Thi công… ‘chui’ dự án hơn 300 tỷ đồng!

Nguyễn Chung 19/03/2021 10:00

Mặc dù mới được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư, thế nhưng chủ dự án đã ồ ạt tiến hành san lấp hàng chục nghìn m2 mặt bằng và bắt tay vào xây dựng. Điều này đang khiến dư luận tại Thanh Hóa đặt ra câu hỏi nghi vấn: Ai đã chống lưng để doanh nghiệp bất chấp mọi quy định của pháp luật, thi công “chui” một dự án có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng?

Mặc dù mới chỉ có chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng DN Lam Kinh đã tiến hành san lấp và xây dựng.

Làm lấy được!

Theo phản ánh của nhiều người người dân tại xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) về một dự án nhà máy sản xuất, gia công giày dép, có mức đầu tư lên đến hơn 300 tỷ đồng nhưng đang được chủ đầu tư thi công… “chui”, chúng tôi đã đến để tìm hiểu. Theo quan sát của phóng viên: Dự án nói trên nằm ngay bên bờ tả đê sông Hoàng, một phía giáp với tỉnh lộ 506 (đoạn chạy qua xã Đồng Tiến). Trên khu đất 2 lúa rộng 47.000m2, chủ đầu tư đã tiến hành san lấp hoàn chỉnh mặt bằng và xây dựng tường rào cao khoảng 3m, bao quanh khu đất. Phía bên trong, chủ đầu tư cũng đã tập kết vật liệu xây dựng, cho ép cọc, làm móng và đổ các cột bê tông… các loại xe, máy chuyên dụng đang hối hả làm việc.

Gặp chúng tôi, anh Nguyễn Tài Thắng, một người dân trú tại xã Đồng Tiến cho biết: Hoạt động san lấp và xây dựng tại đây đã được họ (chủ đầu tư) tiến hành từ giữa tháng 12/2020. “Trong suốt mấy tháng trời, hàng trăm lượt xe tấp nập chở đất đá san lấp cho dự án gây ra tình trạng bụi bặm, ồn ào và mất an toàn giao thông. Không những thế, các xe tải phục vụ dự án còn thường xuyên chở quá tải, khiến nhiều đoạn trên tỉnh lộ 506 bị hư hỏng nghiêm trọng”, anh Thắng bức xúc nói.

Tìm hiểu thêm từ phía chính quyền chúng tôi được biết: Trước đó, ngày 3/12/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 5112 QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu tại xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn cho Công ty TNHH đầu tư xây dựng và phát triển Lam Kinh (DN Lam Kinh).

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 319 tỷ đổng, với quy mô rộng 47.000 mét vuông, công suất thiết kế 5 triệu đôi sản phẩm/năm, thời gian hoạt động dự án là 50 năm, tiến độ thực hiện dự án: Hoàn thành GPMB, các thủ tục, hồ sơ trong quý II/2021, khởi công xây dựng quý III/2021 và đi vào hoạt động trong đầu năm 2022.

Cũng theo nội dung quyết định này, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chủ đầu tư phải có trách nhiệm thực hiện dự án theo đúng chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành thủ tục về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất và ký quỹ đảm bảo dự án theo quy định.

Đồng thời, yêu cầu UBND xã Đồng Tiến giữ nguyên hiện trạng khu đất khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất, giao đất. Quyết định của tỉnh Thanh Hóa là vậy nhưng trên thực tế, chủ đầu tư mới chỉ chấp thuận chủ trương của tỉnh mà chưa hoàn thành các thủ tục về đất, cho thuê đất, giao đất nhưng đã bất chấp pháp luật, ngang nhiên đưa máy móc xe cộ ồ ạt thi công gây bức xúc dư luận.

Chính quyền bao che cho sai phạm?

Vì sao một dự án có tổng mức đầu tư lên đến hơn 300 tỷ đồng lại có thể bất chấp mọi quy định của pháp luật để thi công trong suốt nhiều tháng qua mà không bị chính quyền xử lý? Để trả lời cho câu hỏi này, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã có buổi làm việc với ông Đồng Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến. Tại cuộc trao đổi này, ông Nghĩa cũng xác nhận việc DN Lam Kinh tiến hành san lấp mặt bằng và xây dựng các công trình thuộc dự án khi mới chỉ được chấp thuận chủ trương đầu tư mà chưa có bất cứ giấy phép nào là đúng sự thật.

Ông Nghĩa cũng cho biết thêm: Trước việc làm trái quy định của DN Lam Kinh, UBND xã đã 2 lần tiến hành lập biên bản tại hiện trường vào các ngày 3/12/2020 và 16/12/2020, yêu cầu công ty dừng mọi hoạt động san lấp và xây dựng khi chưa có giấy phép của các cơ quan chức năng cấp.

Theo nội dung 2 biên bản hiện trường mà ông Nghĩa cung cấp cho thấy: “Về hồ sơ pháp lý, công ty mới chỉ được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và công ty mới thỏa thuận với người dân về việc nhận tiền đền bù để thực hiện dự án. Tuy nhiên đến nay hồ sơ pháp lý để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng hoa sang đất phi nông nghiệp và hồ sơ thu hồi đất công ty vẫn chưa phối hợp với các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện. Khối lượng đất san lấp 1.500 mét khối”.

“Việc san lấp mặt bằng dự án họ toàn tiến hành làm vào ban đêm nên xã không nắm rõ. Nhưng với thẩm quyền cấp xã, ngoài việc lập biên bản yêu cầu DN Lam Kinh dừng mọi hoạt động thì chúng tôi cũng không thể xử phạt hay có biện pháp cứng rắn khác để xử lý các sai phạm. Tôi cũng đã báo cáo… miệng với lãnh đạo huyện về tình hình thi công của doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần nào đó chúng ta cũng phải tạo điều kiện cho họ vì đây là dự án lớn!”, ông Nghĩa phân trần.

Trong số hồ sơ liên quan đến dự án của DN Lam Kinh mà UBND xã Đồng Tiến cung cấp, có một điều khá lạ lùng là: Mặc dù DN Lam Kinh tiến hành san lấp, xây dựng từ đầu tháng 12/2020 nhưng mãi đến ngày 16/3/2021, UBND huyện Triệu Sơn mới ban hành Quyết định số 1075 về việc phê duyệt phương án và dự toán bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với dự án. Lý giải về điều này, ông Đồng Văn Nghĩa cho biết: “Mọi vấn đề liên quan đến bồi thường, GPMB, phía DN Lam Kinh đã tự thỏa thuận với người dân, công tác đền bù đã xong cả rồi!”.

Với những nội dung đã nói ở trên, rõ ràng chính quyền các cấp tại huyện Triệu Sơn đang cố tình bao che và hợp thức hóa cho những sai phạm của DN Lam Kinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi công… ‘chui’ dự án hơn 300 tỷ đồng!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO