Thêm một hành động ngang ngược trên Biển Đông

Nam Việt 04/05/2020 08:00

Tân Hoa xã (Trung Quốc) tối 1/5 ngang nhiên đưa tin “lệnh cấm đánh bắt cá thường niên” của nước này ở Biển Đông bắt đầu từ trưa cùng ngày, với sự giám sát của lực lượng hải cảnh và kiểm ngư của họ. Lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp nói đó bắt đầu được áp dụng từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Thêm một hành động ngang ngược trên Biển Đông

Đầu và cuối mỗi mẻ câu là một lá cờ được buộc đánh dấu đây là thuyền câu của ngư dân Việt Nam.

Vẫn theo Tân Hoa xã (dẫn thông báo từ lực lượng Hải cảnh Trung Quốc), 50.000 tàu cá sẽ dừng hoạt động đánh bắt trong thời gian 3 tháng rưỡi và chính lực lượng này sẽ thực thi lệnh cấm một cách nghiêm ngặt theo cái gọi là quy định và luật pháp liên quan.

Ai cũng hiểu tàu cá, hải cảnh và kiểm ngư của Trung Quốc là gì khi trên thực tế suốt những năm qua nó đã không chỉ thực hiện việc đánh bắt cá, hay là tuần tra đơn thuần. Nếu trên bờ, Trung Quốc thường áp dụng chiến lược “biển người” thì trên biển họ cũng lại ngang nhiên dùng “biển tàu” để nhằm độc chiếm Biển Đông. 50.000 “tàu cá” với sự hỗ trợ của hải cảnh, kiểm ngư khác nào một bức tường thép quây lấy một vùng biển rộng lớn, nhất là với Hoàng Sa của Việt Nam.

Còn nhớ, tháng 5/2019, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc áp dụng cấm đánh bắt cá mà họ cho là “thường niên” từ ngày 1/5 đến ngày 16/8 ở khu vực Biển Đông, trong đó bao gồm một số vùng biển của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Việt Nam cho rằng các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không làm phương hại đến quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên biển của các nước có liên quan.

Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc.

Thậm vô lý, nhưng phía Trung Quốc lần này vẫn ngang nhiên “cấm biển”, một lần nữa cho thấy mưu đồ độc chiếm Biển Đông của họ là không thay đổi, ngược lại, ngày càng gia tăng mức độ nguy hiểm.

Cũng cần nhắc lại, trong khi đại dịch Covid-19 (xuất phát và bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc) đang hoành hành, gây tai họa cho toàn thế giới; và trong khi toàn thế giới đang có rất nhiều nỗ lực để đoàn kết chống lại đại dịch, thì Trung Quốc lại có những hành động gây mất ổn định trên Biển Đông. Hành động đó đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ. Mới đây thôi, ngày 16/4, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã bám theo tàu khai thác dầu West Capella của Công ty Dầu khí Petronas (Malaysia) hoạt động ở Biển Đông. Cũng cần phải nhắc lại một lần nữa rằng, thời gian qua, chính con tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc liên tục thực hiện những hải trình mang tính khiêu khích trên Biển Đông, đặc biệt là trong cùng biển của Việt Nam.

Một nấc thang mới đầy nguy hiểm của chính quyền Trung Quốc chính là vào ngày 19/4, họ đã ngang nhiên công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể ở Biển Đông”. Tuyên bố đó chỉ một ngày sau khi họ ngang ngược thành lập hai cơ quan hành chính nhằm kiểm soát phi pháp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Vùng biển của Việt Nam; đảo, đá của Việt Nam nhưng Trung Quốc lại tự cho phép đặt tên, với ý định xác lập chủ quyền- đó chính là hành động xâm phạm quyền, chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển hợp pháp của Việt Nam.

Lần này, với việc đưa ra “lệnh cấm đánh bắt cá thường niên” kéo dài 3 tháng rưỡi càng cho thấy sự ngang ngược, bất chấp lẽ phải, phi pháp từ phía Trung Quốc, trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam từ hàng đời nay vẫn thực hiện việc khai thác hải sản, đánh bắt cá trong vùng biển của cha ông mình, đó là thực tế không thể phủ nhận. Chính phủ Việt Nam cũng như ngư dân Việt Nam luôn tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng lẽ phải, yêu chuộng hòa bình nhưng cũng đồng thời kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thiện chí của Việt Nam lâu nay đã được quốc tế thừa nhận; chính nghĩa Việt Nam luôn tỏa sáng. Vì thế, bất cứ hành động phi lý, ngang ngược nào áp đặt trên vùng biển đảo của Việt Nam cũng đều là phi pháp, bị lên án và vô giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm một hành động ngang ngược trên Biển Đông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO