Thí điểm F1 cách ly tại nhà

H.Vũ (thực hiện) 24/05/2021 07:58

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay có thể thực hiện được thí điểm này nhưng cần tuân thủ theo các hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly tại nhà.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga.

Tại phiên họp trực tuyến với UBND các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để triển khai công tác phòng, chống dịch, trước tình hình những ca Covid-19 đang tăng nhanh tại 2 tỉnh này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã đề nghị Bắc Ninh nghiên cứu thí điểm cho cách ly tại nhà đối với các trường hợp F1 trong tình huống có nhiều người bị nhiễm, nhiều F1 mà các khu cách ly tập trung không đáp ứng đủ. Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay có thể thực hiện được thí điểm này nhưng cần tuân thủ theo các hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly tại nhà.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, trong bối cảnh dịch như hiện nay, nhất là tại Bắc Ninh và Bắc Giang xuất hiện nhiều ca mắc bệnh tại các khu công nghiệp, thì việc thí điểm cho F1 cách ly tại nhà là điều rất tốt. Vì thực tế F1 chưa chắc đã phải là bệnh nhân, trong khi 60% những người mắc bệnh không có triệu chứng, tức là họ vẫn khỏe mạnh bình thường.

Nếu ở cách ly tập trung cùng nhau, đông F1 sẽ tốn tiền của Nhà nước và có thể tiềm ẩn việc nhiễm bệnh, bị lây chéo. Có những người F1 có thể chưa phải là bệnh nhân nhưng vào khu cách ly tập trung, bị lây chéo và trở thành bệnh nhân; chưa kể việc quản lý những người này cũng gặp nhiều khó khăn vì đối tượng F1 khá đa dạng từ người già yếu, cho đến trẻ em. Vì thế trong thời điểm này chúng ta có thể nghiên cứu để F1 cách ly tại nhà.

PV:Tại Bắc Ninh, Bắc Giang dịch xảy ra ở khu công nghiệp nên số lượng F1 quá lớn, gây ra nguy cơ quá tải trong các khu cách ly tập trung. Và nếu cách ly ở nhà đối với F1 thì theo ông có thể giảm tình trạng lây chéo trong khu công nghiệp không?

Ông Nguyễn Huy Nga: Bình thường theo quy định, F1 là cách ly tập trung nhưng khi nhiều F1 sẽ phải mở thêm các khu vực để cách ly. Ngay trong khu cách ly việc quản lý cũng khá phức tạp. Tại nơi cách ly tập trung phải có người phục vụ cơm nước, khử trùng, sát khuẩn, xử lý rác thải. Do đó có thể cách ly tại nhà. Trong thời gian này nếu người nào có triệu chứng như ho, sốt thì có thể đưa vào bệnh viện để xét nghiệm.

Thực tế có việc lây chéo tại khu cách ly tập trung. Lúc vào khu cách ly họ xét nghiệm là âm tính nhưng có thể đã có virus trong người rồi. Khi họ gặp và tiếp xúc với một F1 khác thì có thể lây sang cho người kia. Nhưng điều tôi quan tâm chính là có những trẻ em, cụ già vào trong khu cách ly tập trung, nguyên tắc là không được dùng điều hòa, trời nắng thế này thì sức nào mà chịu được? Nhiều khi chính những đối tượng F1 là người già và trẻ em cũng bị ảnh hưởng sức khỏe.

Nếu cách ly F1 tại nhà, ông có khuyến cáo gì trong quá trình thực hiện?

-Cách ly ở nhà nhưng vẫn phải tuân theo các quy định của Bộ Y tế về hướng dẫn việc cách ly y tế tại nhà. Theo đó, người dân phải đảm bảo tuân thủ việc tránh tiếp xúc, đeo khẩu trang, khử khuẩn, quy định về xử lý rác thải y tế. Thực tế gọi là cách ly F1 tại nhà nhưng trước khi cho cách ly tại nhà thì những trường hợp đó đã được xem xét xem có đủ tiêu chuẩn điều kiện cách ly tại nhà không. Những trường hợp nào không có điều kiện cách ly tại nhà thì phải cách ly tập trung.

Dự báo dịch còn diễn biến phức tạp, kéo dài và đây cũng là lúc cần sự sáng tạo, đột phá, cách làm mới trong chống dịch. Nếu chỉ mải chống dịch, không phát triển được kinh tế thì cũng không được, thưa ông?

-Theo tôi nếu F1 đủ điều kiện cách ly tại nhà thì có thể để họ cách ly, làm việc ở nhà để vừa chống dịch, không bị lây chéo mà còn phát triển kinh tế. Trong vòng 14 ngày người cách ly tại nhà có thể giải quyết được nhiều công việc. Ví dụ một người lao động trí óc, hay buôn bán, họ chỉ cần có một máy tính và làm việc một mình trong phòng. Nếu vào khu cách ly tập trung điều kiện làm việc cũng không thể như ở nhà.

Tôi nói ví dụ trong khu cách ly tập trung làm sao điện, nước hay wifi đảm bảo như khách sạn hay ở nhà. Nếu một người có điều kiện ở nhà một mình một buồng để làm việc; cơm nước có người nhà đưa đến để ở cửa. Sau khi họ đi thì ra lấy đồ để không tiếp xúc với nhau. Trong thời gian cách ly, chỉ khi nào thấy có triệu chứng sốt, ho, khó thở thì lực lượng y tế sẽ đến đưa đi điều trị.

Như tôi đã nói, cách ly tại nhà nhưng vẫn phải tuân thủ theo các quy định của ngành y tế, có sự cam kết, nếu có biểu hiện vi phạm thì lại phải vào khu cách ly tập trung. Ở nước ngoài, họ để cho cách ly ở nhà, ốm thì đưa đi bệnh viện. Vì dịch còn lâu dài và chúng ta cần có những thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch.

Dịch kéo dài mà F1 cứ cách ly tập trung dài ngày vậy thì làm việc thế nào. Một vấn đề có thể nhìn nhận thấy rất rõ ví dụ như y, bác sĩ là đối tượng F1. Nếu đưa họ cách ly tập trung vào một chỗ vậy ai cứu chữa cho bệnh nhân? Cứ để cho họ ở đó làm việc, sử dụng các biện pháp an toàn như đeo khẩu trang, khử khuẩn thì cũng hoàn toàn yên tâm không lo lây cho bệnh nhân. Như thế mới có người để chống dịch.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thí điểm F1 cách ly tại nhà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO