Thêm nhiều mối nguy hại cho trẻ trong những ngày giãn cách xã hội

An Chi 27/08/2021 14:08

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động vui chơi giải trí, lớp học kỹ năng, ngoại khóa cho trẻ không được tổ chức. Do vậy, để trẻ ở nhà trong những ngày giãn cách xã hội là biện pháp được hầu hết các phụ huynh áp dụng. Tuy nhiên,việc này cũng dẫn đến những nguy hiểm tiềm ẩn mà phụ huynh không thể ngờ tới.

Covid-19 tác động đến trẻ như thế nào?

Suy giảm sức khỏe tinh thần: Một số lý do khiến sức khỏe tâm thần của trẻ em bị ảnh hưởng trong thời gian này như: Thay đổi các thói quen hàng ngày (học tập, sinh hoạt, ngủ nghỉ); mất kết nối xã hội, giảm cơ hội tiếp xúc với người khác dẫn đến gia tăng cảm giác buồn chán; tăng mức độ căng thẳng đối với cha mẹ và người thân trong gia đình; tiếp xúc nhiều với các thông điệp nguy hiểm làm gia tăng sự chú ý của trẻ đối với các mối đe dọa tiềm ẩn, dẫn đến cảm giác lo lắng liên tục hoặc gia tăng các hành vi bộc phát…

Khủng hoảng từ học trực tuyến: Thời điểm khi chưa có dịch, trẻ em được đến trường tiếp xúc với bạn bè, thầy cô, được học tập và vui chơi trong một không gian rộng lớn, tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội, trẻ phải học trực tuyến dẫn đến nhiều khó khăn, một số trẻ có thích nghi kém sẽ gây nên những suy nghĩ lo âu, buồn chán.

Theo đó, khi học trực tuyến, trẻ sẽ có tâm lý chán nản, không tập trung, thậm chí còn lẩn tránh mỗi khi đến giờ học. Rất nhiều trường hợp vì sợ học trực tuyến nên trẻ đã trốn trong máy giặt, tủ quần áo, ngoài ban công… dẫn đến những hậu quả khó lường.

Quá phụ thuộc vào máy tính, thiết bị điện tử: Những ngày giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, trẻ thường ngồi nhiều trước màn hình tivi và các thiết bị thông minh, dẫn đến nhiều nguy hại cho sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của trẻ.

Nghiên cứu cho thấy trẻ tiếp xúc với máy tính quá nhiều trong những năm đầu của cuộc sống có thể làm thay đổi cấu trúc não của chúng. Một nghiên cứu khác cho thấy, trẻ dành nhiều thời gian ngồi trước màn hình hơn 2 giờ một ngày có thể có một số biểu hiện rối loạn hành vi.

Mối nguy hại tiềm ẩn trong nhà: Theo thống kê, trong những ngày giãn cách xã hội, đã có rất nhiều trẻ gặp nguy hiểm đến tính mạng do uống nhầm hóa chất, thuốc đặc trị các bệnh của người có trong nhà vì tưởng đó là kẹo, nước ngọt, si rô... nếu được phát hiện kịp thời sẽ không nguy hiểm đến tính mạng nhưng khả năng phải chịu nhiều di chứng về sau.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều mối nguy hại tiềm ẩn khác như: Ban công, cửa sổ nhà hoặc chung cư cao tầng, các thiết bị sử dụng điện, nước lạnh/nước nóng, bếp nấu ăn và vật dụng sắc nhọn, các loại cửa…

Làm thế nào để loại bỏ các mối nguy hại tiềm ẩn?

Theo các chuyên gia y tế, để giúp các em loại bỏ được mối nguy hại tiềm ẩn trong những ngày giãn cách xã hội, các bậc phụ huynh có thể không thay đổi được sự năng động của trường học và các hoạt động ngoại khóa, nhưng chúng ta có thể hướng đến việc tạo ra cảm giác an toàn và ổn định ở nhà. Các gia đình có thể tạo các thói quen mới an toàn để đối phó với Covid-19, chẳng hạn:

Hướng dẫn con cách tập trung học trực tuyến: Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đa số trẻ em phải theo học ở nhà dưới hình thức online. Việc học này đôi khi sẽ khiến trẻ xao nhãng và khó tập trung tiếp thu kiến thức bởi một số vấn đề khách quan. Vì vậy, cha mẹ hãy hướng dẫn cho trẻ cách tập trung học và nghe cô giáo giảng online.

Ngoài ra, đừng quên dành những lời động viên hoặc có thể là treo thưởng nếu con đạt thành tích học tập tốt sẽ giúp trẻ có thêm động lực cố gắng, phấn đấu trong bối cảnh đặc biệt này. Đồng thời cùng con thiết lập thời gian biểu trong ngày thật hợp lý nhằm đảm bảo phân bổ đồng đều các hoạt động như học tập, vui chơi và giờ sinh hoạt chung.

Khuyến khích con vận động thể lực: Bên cạnh việc ngồi học trước máy tính nhiều giờ liên tục, các bậc phụ huynh đừng quên khuyến khích trẻ vận động thể lực bằng cách tập thể dục, tham gia các trò chơi mang nhiều tính vận động.

Việc vận động không chỉ giúp trẻ giải tỏa được căng thẳng sau khoảng thời gian học online mà còn hạn chế các con ham mê xem tivi, chơi game v.v… Đảm bảo thời gian tốt nhất để trẻ có thể vận động là ít nhất 1 tiếng/ ngày và có thể tăng thêm tùy theo thể trạng sức lực của con.

Hướng dẫn con làm việc nhà: Hãy tranh thủ thời gian ở nhà giãn cách để hướng dẫn các bé làm việc nhà. Chia quỹ thời gian rõ ràng trong việc học, vui chơi và giúp bố mẹ làm việc nhà. Có thể tập thói quen cho trẻ từ những việc nhỏ và nhẹ nhàng như tự dọn đồ chơi, sắp xếp lại sách vở, gập quần áo cho đến phụ cha mẹ dọn cơm v.v…

Thiết lập hệ thống an toàn: Đối với gia đình ở nhà cao tầng, chung cư cần lắp đặt rào chắn, lưới an toàn để bảo vệ con khỏi các sự cố đáng tiếc. Theo đó, cửa kính cần có song sắt ngang, khung chắn để đảm bảo trẻ không bị ngã. Bậu cửa sổ cao tối thiểu 1m, lan can ban công phải cao tối thiểu 1,3m.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm nhiều mối nguy hại cho trẻ trong những ngày giãn cách xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO