Thế giới 2022: Vượt khó thế nào?

THẾ TUẤN 19/12/2021 06:43

Khả năng đại dịch Covid-19 sẽ chưa kết thúc, vậy đường đi và tác động của cuộc khủng hoảng y tế này trong năm 2022 thế nào? Khi năm 2021 sắp kết thúc, Tạp chí Forbes đã giới thiệu dự đoán của nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế, chuyên gia quản lý khủng hoảng, nhận xét về kinh tế thế giới 2021 cũng như dự báo cho năm 2022. Điều này được cho là “tư vấn giải pháp phục hồi từ đa dạng tình huống khủng hoảng”.

Theo Forbes, đại dịch Covid-19 kéo dài đã 2 năm và với sự xuất hiện liên tục các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Omicron đã lây lan tới 77 quốc gia và vùng lãnh thổ (tính tới ngày 18/12/2021), thì khả năng cuộc khủng hoảng y tế này sẽ khó kết thúc trong năm 2022.

Không để “mắc kẹt với quá khứ”

Tiến sĩ (TS) Andrew Noymer - Chương trình Y tế công cộng Irvine thuộc Đại học California (Mỹ), dự đoán rằng thời điểm chuyển giao năm 2021 và 2022 sẽ lại có một làn sóng dịch mùa đông. Làn sóng dịch này sẽ ít nghiêm trọng và ít gây chết người hơn so với mùa đông 2020-2021, tuy nhiên ở nhiều nơi thì nó vẫn rất đáng ngại, do biến thể Delta. Tuy thế, theo TS Noymer, đại dịch sẽ ở trạng thái nhẹ hơn so với hiện nay.

Với điểm dịch nóng là nước Mỹ - ông Harry Nelson, nhà sáng lập và đồng quản lý Công ty luật Bảo hiểm y tế Nelson Hardiman, dự đoán quốc gia này khả năng sẽ mất thêm 100.000 người vì Covid-19 trong năm 2022, chủ yếu là người chưa tiêm ngừa vaccine.

“Thật đáng lo ngại là tỉ lệ tiêm vaccine ở Mỹ cũng chẳng tăng thêm được nhiều, từ mức 60% dân số hiện tại lên gần 70%. Trong khi đó, Mỹ chính là quốc gia có nhiều vaccine nhất thế giới”- TS Hardiman nói.

Tương tự, Y tế trưởng quận Arcadia thuộc Los Angeles, bang California (Mỹ), TS Rich Parker dự đoán năm 2022 sẽ vẫn chứng kiến tỉ lệ lây nhiễm cao ở những khu vực có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Để giảm bớt tình trạng này, không gì khác hơn là phải có thêm nhiều quy định “nghĩa vụ tiêm chủng”.

Nhìn về năm 2022, ông Jason Fullmer, Giám đốc điều hành Công ty máy in 3D Formlabs (Mỹ) cho rằng, đại dịch Covid-19 vẫn sẽ tiếp tục tác động mạnh đến ngành sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Tình trạng kéo dài và thất thường về thời gian vận chuyển sẽ không sớm biến mất, đặc biệt nếu có nhiều biến thể nữa của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, có khả năng làm gián đoạn các tuyến đường vận chuyển và du lịch quốc tế”- ông Fullmer đưa ra nhận xét.

Còn bà Suky Sodhi, Chủ tịch Công ty tuyển chọn nhân sự Professional Selection thì cho rằng năm tới, khả năng các doanh nghiệp vẫn sẽ khó tuyển người, “nhân tài sẽ khó thu hút và giữ chân hơn” và “các công ty lớn cần phải chuẩn bị đối mặt với những đợt người lao động rời bỏ hàng loạt, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh”. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở những khu vực dịch còn nặng, tiêm chủng thấp.

Do đó, một trong những trọng tâm mà các doanh nghiệp nên chuẩn bị cho năm 2022 là làm mọi cách để người lao động đi tiêm chủng, hoặc bắt buộc, hoặc có các biện pháp khuyến khích, bà Sodhi khuyến cáo.

Vậy, làm gì để người lao động yên tâm với công việc của mình? Nhiều ý kiến cho rằng điều tốt nhất các lãnh đạo doanh nghiệp có thể làm là bình tĩnh để truyền thông điệp rằng Covid-19 sẽ ngày càng giống bệnh cúm và rủi ro với người đã tiêm ngừa là không cao.

Các chuyên gia cũng lưu ý rằng, những doanh nghiệp vẫn “mắc kẹt với quá khứ” sẽ tiếp tục mất nhân tài vào tay các công ty chấp nhận hình thức công việc kết hợp hoặc làm việc từ xa với phúc lợi tốt hơn. Điểm mấu chốt là các doanh nghiệp phải ý thức và nhìn nhận thực tế rằng sống trong một thế giới có Covid-19 đã trở thành bình thường mới và từ đó “xoay trục”, nếu không muốn “đối mặt với hậu quả”.

Tăng trưởng “không bằng phẳng”

Trong khi đó, nhận diện bức tranh kinh tế thế giới 2021, người ta thấy rằng con đường phục hồi chưa bằng phẳng, khi mà cuộc khủng hoảng năng lượng và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng đã đẩy lạm phát tăng cao.

Đầu năm 2021, khi biến thể Delta chưa xuất hiện, đã có nhiều dự báo khả quan cho kinh tế thế giới. Tuy nhiên, kể từ tháng 3, khi Delta tấn công Ấn Độ sau đó nhanh chóng lây lan trên phạm vi toàn cầu thì tình hình đổi khác. Cho dù nhiều quốc gia trên thế giới đã “xoay trục” để sống chung với Covid-19 nhưng sự hồi phục kinh tế chậm hơn so với dự báo và cũng rất không đồng đều giữa các quốc gia, các châu lục.

Theo IHS Markit, nếu như đầu năm, cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, đồng thời nhận định nền kinh tế sẽ phục hồi từ suy thoái với “tốc độ nhanh nhất trong vòng 80 năm trở lại đây”; thì tới giữa năm họ đã phải “đắn đo” khi biến thể Delta lây lan “như cháy rừng”.

Tuy nhiên, nếu như trong năm 2020, kinh tế toàn cầu ở ngưỡng âm, thì năm 2021 sẽ vượt lên được ngưỡng dương. Đà phục hồi và tăng trưởng của kinh tế thế giới chủ yếu nhờ các đầu tàu Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Nhờ các gói kích thích kinh tế khổng lồ và tốc độ bao phủ vaccine nhanh chóng, nền kinh tế Mỹ được ví như “lò xo” bật trở lại mạnh mẽ.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Mỹ có thể tăng trưởng 6% trong năm nay. Các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng được đánh giá phục hồi nhanh hơn dự kiến, tăng trưởng ở mức 5%. Còn Chính phủ Trung Quốc vẫn giữ nguyên dự báo GDP năm nay sẽ vượt mục tiêu 6%.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, nhìn chung gam màu trong “bức tranh” kinh tế thế giới 2021 đã tươi sáng hơn so với năm ngoái, nhưng nếu nhìn vào chi tiết, vẫn có thể nhận ra những mảng màu tối có nguy cơ loang rộng.

Trước hết, đó là tốc độ phục hồi và tăng trưởng giữa các nước và khu vực không đồng đều. Kinh tế trưởng của Ngân hàng JPMorgan Chase & Co. Bruce Kasman đánh giá là “chênh lệch lớn chưa từng có” trong vòng 25 năm qua và sự phục hồi của các nước thu nhập thấp sẽ kéo dài và không bằng phẳng, kéo giảm tỷ lệ tăng trưởng chung của thế giới.

Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với mức chênh lệch về độ bao phủ vaccine giữa các nước và khu vực như hiện nay, triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn trong trạng thái không ổn định.

Một vấn đề khác cũng khiến nhiều Chính phủ đau đầu, đó là tình trạng lạm phát phi mã luôn đe dọa trong suốt cả năm 2021. Theo kết quả khảo sát 46 nền kinh tế, trong đó có Mỹ và châu Âu, do Viện nghiên cứu Pew công bố, có tới 39 nền kinh tế ghi nhận tỷ lệ lạm phát tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Số liệu mới nhất do Cục Thống kê lao động Mỹ công bố đầu tháng 12 cho thấy, giá cả tại Mỹ tăng 6,8% trong năm 2021, mức cao nhất kể từ năm 1982. Tỷ lệ lạm phát tại EU, Anh cũng ở mức trên 4%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Còn IMF dự báo lạm phát đạt đỉnh điểm 6,8% vào cuối năm nay đối với những nền kinh tế mới nổi.

Trong khi đó, giá năng lượng đã “nhảy vọt” tới 23% trung bình trong năm 2021. Cuộc khủng hoảng năng lượng được coi là nguyên nhân trực tiếp gây ra lạm phát khi đội chi phí sản xuất lên nhiều lần.

Giá khí đốt tại châu Âu và Mỹ đã tăng lần lượt hơn 350% và hơn 120%, còn giá dầu tăng khoảng 50%. Yếu tố giá nhiên liệu được đánh giá sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất toàn cầu trong năm 2022.

Làm gì để kinh tế thế giới quay lại thời kỳ trước đại dịch? Theo giới chuyên gia, điều đó cần có câu trả lời ngay trong năm 2022.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là ước muốn và quyết tâm, vì cũng không thể nói trước điều gì khi Covid-19 tiếp tục có những biến thể mới, trong lúc thuốc đặc biệt để điều trị chưa có.

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình dương Aaditya Mattoo nhận định: “Việc triển khai vaccine và xét nghiệm nhằm kiểm soát Covid-19 có thể giúp các nước đang gặp khó khăn phục hồi hoạt động kinh tế trong nửa đầu năm 2022 và nâng tăng trưởng kinh tế lên gấp đôi vào năm 2023. Tuy nhiên, trong dài hạn, chỉ có những chương trình cải cách sâu rộng mới có thể ngăn chặn sự đình trệ kinh tế và bất bình đẳng gia tăng, được cho là cuộc khủng hoảng kép chưa từng có tại khu vực trong thế kỷ này”.

Tương tự, IMF khuyến nghị trong năm 2022 các nước cần lên kế hoạch thận trọng để chuyển hướng sang các biện pháp củng cố tài khóa trung hạn, giảm thiểu những gánh nặng nợ nần do đại dịch gây ra đồng thời tránh được những cắt giảm nghiêm trọng trong chi tiêu giáo dục và chăm sóc y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế giới 2022: Vượt khó thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO