Thép, cá và môi trường

Thành Vĩnh 22/08/2016 21:45

Cuối cùng thì, sau 5 tháng trời phát hiện ra sự cố môi trường lớn nhất trong lịch sử, biển miền Trung đang hồi phục. Công bố của các nhà khoa học đã phần nào làm nguôi ngoai nỗi lo lắng đè nặng tâm can ngư dân ngàn đời bám biển. Môi trường biển của dải đất miền Trung sẽ trở lại với những giá trị đẹp đẽ như nó vốn có.

Không gì có thể đánh đổi được với môi trường sống bền vững, không phải lựa chọn giữa thép và cá, mà chúng ta sẽ phải “có cả thép, cả cá và cả một môi trường biển sạch, đẹp, an toàn”. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Thép, cá và môi trường

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi họp báo sáng nay 22/8.

Bài học của cuộc “khủng hoảng môi trường biển miền Trung” quá lớn và quá đắt giá. 5 tháng trời ròng rã, thiệt hại lớn về kinh tế-xã hội, môi trường biển, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống ngư dân đã đành.

Cái lo ngại không kém là khi dân không an thì không có cả an toàn xã hội. Xử lý khủng hoảng theo hướng quyết tâm đến cùng tìm ra nguyên nhân, công bố công khai minh bạch trước nhân dân là hướng xử lý đúng đắn, là quan điểm nhất quán không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế và là tiền đề cho bước đánh giá thực trạng biển tiếp theo mà kết quả vừa được công bố hôm qua (ngày 22/8).

Không có quyết tâm hợp lòng dân trong việc khắc phục sự cố của các nhà lãnh đạo đất nước thì không thể có sự bền bỉ, bình tĩnh, tin tưởng của ngư dân các tỉnh miền Trung nói riêng và ngư dân cả nước nói chung suốt gần 5 tháng qua.

Trong sự kiên trì chịu đựng của nhân dân, yêu cầu cấp bách sớm khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp ngư dân tiếp tục bám biển, bảo đảm sinh kế, an toàn của người dân, đã được đặt ra gay gắt. Những câu hỏi nhức nhối và được người dân trông chờ mỗi ngày: Môi trường biển đã sạch chưa? Vùng biển nào sạch? Vùng biển nào chưa sạch? Nuôi trồng hải sản được chưa? Hải sản đã sử dụng được chưa?...

Sự vào cuộc của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, thực hiện việc quan trắc chất lượng môi trường biển trong suốt thời gian qua đến giờ phút này đang được đánh giá là đảm bảo độ tin cậy.

Biển đã an toàn! Các thông số được các nhà khoa học phân tích đều đang ở ngưỡng cho phép. Trong khi ghi nhận ý kiến ngư dân về kết quả đưa ra của các nhà khoa học, nhiều ngư dân đã nói với phóng viên rằng dựa theo kinh nghiệm dày dạn của những người dân bám biển, họ cũng đã biết biển đã an toàn.

Niềm vui đã trở lại với những bãi biển từng đẹp đẽ và thơ mộng suốt dọc biển miền Trung. Nhưng vẫn còn đó những băn khoăn khi chất lượng hải sản chưa công bố được. Những cá, những tôm, những mực… vẫn còn đang phải chờ một thời gian nữa mới đủ để đào thải hết những chất độc, mà người ta, trong sự nhẫn tâm chạy theo lợi nhuận, đã đầu độc chúng.

Chừng nào các Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chưa thể công bố rằng hải sản an toàn, chừng ấy biển còn chưa trọn vẹn hồi sinh. Chưa kể vẫn còn hàm lượng một vài chất, ở một số khu vực vẫn chưa trở về với ngưỡng cho phép.

Để làm sạch biển, sau một sự cố ghê sợ như Formosa chắc chắn không thể là chuyện của một vài tháng đã có thể trở về nguyên sơ như buổi ban đầu. Vẫn cần tiếp tục theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường biển ven bờ khu vực miền Trung, vẫn cần việc kiểm soát các nguồn thải, giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ Công ty Formosa Hà Tĩnh.

Bài học sự cố môi trường biển miền Trung cho thấy, rồi đây ngay cả khi biển đã hồi sinh thực sự, đã trở về với một sự an toàn tuyệt đối thì vẫn phải đề cao cảnh giác, chính là những cộng đồng dân cư sẽ làm tốt nhất việc giám sát các nguồn thải xả ra môi trường biển. Mong rằng môi trường và các giá trị về kinh tế, sinh thái và nhân văn của dải ven biển miền Trung sẽ sớm được phục hồi. Nhưng nhân dân sẽ chỉ chấp nhận có thép, nếu cá được bơi trong một môi trường biển sạch, đẹp, an toàn.

Đất nước trải dài theo bờ biển. Biển là môi trường sống quan trọng của người Việt, từ đời này sang đời khác. Người Việt Nam từ rất sớm bước về phía biển, dựa vào biển để sinh tồn, trân trọng và gìn giữ biển. Không có lý gì trong bước tiến về phía văn minh, hiện đại, cái không gian sống vốn được gìn giữ từ ngàn đời nay lại bị đe doạ đến sự an toàn. Thật đáng đau lòng và hổ thẹn nếu ngay trên đất nước mình, trong môi trường sống của mình, ta đã không giữ nổi những giá trị mà tổ tiên để lại, mà thiên nhiên đã ban tặng cho ta.

Càng tiến đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá, khát vọng trở thành một quốc gia biển giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển càng phải là một khát vọng thường trực, để sớm trở thành hiện thực.

Muốn như vậy đòi hỏi phải có một chiến lược biển lâu dài và bền vững, đòi hỏi phải có một quy hoạch có tầm cho chuỗi đô thị biển suốt chiều dài đất nước, đòi hỏi những quyết sách phát triển công nghiệp ven biển phải sáng suốt và thận trọng. Gìn giữ biển là gìn giữ không gian sống có tính quyết định cho tương lai của một dân tộc biển. Lợi ích từ một dự án kinh tế sẽ mang lại những lợi nhuận ngắn hạn. Còn giá trị từ biển thì vĩnh hằng, đời đời bền vững. Lợi ích lớn lao ấy, không thể được đánh đổi bằng bất cứ giá nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thép, cá và môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO