Thể thao Việt Nam: Trắng tay tại Olympic Tokyo 2020, vì sao?

Nguyễn Hiếu 10/08/2021 06:27

Thế vận hội Tokyo 2020 khép lại với sự dẫn đầu của ba cường quốc thể thao là Mỹ, Trung Quốc và chủ nhà Nhật Bản. Có  5 quốc gia Đông Nam Á tham dự thì 3 nước có huy chương Vàng là Philippines, Indonesia và Thái Lan. Malaysia đoạt một huy chương Đồng. Còn đoàn Việt Nam về tay trắng…

Tại Thế vận hội trước, đoàn Việt Nam đoạt một huy chương Vàng, một huy chương Bạc đều ở môn bắn súng. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chính là người lập công. Nhưng tại sao ở thế vận hội này, thể thao Việt Nam lại thất bại?

Xét về nguyên nhân của sự trắng tay thì một phần rất nhỏ thuộc về các vận động viên (như về nguyên nhân khách quan là do dịch Covid-19 nên từ lâu không được thi đấu đỉnh cao, cọ sát. Nguyên nhân chủ quan là tuổi cao, thiếu bản lĩnh, không may mắn…). Với huấn luyện viên là sự non ớt trong chỉ đạo thi đấu ví như ở trường hợp võ sĩ Nguyễn Thị Tâm qua hai hiệp hoà 1-1 với võ sĩ Zhelyakova. Đáng ra với đối thủ đã cao tuổi của Bungari thì huấn luyện viên của võ sĩ Tâm bước vào hiệp cuối cần chỉ đạo võ sĩ Việt Nam tấn công để tạo bất ngờ trước đối thủ đã lớn tuổi. Đáng tiếc lối đánh hiệp 3 Tâm mặc dù sung sức hơn đối thủ lại áp dụng chiến thuật phòng thủ đã tạo điều kiện cho Zhelyakova đầy kinh nghiệm khai thác được điểm yếu của Tâm để dành chiến thắng. Hoặc trong cử tạ của lực sĩ Hoàng Thị Duyên việc các huấn luyện viên nâng đột ngột quá cao trọng lượng tạ cử giật lên 98 kg thay vì 96, hoặc 97 sau khi lực sĩ Duyên cử giật lần thứ hai được 95 kg cũng làm lực sĩ này không đủ thời gian để chuẩn bị sức lực và tâm lý...

Nhìn tổng thể thì sự thất bát của thể thao Việt Nam ở Tokyo 2020 là do những nhà quản lý hay nói cụ thể hơn là Tổng cục Thể dục thể thao và Bộ VHTTDL.

Hầu như trong 5 năm qua các nhà quản lý thể thao nước ta không có một kế hoạch nào cho việc đào tạo lực lượng vận động viên kế cận lứa các vận động viên đã từng có thành tích cao. Nếu bóng đá còn có giải trẻ ở các lứa tuổi thì ở các môn thể thao khác không hề có một cuộc thi nào dành cho vận động viên trẻ. Vì thế nên ở Tokyo 2020 này, Nguyễn Tiến Minh cầu lông đã 38 tuổi vẫn phải kẽo kẹt ra sân để thi đấu với các vận động viên ở độ tuổi hơn 20 tuổi. Hoàng Xuân Vinh bắn súng ở tuổi 45 vẫn là vận động viên hàng đầu của bộ môn bắn súng. Ngay Nguyễn Ánh Viên cũng đã vượt qua độ tuổi đỉnh cao của môn bơi lội vẫn được xếp là vận động viên chủ lực trong môn bơi… Với lứa vận động viên đã qua thời kỳ đỉnh cao như vậy làm sao có thể chiến thắng các vận động viên thế giới đang sung sức?

Sai lầm thứ hai là các nhà, các cơ quan quản lý thể thao nước ta là trong cả quá trình hàng vài chục năm cũng không dành công sức để tìm ra các môn thể thao phù hợp với thể chất của người Việt. Từ đó tạo ra các môn thể thao thế mạnh để thi đấu mang lại thành tích tốt. Chúng ta hãy xem cách chọn môn thế mạnh của Hàn Quốc trong bắn cung, Singapore trong bơi lội, Thái Lan với cầu lông… Nhất là Hàn Quốc đối với bắn cung. Có thể nói môn thể thao này đã trở thành cái mỏ để Hàn Quốc thu huy chương ở các kỳ tranh tài châu lục cũng như thế giới. Ở Hàn Quốc, bắn cung là môn thể thao được mở rộng, khuyến khích từ cấp phong trào đến cấp đỉnh cao đã kéo theo sự tài trợ của rất nhiều tổ chức, các doanh nghiệp và được rèn luyện một cách bài bản nghiêm túc. Một vận động viên bắn cung Hàn Quốc trung bình tập 10 giờ trong ngày và bắn tới 2000 mũi tên. Vì thế nên ta không lạ ở Tokyo 2020 có cung thủ Kim Je Deok mới 17 tuổi đang là học sinh lớp 12 Trường Gyeonghuk đạt thành tích vượt cả đương kim vô địch thế giới Ellison Brady của Mỹ.

Gần đây bóng đá Việt Nam trở thành một hiện tượng không chỉ khu vực Đông Nam Á mà cả châu Á với những thành tích vang dội. Nhưng công lao đầu cho sự ra đời lứa cầu thủ có thể coi như thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam lại bắt đầu từ một học viện do một doanh nghiệp thành lập. Cũng như tìm được một huấn luyện viên tài ba, mát tay đã có công lớn tạo ra thành tích bóng đá Việt Nam thời gian qua cũng do doanh nghiệp. Tại sao doanh nghiệp làm được còn cơ quan quản lý lại không?

Nên nhớ những năm của thập niên 80, 90 của thế kỉ XX, so Thái Lan, Indonesia và ngay cả với Nhật, Hàn Quốc… Trình độ bóng đá đến các môn thể thao Việt Nam ta cũng xấp xỉ, một chín, một mười so với các quốc gia trên. Vậy mà mới qua hai ba thập niên đến nay họ đã ở những đẳng cấp vượt Việt Nam ta quá nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thể thao Việt Nam: Trắng tay tại Olympic Tokyo 2020, vì sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO