Thi sĩ Hoàng Lộc và bài thơ 'Viếng bạn'

Ngô Vĩnh Bình 13/07/2020 11:00

Mấy mươi năm đã qua đi kể từ khi Hoàng Lộc nằm xuống (1949), nhưng tiếng súng, tiếng thét xung phong trong tác phẩm “Chặt gọng kìm đường số 4”, cũng như tiếng nấc nghẹn trong “Viếng bạn” của ông vẫn còn văng vẳng đâu đây.

Nhà thơ Hoàng Lộc thời học sinh trường Bưởi.

Không khí sục sôi của những ngày chuẩn bị Cách mạng tháng Tám và toàn quốc kháng chiến đã thôi thúc lớp trí thức trẻ như Hoàng Lộc (khi ấy đang học tú tài) lên chiến khu, tòng quân theo kháng chiến. Lên chiến khu, Hoàng Lộc được phân công công tác tại báo Xông pha của Quân khu 12 đặt trụ sở tại Nhã Nam (Yên Thế - Bắc Giang). Cùng làm việc với ông có nhà thơ Vân Đài, họa sĩ Quang Phòng, nhạc sĩ Văn Chung, nhà văn Nguyễn Địch Dũng... Được là phóng viên mặt trận của báo, ông rất vui với công tác mới mẻ này. Khi ta quyết định mở chiến dịch Việt Bắc (Thu đông 1947) cùng với bộ đội ông có mặt ngay ở mặt trận đường số 4.

Cuộc sống bộ đội, cuộc sống kháng chiến bận rộn, gian khổ và ác liệt đã dần dà tôi luyện ông trở thành một thanh niên cứng cỏi, can trường. Chưa đầy ba năm đi kháng chiến, sống cùng bộ đội, nhà thơ trẻ đất Hà thành Hoàng Lộc đã tìm thấy được một niềm tin, một niềm say mới. Nhà phê bình văn học Nhị Ca - người cùng thời, cùng trong một tòa soạn báo với Hoàng Lộc nhớ lại: "Gian khổ bắt đầu, nhưng lòng tin tuyệt đối vào tương lai của cách mạng lại vô cùng mạnh mẽ, sức trẻ bất chấp mọi thách thức, cứ làm việc không biết mệt. Đáng nhớ hơn nhiều là không khí những đêm khuya, trên cái nền âm thanh rì rào xáo động, điểm tiếng mang tác, hổ gầm, tiếng em giã gạo điểm nhịp ngoài suối dưới ánh nến nhựa trám bập bùng tuôn khói khét lẹt, Hoàng Lộc cởi trần, đầm đìa mồ hôi ngồi viết “Chặt gọng kìm đường số 4”, trong đó có bài thơ “Viếng bạn” với những dòng chữ to như hòn bi, trên tập giấy bản hút mực nhòe nhoẹt. Anh vừa cùng Đông Hoài từ biên giới trở về, sau khi; đã dự trận Bông Lau. Mắt anh sáng lên một cách kỳ lạ, ánh sáng của phút phân thân sáng tạo và của cơn sốt âm ỉ báo hiệu anh chớm bị bệnh lao". (Nhị Ca - bài “Bắt đầu từ đội xung phong trung đoàn”, báo Văn nghệ, số 504, ngày 21/6/1973).

Và cũng từ những phút phân thân sáng tạo như thế, với bút danh: Hoàng Lộc, Xung kích H., Súng kíp hỏng... Ông đã viết rất nhiều bài tin, phóng sự và thơ in trên các tờ Xông pha, Bắc Sơn của Vệ quốc quân các Liên khu XII, Liên khu I rồi báo Vệ quốc quân Trung ương, cơ quan của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam. Bằng tác phẩm của mình, tên tuổi Hoàng Lộc đã trở nên rất gần gũi với cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang ta. Nhưng oái oăm thay, cũng chính từ những cuộc đi và viết đó, ông đã mắc trọng bệnh. Ông mắc trọng bệnh đúng khi có quyền định điều động về làm phóng viên tờ Vệ quốc quân Trung ương (tức báo Quân đội nhân dân ngày nay), và vừa nhận được giấy triệu tập về tham dự hội nghị tuyên truyền văn hóa - văn nghệ toàn quân do Cục Chính trị - tức Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay, tổ chức tại một địa điểm dưới chân núi Tam Đảo (1949).

Kể từ khi tác giả bài “Viếng bạn” nằm xuống (29/11/1949) phải đến 35 năm sau, năm 1984 (ngày 23/5), ông mới được truy phong liệt sĩ và được Nhà nước tặng bằng Tổ quốc ghi công, sau đó được truy tặng Huy chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam, được đưa vào sách “Chân dung các nhà báo liệt sĩ”, sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại”... Những vinh dự này tuy muộn mằn nhưng là sự ghi nhận của Tổ quốc đối với những cống hiến của Hoàng Lộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và trong sự nghiệp báo chí, văn nghệ cách mạng; đồng thời cũng là biểu hiện tình thương yêu, lòng trân trọng của người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng đông đảo bạn đọc đối với ông.

Bìa cuốn phóng sự “Chặt gọng kìm đường số 4” (1950), trong đó có bài thơ “Viếng bạn".

Ông mất khi tuổi đời còn rất trẻ, 27 tuổi, trên một chặng đường công tác gian khổ; giữa lúc đang ở “tuổi thanh niên hứa hẹn rất nhiều triển vọng" (Cáo phó của báo Vệ quốc quân); giữa lúc đất nước đang ngập chìm trong khói lửa của cuộc chiến tranh, gia đình ly tán, chưa có vợ có con, thậm chí chưa có người thương - bạn gái; "quê hương thì có cửa nhà thì không" vì người anh trai duy nhất còn sống đã chuyển cả gia đình vào Nam trước khi Hà Nội được giải phóng, trước khi ký Hiệp định Giơnevơ. Tuy vậy, hình ảnh ông, tác phẩm của ông vẫn vượt qua thời gian, vượt qua những tháng năm binh lửa, chia ly để còn mãi trong ký ức người thân, bè bạn, đồng nghiệp, đồng đội và bạn đọc. Tên tuổi ông còn được lưu giữ trên quê hương Châu Khê, trong nhà thờ gia tộc họ Hoàng, còn trong căn nhà tĩnh mịch ở đường Võ Duy Nghi (đường Lê Lợi hiện nay) Thành phố Hồ Chí Minh - nơi sinh thời người anh duy nhất của ông, người hết mực yêu thương và kỳ vọng ở ông, cụ Hoàng Nhật Tiến từng cư ngụ... Và ở nơi yên nghỉ cuối cùng của ông là nghĩa trang liệt sĩ xã Đồng Quế, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc

***

Văn phẩm của Hoàng Lộc để lại cho chúng ta không chỉ có bài thơ “Viếng bạn”, không chỉ có những bài báo được ký với các bút danh Xung kích H., Súng kíp hỏng, H.H, Lộc... in trên các tờ báo của lực lượng vũ trang xuất bản ở chiến khu những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1947, 1948, 1949, 1950). Hoàng Lộc không thuộc số những nhà thơ chỉ có một bài, không nằm trong số các hiện tượng thơ gọi là “hiện tượng một bài". Ông là một tác giả. Ông có những tập thơ, tập văn có giá trị.

Nói về văn phẩm của Hoàng Lộc xuất bản trước ngày Giải phóng Thủ đô, trong bài “Đọc những bài thơ viết về bộ đội 1944-1974” in trên tờ Tác phẩm mới số 43, 44 (tháng 11 và 12/1974), nhà thơ Xuân Diệu viết: "Bài thơ (Viếng bạn - N.V.B) lúc ấy còn chưa biết tác giả là ai đến Hội nghị Văn nghệ bộ đội năm 1949 mới biết được cái điều vui này: Hoàng Lộc, một thi sĩ trẻ trước Cách mạng tháng Tám, đã từng làm thơ "cũ” nay trong quân đội".

Bài “Viếng bạn” lần đầu tiên được in nguyên văn thế này:

Hôm qua còn theo anh
Đi ra đường quốc lộ
Hôm nay đã chặt cành
Đắp cho người dưới mộ.
Đứa nào bắn anh đó?
Sáng nào nhằm trúng anh?
Khôn thiêng xin chỉ mặt,
Gọi tên nó ra, anh!
Tên nó là đế - quốc?
Tên nó là thực - dân?
Nó là thằng thổ - phỉ?
Hay là đứa Việt - gian?
Khóc anh không nước mắt
Mà lòng đau như thắt
Gọi anh chửa thành lời
Mà hàm răng dính chặt.
Ở đây không gỗ ván!
Vùi anh trong tấm chăn
Của đồng bào Cửa - Ngăn
Tặng tôi hồi phân tán.
Mai mốt bên cửa rừng
Anh có nghe súng nổ
Là chúng tôi đang cố
Tiêu diệt kẻ thù chung.

Kể từ khi ra đời trong sách “Chặt gọng kìm đường số 4” và được in lần đầu tiên trên báo Văn nghệ số xuân năm 1950 đến nay, “Viếng bạn” đã in đi in lại tới cả trăm lần, in trên các báo, các tập thơ tuyển, các sách giáo khoa, in trong nước, in ở nước ngoài (ví dụ trong tạp chí Europe N387-388, Augut - 1961). Bài thơ đã được xem như là một trong những bài thơ hay nhất viết về tình đồng đội trong chiến đấu. Giá trị của bài thơ như thế nào thì đã được các nhà phê bình văn học, các thầy cô giáo phân tích, tìm hiểu. Nhưng có điều phải ghi nhận thêm là, ngay từ khi mới được công bố, bài thơ đã có tiếng vang rất lớn thức tỉnh trái tim của nhiều văn nghệ sĩ đầu quân kháng chiến trong những ngày đầu gian khổ hy sinh.

Bài thơ “Viếng bạn” còn có thể xem như một cái mốc, một bước đột phá trong đời thơ của Hoàng Lộc. Chỉ với Viếng bạn, chỉ bằng Viếng bạn, ông đã từ cõi mơ sang cõi thực, từ ủy mị yếu đuối tới khỏe khoắn, can trường, từ "đạo" qua "đời".

Và như thế “Viếng bạn” không còn là tiếng khóc của riêng Hoàng Lộc nữa mà đã là tiếng khóc của những người đồng chí khóc những người đồng chí, là tình cảm của đồng đội với đồng đội, "huynh đệ chi binh".

Bài “Viếng bạn” là kết quả của 3 năm tận tụy với kháng chiến, 3 năm lăn lộn trên các chiến trường, 3 năm sống cuộc đời chiến sĩ, vì chiến sĩ mà viết của Hoàng Lộc. Ghi nhận giá trị của “Viếng bạn” ngay từ năm 1950, tạp chí Văn nghệ đã giới thiệu: "Bài thơ dưới đây tha thiết tình đồng chí và hừng hực căm thù của một chiến sĩ không rõ tên trên mặt trận đường số 4, được chép trong tập “Chặt gọng kìm đường số 4” của bạn Hoàng Lộc" (Văn nghệ số xuân 1950)…

Mấy mươi năm đã qua đi kể từ khi Hoàng Lộc nằm xuống (1949), nhưng tiếng súng, tiếng thét xung phong trong “Chặt gọng kìm đường số 4”, cũng như tiếng nấc nghẹn căm hờn trong “Viếng bạn” của ông vẫn còn văng vẳng đâu đây. Đọc lại những sáng tác của ông, người đọc hôm nay không nguôi nỗi nhớ về ông. Nhớ một thanh niên Hà Nội rất thư sinh; nhớ một thi sĩ trẻ đa cảm; nhớ một anh Vệ quốc quân mũ sắt, áo trấn thủ "36 đường gian khổ”; nhớ một đồng chí "nhà báo trên khu với chiếc ba lô chiến lợi phẩm, chiếc máy ảnh cũ kỹ; nhớ một ngòi bút - chiến sĩ đã sống cuộc đời chiến sĩ, vì chiến sĩ mà viết, viết cho chiến sĩ.

Cuộc đời chiến đấu, cuộc đời cầm bút của Hoàng Lộc không dài, vẻn vẹn chưa đầy 3 năm, và ông mất khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Hoàng Lộc đã nêu một tấm gương sáng cho mỗi người cầm bút. Cùng với Trần Mai Ninh, Thâm Tâm, Thôi Hữa, Trần Đăng... Những "văn nghệ binh thứ nhất hy sinh nơi chiến trường", tên tuổi của Hoàng Lộc gắn liền với văn thơ kháng chiến, gắn liền với văn thơ viết về bộ đội Cụ Hồ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi sĩ Hoàng Lộc và bài thơ 'Viếng bạn'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO