kiện, nó đưa thêm 2 đứa em cùng đi. Thế hệ các cháu sau này học hành rồi đi làm, đi lao động ở nước ngoài mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Hình ảnh mang gậy mang bị đi ăn xin chỉ là chuyện của ký ức", bà Lý nói.

Khắp đường làng ngõ xóm tại xã Ích Hậu đều được bê tông hóa, hàng rào kiên cố, nhà cửa cao tầng san sát.

Trao đổi cùng phóng viên, ông Bùi Trọng Đỉnh, quyền Chủ tịch UBND xã Ích Hậu cho biết, những năm sau nạn đói hoành hành, hệ thống thủy lợi, đê điều, đường, trường học được đầu tư xây dựng nên người dân xã Ích Hậu đã từ bỏ việc đi ăn xin để tập trung sản xuất nông nghiệp.

Cũng theo ông Đỉnh, từ khi có đê ngăn mặn đã mang lại những vụ mùa đạt năng suất cao nên đã giúp bà con thoát khỏi cảnh đói kém, bắt đầu có của ăn, của để. Sau một thời gian nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương, năm 2015, xã Ích Hậu đã về đích nông thôn mới và đang hướng tới phát triển bền vững.

“Hiện toàn xã có hơn 700 người đi lao động ở nước ngoài, chủ yếu ở: Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Thu nhập bình quân của lao động xuất khẩu gửi về người thân tại địa phương khoảng 20 triệu đồng/tháng”, ông Đỉnh thông tin.

Ngoài ra, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hơn 40 doanh nghiệp, hợp tác xã, mô hình chăn nuôi mạnh dạn đầu tư xây dựng tại địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động quê nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay đổi thần kỳ tại xã 'cái bang' nổi tiếng nhất Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO