Thêm công cụ tuyên chiến với chuyển giá, trốn thuế

Thúy Hằng 10/11/2020 10:32

Chuyển giá, trốn thuế không còn là câu chuyện xảy ra ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia, mà đã lan sang các doanh nghiệp liên kết trong nước.

Doanh nghiệp nội cũng chuyển giá

Số liệu Tổng cục Thuế cho biết số doanh nghiệp (DN) có kê khai giao dịch liên kết là khoảng 16.500, trong đó, số DN kê khai có phát sinh giao dịch liên kết khoảng 8.000. Qua tiến hành thanh tra, kiểm tra, số thuế truy thu của các năm 2017 – 2019 xoay quanh con số 2.000 tỷ đồng. Riêng năm 2019 đã giảm lỗ đến 9.000 tỷ đồng. Năm 2020, 9 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã tiến hành thanh kiểm tra 263 DN, truy thu, truy hoàn và phạt 525 tỷ đồng; trong đó có 177 DN FDI, số thuế truy thu các DN này khoảng 442 tỷ đồng.

Thực trạng doanh nghiệp có giao dịch liên kết thực hiện các hành vi chuyển giá, trốn thuế vẫn là vấn nạn của nhiều năm nay. Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn, nếu như trước đây tình trạng này chỉ diễn ra ở khu vực doanh nghiệp có vốn nước ngoài ( vốn FDI) thì nay bản thân các DN trong nước cũng có sự chuyển giá lẫn nhau.

Theo khẳng định của Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh vì đặc thù nước ta có nhiều chính sách ưu đãi thuế theo địa bàn, lĩnh vực trong khi một tập đoàn trong nước hiện nay cũng đa nghề, đa lĩnh vực. Khi có sự chênh lệch thuế giữa các lĩnh vực có quan hệ liên kết sẽ phát sinh chuyển lợi nhuận từ DN, pháp nhân hay địa bàn có thuế suất cao sang thuế suất thấp. Kể cả trong trường hợp không có chênh lệch lãi suất thì DN vẫn có hoạt động chuyển lợi nhuận từ DN có lãi sang DN lỗ.

Đáng lưu ý hơn, nhiều DN trong nước sử dụng mối liên hệ liên kết để thực hiện các khoản vay, đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực rủi ro.

Phát biểu phiên thảo luận các vấn đề kinh tế xã hội ngày 3/11 vừa qua, đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) khẳng định, hoạt động chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) nói riêng đã đến hồi cảnh báo.

Tình trạng chuyển nhượng vốn góp với giá trị cao hoặc kê khai giá trị đầu vào cao dẫn đến lỗ và không phải đóng thuế. Lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp, đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động sản xuất, kinh doanh mà mua, bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép để phục vụ mục đích trốn thuế hay hợp thức hóa hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ, lợi dụng kẽ hở trong khai báo hải quan, nâng khống giá trị hàng hóa lên nhiều lần để chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng.

Cần phải điều chỉnh

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (thay thế Nghị định số 20). Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, các quy định tại Nghị định 132 được hoàn chỉnh sửa đổi phù hợp với Luật Quản lý thuế số 38. Nghị định này đưa ra các biện pháp tăng cường quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết, do đó sẽ tăng số thu vào ngân sách.

Ngoài ra Nghị định kế thừa quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP (Nghị định 68) ngày 24/6/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20, nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%. Cụ thể tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.

Cũng theo tính toán của cơ quan soạn thảo cho thấy, quy định hồi tố năm 2017, 2018 đối với nội dung nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30% đồng thời cho bù trừ với lãi tiền gửi, tiền cho vay, dự kiến số thuế phải hoàn hoặc khấu trừ vào khoảng 4.785 tỷ đồng.

Ngoài kế thừa Nghị định 68, Nghị định 132 còn mở rộng đối tượng loại trừ áp dụng quy định giới hạn chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Theo đó, ngoài các đối tượng là tổ chức tín dụng và tổ chức kinh doanh bảo hiểm, Nghị định 132 còn mở rộng thêm đối tượng loại trừ bao gồm: các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác);

Theo khẳng định của phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, bên cạnh việc siết chặt quản lý thuế, chống chuyển giá, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các đơn vị trong đó có Bộ Tài chính, ban hành các chính sách khách hỗ trợ các DN, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm công cụ tuyên chiến với chuyển giá, trốn thuế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO