Thế giới loay hoay trước rào cản Covid

Hà Anh 28/01/2021 06:30

Dù nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn cảnh báo triển vọng này bị đe dọa bởi những sự không chắc chắn liên quan tới vấn đề dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó, các vấn đề hậu cần liên quan tới việc phân phối vaccine đặt ra nhiều vấn đề quan trọng cần giải quyết.

Khủng hoảng xã hội do Covid-19 đã đặt thế giới vào nhiều thách thức mới. Ảnh: CNBC.

Sự lúng túng liên quan đến vaccine

Ngày 27/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi các công ty sản xuất vaccine ngừa Covid-19 phải giao hàng theo đúng cam kết, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Liên minh châu Âu (EU) và các công ty dược phẩm vì vấn đề giao hàng chậm trễ.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos, bà Ursula von der Leyen cho biết, châu Âu đã đầu tư hàng tỷ euro để giúp phát triển các loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới nên các công ty phải tôn trọng nghĩa vụ và giao hàng.

Chủ tịch EC khẳng định, EU sẽ thiết lập một cơ chế minh bạch về xuất khẩu vaccine để đảm bảo các công ty tôn trọng những nghĩa vụ theo hợp đồng của họ với EU. Bà Leyen là người đứng đầu EC trong kế hoạch mua hơn 2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cho 27 quốc gia thành viên với khoảng 450 triệu người.

Bà Leyen cho biết, kế hoạch mua vaccine của EC không chỉ dành cho riêng EU mà còn dành cho các nước nghèo hơn ngoài EU, những nước chỉ có khả năng tiếp cận vaccine thông qua sáng kiến COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng.

Dự kiến, EU sẽ đề xuất thành lập một tổ chức công - tư thuộc Cơ quan ứng phó khẩn cấp y tế châu Âu mới. Đây được coi là một phần trong chiến lược dài hạn để đối phó với cuộc khủng hoảng y tế hiện nay cũng như trong tương lai.

Theo quan điểm của nhiều quốc gia thành viên, EU đã chuẩn bị tốt cho chiến dịch tiêm chủng, sự chậm trễ trong việc giao hàng dẫn đến tổn thất không chỉ về nguồn lực công mà còn cả về tính mạng con người.

Cùng với đó, theo kết quả nghiên cứu do Economist Intelligence Unit (EIU) - bộ phận phân tích và nghiên cứu thuộc Economist Group - tiến hành và công bố ngày 27/1 về kế hoạch triển khai vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu, các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ở Trung Quốc và Ấn Độ sẽ kéo dài đến cuối năm 2022 do quy mô dân số của 2 nước này quá lớn, trong khi hơn 85 quốc gia nghèo sẽ không được tiếp cận rộng rãi với vaccine Covid-19 trước năm 2023.

Theo báo cáo trên, việc cung cấp vaccine cho các nước nghèo thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, một sáng kiến của WHO, có thể bị chậm do việc ưu tiên phân phối cho các quốc gia giàu và cơ sở hạ tầng kém ở các nước đang phát triển.

Giám đốc của EIU Agathe Demarais cảnh báo những quốc gia kém phát triển và có dân số trẻ hơn có thể mất động lực phân phối vắcxin, đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh lan rộng hoặc các chi phí liên quan quá cao.

Cũng theo bà Demarais, hầu hết các quốc gia ở châu Phi khó có khả năng triển khai tiêm chủng đại trà cho đến đầu năm 2023, trong khi người dân nhiều nước châu Á sẽ được tiếp cận với vaccine vào cuối năm 2022.

Điểm sáng chưa rõ ràng

Ngày 26/1, IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 lên 5,5%, viện dẫn sự lạc quan rằng vaccine ngừa Covid-19 sẽ giúp kiểm soát đại dịch và khôi phục hoạt động kinh tế, trong khi các nền kinh tế lớn đang đưa ra nhiều gói kích thích phục hồi.

Con số trên được đưa ra trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) mới nhất của IMF, cho thấy một sự cải thiện đáng kể từ mức suy giảm 3,5% trong năm 2020. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo triển vọng này đang bị đe dọa bởi những sự không chắc chắn liên quan tới vấn đề dịch bệnh. IMF kêu gọi các chính phủ cần tiếp tục hành động để ngăn chặn những thiệt hại kéo dài do cuộc khủng hoàng Covid-19 gây ra.

Báo cáo cho biết, việc số ca mắc Covid-19 mới gia tăng ở một số quốc gia cùng những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã buộc nhiều nước phải tái áp đặt lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại. Ngoài ra, IMF đánh giá, ngay cả khi ghi nhận tăng trưởng, nhiều nền kinh tế sẽ không thể phục hồi về mức trước đại dịch trong năm nay.

Trong khi đó, Tổ chức Lao động quốc tế mới đây công bố báo cáo cho thấy, đại dịch Covid-19 khiến ít nhất 225 triệu người bị mất công việc chính trong năm 2020. Hệ lụy này nghiêm trọng gấp 4 lần so với hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Tuy nhiên, một báo cáo khác của Tổ chức phi chính phủ Oxfam lại cho thấy, tài sản của giới siêu giàu tại tăng vọt. Theo bà Gabriela Bucher - Giám đốc điều hành của Oxfam, tình trạng phân hóa giàu nghèo sâu sắc cũng nguy hiểm chết người không kém gì virus.

“Báo cáo “virus bất bình đẳng” thực sự cho chúng ta thấy bất bình đẳng đã tăng lên ở hầu hết các quốc gia và đây cũng lần đầu tiên trong lịch sử thế giới chứng kiến sự gia tăng như thế. Và điều gây sốc là 10 tỷ phú đã kiếm được nửa nghìn tỷ USD trong thời kỳ đại dịch. Số tiền đủ để tiêm phòng cho cả thế giới, cũng như ngăn không cho bất kỳ ai rơi vào cảnh nghèo đói. Mọi người trên Trái Đất sẽ được bảo vệ khỏi đói nghèo thông qua số tiền đó” - bà Bucher nói.

Cả hai báo cáo đều xác định sự gia tăng bất bình đẳng là một trong những hậu quả của đại dịch, trong đó phụ nữ và thanh niên là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mức độ của cuộc khủng hoảng xã hội do Covid-19 đã trở thành một trong những vấn đề của chương trình nghị sự của Diễn đàn Kinh tế thế giới đang diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Nhìn lại hơn 1 năm sống trong đại dịch, với hơn 225 triệu người mất việc làm, bất bình đẳng gia tăng và biểu tình bạo loạn tại nhiều nước nhằm phản đối các biện pháp hạn chế do Covid-19, chưa kể những thiệt hại khó có thể đong đếm đối với nền kinh tế, đã khiến không ít người dân và chính phủ trở nên mất kiên nhẫn.

Trong ngày 26/1, số liệu y tế do Chính phủ Anh đưa ra cho thấy, nước này có thêm 1.631 ca tử vong trong ngày vì Covid-19, con số cao thứ hai từ trước đến nay và chính thức đưa nước Anh vượt qua cột mốc có trên 100.000 ca tử vong vì Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này tháng 3/2020. Thừa nhận rằng đây là một con số khủng khiếp, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố ông gánh chịu toàn bộ trách nhiệm và Chính phủ Anh đã làm tất cả những gì có thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế giới loay hoay trước rào cản Covid

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO