Thế chấp con gà nhận trả quả trứng

Nghĩa Hiệp 23/05/2022 08:54

Theo đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Vũ Hữu Cương (38 tuổi), năm 2011, ông Cương đại diện gia đình thế chấp thửa đất số 292, tờ bản đồ số 2 của gia đình tại tổ 10, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội với Ngân hàng BIDV chi nhánh Hà Tây (NH BIDV) với tổng giá trị thế chấp là 10 tỷ đồng. Đến năm 2016, khi không thể chi trả khoản vay, tổng dư nợ của ông Cương với NH BIDV đã lên đến hơn 16 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến khi định giá tài sản và phát mại năm 2019, giá trị căn nhà chỉ được hơn 5,5 tỷ đồng…

Nhận được đơn kêu cứu, chúng tôi đến căn nhà 2 tầng trên mảnh đất rộng 328,8 m2 của gia đình ông Vũ Hữu Cương tại địa chỉ tổ 10, thôn Yên Lộ, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Tại đây, bố mẹ ông Cương đã ngoài 80 tuổi cùng gia đình 3 thế hệ đã ngồi đợi sẵn, bởi nỗi lo sắp không còn ngôi nhà và mảnh đất cha ông để lại.

Gia đình ông Vũ Hưu Cương cung cấp thông tin cho báo chí
Gia đình ông Vũ Hữu Cương cung cấp thông tin cho báo chí

Theo gia đình ông Cương cho biết: “Do cần có vốn đầu tư, kinh doanh, ngày 18/5/2011, anh Cương thế chấp căn nhà của gia đình với NH BIDV theo Hợp đồng tín dụng số 01/2011/HĐ, tại thời điểm ký hợp đồng thế chấp bất động sản, căn nhà mới xây chuẩn bị đi vào hoạt động, mảnh đất và căn nhà được định giá 12.948.000.000 đồng. Số tiền vay được ký kết giữa hai bên là 10.000.000.000 đồng. Thời hạn tất toán trong vòng 60 tháng kể từ ngày vay. Tuy nhiên làm ăn không như mong muốn nên đến tháng 12/2016, NH BIDV khởi kiện anh Cương tại Toà án Nhân dân quận Hà Đông, thành phố Hà Nội để thu hồi tài sản”.

Theo Bản án số 28/2018/DSST ngày 14/12/2016 của Toà án Nhân dân quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, xét xử sở thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 102/2015/TLST-DS ngày 06/11/2015 “Tranh chấp nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng tín dụng” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 82/2016/QĐST ngày 1/11/2016 giữa NH BIDV chi nhánh Hà Tây và ông Vũ Hữu Cương. Tính đến thời điểm xét xử, ông Cương đã có tổng dư nợ với NH BIDV số tiền 16.239.022.956 đồng (bao gồm 9.996.000.000 đồng tiền gốc và 6.243.022.956 đồng tiền lãi).

Bản án đã có Quyết định buộc ông Vũ Hữu Cương phải trả cho NH BIDV số tiền tính đến ngày 14/12/2016 với đúng số tiền nêu trên, và kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thoả thuận trong hợp đồng tín dụng phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2005. Trường hợp anh Cương không thanh toán được số nợ trên cho NH BIDV thì Ngân hàng có quyền đề nghị cơ quan thi hành án phát mại tài sản đã thế chấp tại Ngân hàng để thu hồi nợ. Đồng thời ông Cương phải chi trả án phí dân sự sơ thẩm 118.239.023 đồng và trả lại án phí tạm ứng của NH BIDV số tiền 62.070.000 đồng.

Theo ông Cương, tầng 2 ngôi nhà được xây bằng gỗ, hình thành sau khi ký hợp đồng thế chấp đã có giá trị gần 10 tỷ đồng.
Theo ông Cương, tầng 2 ngôi nhà được xây bằng gỗ, hình thành sau khi ký hợp đồng thế chấp đã có giá trị gần 10 tỷ đồng.

Ông Vũ Hữu Cương cũng cho biết: “Bản án và số tiền nêu trên là đúng, bởi vừa làm ăn xong tôi đã thua lỗ, tôi chỉ trả được 4.000.000 đồng tiền gốc. Tôi cũng không còn khả năng trả nợ, Cục thi hành án dân sự quận Hà Đông thực hiện thi hành án. Tôi không ký đơn phúc thẩm Bản án, và cũng nhờ các mối quan hệ để làm sao lấy lại tài sản với giá thấp nhất, qua các mối quan hệ cá nhân hướng dẫn tôi, tài sản được định giá phát mại là hơn 5 tỷ đồng”.

Đối chiếu với các quy định chung của Ngân hàng trong việc thu hồi tài sản, nguyên tắc phát mại tài sản phải đảm bảo thu đủ gốc, lãi, chi phí kiện tụng, và chi phí thẩm định giá. Bản án số 28/2018/DSST ngày 14/12/2016 của Toà án Nhân dân quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, tính đến thời điểm phát mại tài sản, tổng dư nợ của ông Cương cuối năm 2019, đầu năm 2020 đối với NH BIDV đã lên đến hơn 20 tỷ đồng (cộng thêm tiền lãi phát sinh những năm tiếp theo). Thời điểm định giá tài sản, giá nhà, đất của ông Cương cũng được định giá tại thị trường bất động sản quận Hà Đông lên đến gần 100 triệu đồng/m2. Nhưng không hiểu bằng cách liên kết các mối thế nào, mà tài sản lại chỉ được phát mại với giá khởi điểm bằng 1/4 tổng dư nợ. Điều này đang dẫn đến nguy cơ thất thoát lớn số tiền của ngân hàng BIDV.

Nguyên nhân, diễn biến sự việc và những ai tham gia vào quá trình thẩm định giá tài sản, tại sao giá lại được hạ thấp đến khó tin, Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục thông tin…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế chấp con gà nhận trả quả trứng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO