Thí sinh cần biết những thay đổi của các kỳ thi riêng trong năm 2023

Nguyễn Hoài 03/01/2023 14:11

Thời điểm này, một số trường đại học đã công bố về kế hoạch tổ chức kỳ thi riêng. Dự kiến, mùa thi sẽ được khởi động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Thí sinh không cần học thêm

Năm nay, thí sinh mong muốn trở thành giáo viên trong tương lai sẽ có thêm cơ hội xét tuyển với một kỳ thi riêng. Từ năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực độc lập để xét tuyển đại học hệ chính quy, nhằm đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, gia tăng cơ hội trúng tuyển và phân loại tốt hơn năng lực của thí sinh.

Thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, điều kiện đăng ký dự thi là thí sinh có điểm tổng kết các học kỳ từ 6,5 trở lên, hạnh kiểm khá trở lên ở bậc THPT.

Đề thi sẽ gồm các môn: Toán, Lý, Hóa, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Tiếng Anh. Trong đó, môn Toán và Ngữ văn thi trong 90 phút, các môn còn lại thi trong thời gian 60 phút. Đề thi gồm hai phần tự luận và trắc nghiệm, trong đó 70% là thi trắc nghiệm, 30% thi tự luận. Riêng môn Ngữ văn sẽ có cấu trúc ngược lại với 30% thi trắc nghiệm và 70% thi tự luận.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực tại Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2022.

Nhằm giảm bớt việc phải di chuyển của thí sinh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến sẽ được tổ chức kỳ thi thành nhiều đợt vào cuối tháng 4 hoặc tháng 5 và có thể tổ chức ở cả các tỉnh, thành khác ngoài Hà Nội. Đồng thời, thí sinh cũng có thể đăng ký thi nhiều đợt để cải thiện điểm số.

GS.TS Nguyễn Văn Minh khẳng định thí sinh không cần đi học thêm, chỉ cần nắm chắc kiến thức trong chương trình là có thể làm tốt bài thi đánh giá năng lực của trường.

Thông tin từ Đại học Bách Khoa Hà Nội, đề thi đánh giá tư duy năm 2023 sẽ thay đổi để hướng tới đối tượng thí sinh rộng hơn. Trong đó, 3 điểm thay đổi lớn nhất là giảm thời gian thi từ 270 phút xuống còn 150 phút, bỏ phần thi tự luận và thi nhiều đợt trong năm trên máy tính. Mục đích Đại học Bách khoa Hà Nội thay đổi nội dung đề thi tư duy nhằm mở rộng việc sử dụng kết quả bài thi cho các trường thuộc khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp và y dược, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trước ý kiến lo ngại chất lượng thí sinh giảm khi kỳ thi bỏ phần thi tự luận, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, yếu tố tự luận không bị xoá sổ hoàn toàn mà thay vào đó, các câu hỏi đánh giá tư duy được thiết kế theo bốn dạng trắc nghiệm, gồm chọn đáp án, trả lời đúng - sai, kéo thả và điền vào chỗ trống. Việc thay đổi hình thức tổ chức, thiết kế câu hỏi và chuyển từ thi trên giấy sang máy tính giúp quá trình chấm điểm, trả kết quả nhanh và chính xác hơn, tiệm cận các kỳ thi quốc tế như SAT, ACT.

Dự kiến, 3 đợt thi đánh giá tư duy năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức vào tháng 5, 6 và 7. PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết thêm, trường dự kiến dành 50% chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023 từ kết quả thi đánh giá tư duy.

Mở rộng cơ hội xét tuyển

Về kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS.TS Nguyễn Văn Minh, cho biết, dự kiến ít nhất 8 trường đại học khối ngành Sư phạm sẽ sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.

Năm nay, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với hai đợt thi vào tháng 4 và tháng 6/2023. Trong tháng 1 trường sẽ công bố chi tiết về kỳ thi và có thông tin chính thức về một số trường sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.

Trường đại học tư vấn tuyển sinh cho thí sinh.

Đáng chú ý, năm nay, hai trường Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Sư phạm Hà Nội thống nhất quyết định công nhận chéo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau. Nghĩa là thí sinh muốn xét tuyển vào trường này có thể dự thi kỳ thi của trường kia rồi sẽ được công nhận, xét tuyển như đối với các thí sinh khác và ngược lại. Còn với các trường đại học khối ngành Sư phạm không tổ chức thi riêng, sẽ sử dụng đồng thời kết quả của hai trường để làm nguồn xét tuyển đầu vào.

Năm 2023, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có nhiều thay đổi. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trường sẽ có những điều chỉnh về hành chính như: giới hạn số lần dự thi, tăng chế tài xử phạt thí sinh vi phạm quy chế thi, lệ phí đăng ký dự thi và thi.

Cụ thể, thí sinh chỉ đăng ký thi tối đa 2 lượt/năm, mỗi lần thi cách nhau tối thiểu 28 ngày. Ngoài ra, lệ phí thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là 500.000 đồng/lượt thi, tăng 66% so với năm ngoái.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết, lệ phí thi đánh giá năng lực được xây dựng trên nguyên tắc tính đúng, đủ chi phí tổ chức trên quy mô lớn, phải thuê khoán hạ tầng, nhân lực và bổ sung 25% câu hỏi mới vào ngân hàng đề thi mỗi năm.

Năm ngoái, hơn 60 trường đại học, học viện dùng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển. Từ dữ liệu thi đánh giá năng lực năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nghiên cứu đề xuất công cụ chuyển đổi điểm bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và điểm bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

“Do đó, có thể nhiều trường đại học phía Nam sẽ sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Tương tự, các trường đại học phía Bắc có thêm cơ hội thu hút thí sinh từ miền Nam ra học từ nguồn tuyển thí sinh dự thi đánh giá năng lực”, ông Thảo thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thí sinh cần biết những thay đổi của các kỳ thi riêng trong năm 2023

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO