VĐV phải học cách phòng chống doping

Khánh Vy 11/03/2016 13:05

“Quả bom doping” của Búp bê Nga Maria Sharapova đang khiến làng thể thao thế giới chấn động. Cùng với đó, lúc này nỗi lo bởi thiếu thông tin, kiến thức nơi các VĐV Việt Nam trong việc tìm hiểu và biết cách phòng chống doping cũng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

VĐV phải học cách phòng chống doping

Tay vợ Maria Sharapova tạm thời bị cấm thi đấu do phát hiện dương tính với doping.

Liên đoàn quần vợt thế giới (ITF) đã xác nhận thông tin Sharapova có phản ứng dương tính với chất cấm theo danh mục mới ban hành và cho biết sẽ tạm thời cấm thi đấu tay vợt này từ ngày 12/3 trong khi chờ quyết định chính thức.

Một ngôi sao hàng đầu với một đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp và đông đảo luôn cập nhật như Sharapova còn “dính” doping. Bởi vậy, nỗi lo điều đó sẽ đến với các VĐV Việt Nam lại trở nên nóng hổi và người ta lại phải tự vấn về những lỗ hổng lớn trong việc phòng chống doping của Thể thao Việt Nam (TTVN). Kể từ SEA Games 2003, TTVN đã có 16 VĐV Việt Nam bị phát hiện “dính” doping. Số lượng này có thể rất nhỏ so với mặt bằng chung quốc tế song lại là một con số đáng giật mình dù quan điểm thống nhất của ngành thể thao, thậm chí đã trở thành ý thức của các HLV, VĐV là “Nói không với doping”.

Tại Việt Nam, trong quá khứ cũng đã có không ít VĐV tên tuổi “dính chàm” và từng khốn khổ vì bị phát hiện vô tình hoặc cố ý sử dụng chất cấm trong khi thi đấu. Đơn cử như Ngân Thương “dính” bởi dùng một loại thuốc lợi tiểu tại Olympic 2008. Ngân Thương đã trở thành vận động viên thể dục dụng cụ đầu tiên bị trục xuất khỏi một kỳ Olympic vì sử dụng doping. Tuy nhiên, IOC cho rằng Ngân Thương dùng chất này một cách vô tình do thiếu hiểu biết nên cô chỉ bị cấm thi đấu quốc tế trong 1 năm.

Một cái tên đình đám khác cũng thân bại, danh liệt vì doping chính là Hoàng Anh Tuấn. Đây là VĐV nổi tiếng nhất của TTVN từng dính đến doping. Hoàng Anh Tuấn thi đấu ở môn cử tạ và là VĐV có thành tích tốt nhất của TTVN trên đấu trường quốc tế khi đoạt HCB ở hạng cân 58kg tại Olympic 2008. Trước thềm Asiad 2010, Tuấn bị phát hiện dương tính với chất Oxilofrine, một chất nằm trong danh mục bị cấm của Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF). Theo Hoàng Anh Tuấn thì do anh vô tình sử dụng đồ uống đóng chai không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, án phạt nặng nhất đã được đưa ra cho anh, đó là phạt 5.000 USD và cấm thi đấu 2 năm.

Có thể thấy, những trường hợp này đều kêu mình “vô tình” nhưng thực tế nó đến từ chính sự thiếu hiểu biết về doping của các VĐV Việt Nam. Mà nguyên nhân có thể do chủ quan, có thể không được cập nhật danh mục chất cấm. Và đó cũng là lời nhắc cho tới những nhà quản lý thể thao, những người có trách nhiệm hướng dẫn, định hướng cho các VĐV dùng và sử dụng đúng các loại thuốc khi cần.

Có mấy vấn đề mà nếu làm tốt thì khả năng “dính” doping với các VĐV Việt Nam sẽ khó trở thành hiện thực. Đầu tiên là nâng cao ý thức ngay từ các VĐV. Những trường hợp của Việt Nam bị phát hiện có doping đều đến từ nhận thức kém và sử dụng thuốc bừa bãi. Vấn đề không kém phần quan trọng là vai trò của các HLV trực tiếp.

Cùng với đó công tác quản lý, phòng chống và xử lý nghiêm từ TC TDTT cũng sẽ khiến điều này được hạn chế nhiều. Từ trước đến nay, ngành thể thao đều đã xử lý rất nhẹ khi đều chỉ quốc tế xử thế nào là áp như thế, rồi sau đó lại xin giảm án, có người bị cấm thi đấu còn được bố trí làm HLV riêng các HLV gần như chưa bị động đến. Trong khi đó, các nước có nền thể thao tiên tiến đều làm rất nghiêm túc vấn đề này.

Một vấn đề không thể thiếu với các VĐV, với các HLV lúc này chính là luôn cập nhật thông tin từ Trung tâm Y học và doping Việt Nam.

“Theo quy trình, cứ tháng 9 hằng năm Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) sẽ gửi thông báo đến các thành viên và viết rất rõ trên website của mình về danh sách chất cấm mới. Sau đó, đến 1/1 năm tới Wada mới chính thức áp dụng. Ngay khi có những thông tin này, chúng tôi lập tức dịch ra tiếng Việt và đưa lên các trang thông tin, các trang mạng và đưa vào các cuộc tuyên truyền cho các VĐV”, PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh cho biết.

Cũng theo ông Ninh, các VĐV có thể tìm hiểu từ nhiều nguồn mà nguồn đầu tiên chính là từ HLV của mình, từ các bác sĩ và các cán bộ chuyên làm phòng chống doping.

Chắc chắn trường hợp dính doping mới nhất của Sharapova và những VĐV Việt Nam tiêu biểu như đã đề cập sẽ là bài học đắt giá cho các VĐV, các HLV và cả nền TTVN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    VĐV phải học cách phòng chống doping

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO