Thế giới bất an vì nạn đói

PHAN QUANG VŨ 24/07/2022 09:07

Trong một cuộc họp báo được tổ chức vào cuối tháng 6/2022, tại Vienna (Áo), Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) - ông Antonio Guterres, đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ xảy ra nạn đói ở nhiều nơi trong năm nay. "Chúng ta đối mặt với khủng hoảng đói toàn cầu chưa từng có" - ông Guterres nói và cho biết, hơn 460.000 người ở Somalia, Yemen và Nam Sudan đang trong tình trạng đói kém; hàng trăm triệu người ở 34 quốc gia đang bên bờ vực nạn đói. Chưa hết, Tổng Thư ký LHQ còn cho rằng cùng với việc nạn đói có nguy cơ xảy ra ở nhiều nơi trong năm nay, thì nó có thể sẽ còn thậm tệ hơn vào năm 2023,  "mà điều đó là không thể chấp nhận trong thế kỷ 21”.

Người tị nạn ở Mekele (bắc Ethiopia) sống cùng nạn đói Ảnh: AP.

Ông Guterres nhận định, một trong những giải pháp hữu hiệu làm “nguội” nạn đói là xung đột tại Ukaina chấm dứt, vì Nga và Ukraine là hai quốc gia cung cấp khoảng 29% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu. Trong khi đó, Nga cho rằng các biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây khiến giá ngũ cốc tăng vọt, do gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với xuất khẩu ngũ cốc.

Gần 300 triệu người thiếu lương thực

Nhiều phân tích cho thấy, thế giới đang phải đối mặt nguy cơ nạn đói nghiêm trọng nhất từ Thế chiến 2, với gần 300 triệu người hiện đang thiếu lương thực và con số tiếp tục tăng. Phát biểu trên tờ Bild, Bộ trưởng Hợp tác kinh tế và phát triển Đức Svenja Schulze cho rằng, đại dịch Covid-19, hạn hán, biến đổi khí hậu và chiến sự ở Ukraine đang đẩy giá lương thực lên cao nhất từ trước tới nay.

“Dự báo xấu là chúng ta có thể phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến 2, với hàng triệu nạn nhân" - bà Schulze nói và cho rằng giá lương thực đã tăng 1/3 trên toàn cầu, mức cao nhất từ trước tới nay.

Trước đó, cuối tháng 4/2022, bà Schulze đã đề xuất lập Liên minh an ninh lương thực toàn cầu, gồm các chính phủ, các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế để đối phó với cuộc khủng hoảng. “Liên minh này có thể hoạt động theo mô hình của cơ chế phân phối vaccine (COVAX) như trong đại dịch Covid-19 để phân phối lương thực về ngắn hạn trong khi xây dựng năng lực sản xuất lương thực của các nước”- bà Schulze nói.

Tuy nhiên, tới cuối tháng 6/2022, sáng kiến này vẫn chưa trở thành hiện thực.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết gần 300 triệu người đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng, các dự báo liên tục tăng lên. Trong nguy cơ đói nghèo, theo WFP, khu vực châu Phi và Trung Đông có thể bị ảnh hưởng nặng nhất, do phụ thuộc phần lớn vào nguồn ngũ cốc nhập khẩu. Cùng với khoảng 300 triệu người đối mặt với nạn đói là khoảng 811 triệu người trên toàn thế giới có nguy cơ suy dinh dưỡng.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình dương của Ngân hàng Thế giới (WB), Tiến sĩ Aaditya Mattoo cho rằng, các quốc gia áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ khiến giá lương thực toàn cầu càng gia tăng, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực ở nhiều quốc gia và ảnh hưởng lâu dài đến thương mại lương thực toàn cầu.

Vào hồi tháng 5 năm nay, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đã cảnh báo với các thành viên của Hội đồng Bảo an rằng chiến tranh và nạn đói đi đôi với nhau.

Ông Guterres nói: “Khi chiến tranh nổ ra, mọi người bị đói. Khoảng 60% số người thiếu dinh dưỡng trên thế giới sống trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột. Không quốc gia nào có khả năng miễn nhiễm”.

Ông Guterres cũng cho biết, năm 2021, phần lớn trong số 140 triệu người đói khổ nghiêm trọng trên thế giới tập trung ở 10 quốc gia là: Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Haiti, Nigeria, Pakistan, Sudan Nam, Sudan, Syria và Yemen.

“Không có gì phải nghi ngờ khi chúng ta thảo luận về xung đột cũng có nghĩa là thảo luận về nạn đói. Khi bạn đưa ra quyết định về việc gìn giữ hòa bình thì cũng có nghĩa là bạn đang đưa ra quyết định về nạn đói. Và khi bạn không đạt được sự đồng thuận, những người đói sẽ phải trả một cái giá đắt” - ông Guterres nhấn mạnh và cho rằng, những gì đang diễn ra đã hủy hoại thành quả của cuộc chiến chống nạn đói có được nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của nhiều thập niên qua.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley cùng với ông Qu Dongyu - Tổng Giám đốc Tổ chức Nông - Lương LHQ (FAO) cũng cho rằng, thế giới "thực sự đang ở trong một cuộc khủng hoảng chưa từng có".

Cả hai người đứng đầu hai tổ chức này đều kêu gọi tăng cường tài trợ cho nông nghiệp để bảo đảm nguồn cung và khả năng tiếp cận thực phẩm trong các tình huống khủng hoảng.

Trẻ em tại một trung tâm nuôi dưỡng ở Mogadishu (Somalia) xếp hàng đợi nhận phần ăn.

Những trận đói kinh hoàng trong lịch sử

Nhân loại đạt được những tiến bộ kỳ diệu nhưng cũng đã từng phải qua những đau thương không kể xiết, đó là chiến tranh, dịch bệnh và nạn đói.

Châu Á, nơi đông dân nhất thế giới cũng lại là nơi có nhiều nạn đói xảy ra.

Vào năm 1907, theo “Bách khoa toàn thư về cứu trợ thiên tai”, nạn đói ở Trung Quốc diễn ra sau những trận mưa lớn và lũ lụt trong mùa trồng trọt năm 1906, đã quét sạch diện tích cây trồng tại các tỉnh An Huy, Hà Nam và Giang Tô, khiến khoảng 4 triệu người chết vì đói, đồng thời nổ ra những cuộc bạo loạn lương thực, cũng như bệnh như đậu mùa hoành hành.

Nạn đói còn kéo dài sang năm 1908, với ước tính khoảng 25 triệu người bị chết do đói và dịch bệnh. Nạn đói khủng khiếp này được các sử gia cho rằng, đã góp phần vào sự sụp đổ của nhà Thanh, do sự thất bại của họ trong việc quản lý thảm họa.

Còn tại Ấn Độ, tới nay người dân vẫn còn bị ám ảnh bởi nạn đói mang cái tên khủng khiếp: “Nạn đói đầu lâu”, kéo dài suốt từ năm 1788 cho đến năm 1794 mới được coi là chấm dứt. Theo Tạp chí Lịch sử Trung cổ, nạn đói năm 1791 được người dân đặt tên như vậy bởi vì rất nhiều người chết đói đã không được chôn cất, hộp sọ của họ rải rác trên mặt đất.

Nạn đói này kéo dài đã ảnh hưởng đến hầu hết Ấn Độ. Nguyên nhân chính bởi một loạt các đợt hạn hán xen kẽ, nối đuôi nhau. Đến năm 1792, có tới 600.000 người đã chết trên khắp 167 quận ở Ấn Độ. Những người chết phần lớn được cho là do hạn hán, ruộng đồng hoang tàn không sản xuất được. Vào thời điểm nạn đói kết thúc (năm 1794), khoảng 11 triệu người dân ở Ấn Độ đã chết.

Đến thời cận đại, “nạn đói Bengal” năm 1943 được cho là khủng khiếp nhất. Tạp chí quốc tế Nghiên cứu về lãnh đạo Công (IJSPL) gọi nó là “một trong những nạn đói tồi tệ nhất được ghi lại trong lịch sử nhân loại”. Các nhà sử học tin rằng khoảng 3 triệu người đã chết trong nạn đói ở Bengal năm 1943.

Nhìn chung, tại Ấn Độ, theo Tạp chí Lịch sử Trung cổ, đã có ít nhất 12 nạn đói khác nhau trong khoảng thời gian từ năm 1765 đến năm 1858. Đáng chú ý là nạn đói năm 1770 xảy ra sau khi các đợt gió mùa tấn công Ấn Độ vào năm 1768 khiến các cánh đồng lúa khô cằn. Các báo cáo lúc bấy giờ còn lưu lại đến nay cho rằng 1/3 dân số của tỉnh Purnea đã chết đói. Vào cuối nạn đói năm đó, khoảng 10 triệu người đã chết.

Còn tại Iran, trong các năm từ 1917 đến 1919 cũng đã xuất hiện nạn đói, con số ghi nhận lên tới từ 8 đến 10 triệu người. Hạn hán và dịch bệnh lan rộng phá hủy mùa màng, khiến lương thực vốn đã khan hiếm lại càng trở nên khan hiếm hơn.

Vào lúc đỉnh điểm của nạn đói, chính quyền các địa phương báo cáo có hàng nghìn người chết mỗi ngày liên quan đến đói khát. Rất nhiều thi thể không được chôn lấp, kể cả trên các đường phố và ngõ hẻm của đô thị Tehran.

Đó là tại châu Á. Châu Âu vốn được coi là “an toàn” thì lịch sử cũng đã ghi nhận không ít những trận đói tàn phá. Tới nay, dù có nhiều nghiên cứu khoa học với mức độ tin cậy cao, nhưng không một dữ liệu nào thực sự biết có bao nhiêu người đã chết trong “đại nạn đói” hoành hành ở châu Âu từ năm 1315 đến năm 1317. Theo nhà sử học Lynn Harry Nelson, đây là một “gấp khúc” trong lịch sử châu Âu.

Vào năm 1315, châu Âu đã phải hứng chịu rất nhiều những trận mưa lớn làm thối rữa các kho chứa hạt giống và khiến việc trồng trọt cho mùa màng năm sau trở nên khó khăn hơn. Sản lượng lương thực giảm dẫn đến nạn đói, tình trạng thiếu lương thực diễn ra khắp nơi.

Harry Nelson mô tả: “Mọi thứ tồi tệ đến mức người ta bỏ rơi những đứa trẻ và người già chết đói để có thể tiếp tục sống. Không ai thực sự chắc chắn có bao nhiêu người đã thiệt mạng trong nạn đói này, nhưng các nhà sử học khá chắc chắn rằng con số đó là hàng triệu”.

Cũng trong giai đoạn từ năm 1315 đến năm 1317, người ta nhận thấy rằng nạn đói đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân Anh chỉ là 17,33 tuổi. Còn tại Bắc Âu, lúc đó giá thực phẩm tăng vọt tới 320%. Đói khát làm các quy tắc xã hội sụp đổ, trẻ nhỏ và người già bị gia đình bỏ rơi.

Cho tới năm 1845, nạn đói xuất hiện ở Ireland, kéo dài mãi cho tới năm 1852. Nguyên nhân của nạn đói này là do khoai tây bị phá hủy nghiêm trọng dẫn đến thiếu lương thực. Có tới gần một triệu người chết đói và một triệu người di cư khỏi Ireland trong giai đoạn đói khổ này.

Nhân loại cũng chưa quên nạn đói ở Jametown (Virginia)- nơi cư ngụ đầu tiên của người Anh ở nước Mỹ. Vào năm 1609, con tàu từ Anh tới Jamestown chở thức ăn cho người khai hoang đã gặp bão trên biển. Vì thế những người tại khu định cư mới đã không có thức ăn trong suốt mùa đông. Mùa đông năm ấy, hàng trăm người ở Jamestown đã chết đói và chỉ có 60 người trong số 500 người còn sống sót.

Đi tìm nguyên nhân nạn đói thời hiện đại

Tới nay, nhân loại đã tiến những bước rất xa về phía trước, nhưng nạn đói vẫn đe dọa không ít nơi trên thế giới. Trong khi mục tiêu phát triển bền vững vẫn đang nhằm giảm thiểu khoảng cách thiếu đói và trao quyền cho các cộng đồng dễ bị tổn thương để có được an ninh lương và không bao giờ nạn đói có thể xảy ra trong thời đại văn minh này.

Thật đáng buồn khi các số liệu thống kê cho thấy nạn đói trên toàn cầu đã thực sự trở nên tồi tệ hơn kể từ năm 2016 sau nhiều thập niên tiến bộ liên tiếp. Chuyện gì đã xảy ra? Tại sao nó vẫn là một vấn đề lớn đe dọa loài người?

Đó là những câu hỏi nhức nhối trong thời đại ngày nay. Theo một báo cáo của Viện Phát triển bền vững quốc tế, để ngăn chặn nạn đói trên thế giới, trong vòng 10 năm tới cần tổng cộng là 330 tỷ USD. Một số tiền không nhiều nếu so với một cuộc chiến tranh diễn ra trong vòng 1 năm. Nhưng ai bỏ ra số tiền đó mới là quan trọng!

Tuy nhiên, để giải quyết nạn đói trên thế giới thì câu hỏi cần bao nhiêu tiền cũng không hẳn đã là chính yếu, nếu như những nguyên nhân gây ra nạn đói không được loại bỏ. Chính vì thế, giới chuyên gia tin rằng cần một cách tiếp cận toàn diện hơn, giải quyết “phần gốc” chứ không phải chứ không phải là “phần ngọn” khi nạn đói đã xảy ra.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi nạn đói là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu vì nó ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh của cuộc sống con người và nó đẩy những người bị ảnh hưởng bởi nó trong một vòng luẩn quẩn.

Nếu gia đình của một đứa trẻ sống trong cảnh nghèo đói, thì nguy cơ chúng sẽ có một cuộc sống nghèo khó hơn là rất nhiều. Cái đói ngăn cản trẻ em học hành, khiến chúng không thể có công việc tốt khi trưởng thành, điều này khiến chúng phải sống trong cảnh nghèo đói và kể cả bệnh tật suốt đời, vì không có tiền thuốc men, chạy chữa.

Tới đây, câu hỏi đặt ra là: Trong thời đại ngày nay, những nguyên nhân gì dẫn đến nạn đói?

Trước hết, “thủ phạm” được chỉ ra là biến đổi khí hậu. Tác hại của nó là vô cùng ghê gớm khi làm ngập lụt nhiều vùng trên trái đất. Ngược lại, nhiều vùng lại rơi vào thảm cảnh hạn hán, đất đai trồng trọt bị sa mạc hóa, hoang hóa.

Nước biển dâng làm ngập chìm nhiều diện tích canh tác. Dân số thế giới vẫn tăng, trong khi diện tích đất canh tác thu hẹp, dẫn đến sản lượng lương thực (cũng như thực phẩm) ít đi, sẽ dẫn tới cái đói “cục bộ” ở một số nơi, nhất là những quốc gia nghèo ở châu Phi.

Theo một báo cáo của LHQ vào năm 2021, phần lớn dân số thế giới bị nghèo đói và thiếu đói trầm trọng sống ở vùng cận Sahara, châu Phi. Quốc gia nghèo nhất trên thế giới vào năm 2021 là Somalia, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 104 USD/năm.

Nguyên nhân thứ hai được cho là nạn đói đến từ chiến tranh, xung đột sắc tộc, bạo lực. Tất cả những vùng đất bất ổn do bạo lực đều không thể duy trì sản xuất cũng như các hoạt động kinh tế khác. Thực tế cho thấy, những vùng đất xảy ra nhiều bạo lực thường rất khó bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm cần thiết cho người dân.

Nguyên nhân thứ ba là tình trạng canh tác lạc hậu. Không phải nhiều quốc gia nông nghiệp đã có được những ứng dụng khoa học kỹ thuật cần thiết. Canh tác vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Vì thế, khi gặp thiên tai (bão lũ hoặc hạn hán, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp) thì lại xảy ra mất mùa, cái đói lại ập tới.

Nguyên nhân thứ tư là người dân không thoát được vòng luẩn quẩn đói nghèo. Ở nhiều quốc gia, người nông dân vội vã bán lương thực, thực phẩm mà không có tích trữ, vì họ phải có tiền để giải quyết những nhu cầu cấp bách trước mắt. Trong trường hợp “mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt” thì không sao, nhưng chỉ cần “trái gió trở trời” một đến hai năm thì lập tức họ sẽ rơi vào cảnh đói.

Đáng chú ý, theo chuyên gia Tổ chức Nông - Lương (FAO) thế giới, nạn đói còn đến do các quốc gia giàu có tăng cường thu mua để tích trữ lương thực khi sản lượng lương thực thế giới đi xuống, hoặc xuất hiện những hình thái khí hậu cực đoan tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp. “Nạn mua vét lương thực” từ những nước giàu - theo FAO, sẽ đẩy những nước sản xuất nông nghiệp vốn đã nghèo nàn càng nhanh chóng đến bờ vực của nạn đói.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF - Davos 2022) cuối tháng 5 vừa qua, tại phiên thảo luận với chủ đề “Chuyển hướng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu”, đã đưa ra lời kêu gọi cần có sự đầu tư và phối hợp hài hòa giữa các nước, cùng đó là cần có các cơ chế khác nhau để cùng giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực đang xuất hiện.

Theo Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), bà Mariam Mohammed Saeed Al Mheiri, thì cần tạo dòng chảy thương mại về lương thực, giải quyết vấn đề lãng phí lương thực, đầu tư vào công nghệ về nông nghiệp và bảo vệ nguồn đất.

Tại WEF 2022, Phó Tổng thống Cộng hòa Thống nhất Tanzania Philip Isdor Mpango cho biết, châu Phi đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến chính sách an ninh lương thực.

Giá lúa mì đã tăng hơn 45% ở châu Phi kể từ tháng 2. Giá phân bón đã tăng 300% và châu lục này đang phải đối mặt tình trạng thiếu hụt hai triệu tấn phân bón. Tình hình đặc biệt đáng lo ngại ở Sahel, nơi có tới 18 triệu người sẽ phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong 3 tháng tới. Cùng đó, vùng Sừng châu Phi cũng rơi vào hạn hán với gần 20 triệu người bị nạn đói đe dọa.

Như vậy, với rất nhiều lo toan, hiện thế giới vẫn phải “nặng lòng” với nguy cơ nạn đói đã và đang diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế giới bất an vì nạn đói

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO