Thi THPT quốc gia 2020: Đảm bảo công bằng, khách quan

Dung Hòa 07/02/2020 07:42

Theo tinh thần Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp năm 2020 vừa được Bộ GDĐT công bố, lấy ý kiến, tới đây sẽ có thêm nhiều quy định mới tại kỳ thi này. Trước những băn khoăn lo lắng của học sinh và phụ huynh, GS.TS Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho hay: Kỳ thi giữ ổn định, giảm căng thẳng nhưng sẽ đảm bảo nghiêm túc, khách quan.

Thi THPT quốc gia 2020: Đảm bảo công bằng, khách quan

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 tại Hà Nội.

Siết chặt kỷ luật phòng thi

Theo tinh thần Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp năm 2020 vừa được Bộ GDĐT công bố, lấy ý kiến (đến hết ngày 10/3), tới đây sẽ có thêm trường hợp bị hủy bỏ kết quả thi THPT quốc gia. Theo Dự thảo này, Khoản 5 Điều 49 được bổ sung thêm một nội dung: Thí sinh bị đình chỉ thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ bị hủy bỏ kết quả thi.

Theo quy định hiện hành, chỉ có 3 trường hợp bị hủy kết quả thi THPT quốc gia. Một là, thí sinh có 2 bài thi trở lên bị điểm 0 do phạm lỗi theo quy định. Hai là, viết, vẽ vào tờ giấy thi những nội dung không liên quan đến bài thi. Ba là, để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp.

Trước đó, trong các kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh bị đình chỉ do vi phạm một số điều trong quy chế chỉ bị lập biên bản, cảnh cáo hoặc không cho tiếp tục thi các môn khác. Mặc dù vậy mới chỉ dừng lại ở đình chỉ và chưa có quy định cụ thể việc xử lý điểm thi với thí sinh này. Như vậy, nếu quy định này được ban hành, áp dụng sẽ giúp việc quản lý chặt chẽ hơn, xử lý sai phạm và mang tính răn đe mạnh hơn với những thí sinh vi phạm trong kỳ thi THPT quốc gia.

Một điểm mới nữa trong Dự thảo Thông tư lần này, Bộ GDĐT yêu cầu các Hội đồng chấm thi phải “tuyệt đối giữ bí mật về quan hệ giữa số báo danh và thông tin cá nhân của thí sinh với số phách”. Cán bộ đánh phách phải được cách ly tuyệt đối từ khi thực hiện nhiệm vụ đánh phách đến khi hoàn thành việc chấm phúc khảo. Khi thực hiện các công việc liên quan đến phúc khảo, phải có ít nhất từ hai thành viên của ban phúc khảo trở lên và có sự giám sát của cán bộ thanh tra.

Đề thi tiến tới đánh giá năng lực, phẩm chất người học

Trước những băn khoăn của học sinh về việc ôn tập trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020, ông Mai Văn Trinh cho biết: Phương thức thi THPT quốc gia năm 2020 về cơ bản giữ ổn định như năm 2019. Việc tổ chức thi tuân thủ các nguyên tắc: không gây xáo trộn đối với việc dạy học của giáo viên, học sinh lớp 12, tổ chức gọn nhẹ, hạn chế tốn kém, căng thẳng cho xã hội, đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, đảm bảo kết quả thi tin cậy để sử dụng vào các mục đích xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở đào tạo sử dụng trong tuyển sinh. Bộ GDĐT tiếp tục rà soát, hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa tiêu cực thi ở tất cả các khâu của kỳ thi, đặc biệt là khâu coi thi, chấm thi...

Mục đích và yêu cầu của kỳ thi nhằm đánh giá được kết quả học tập ở bậc học THPT theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình. Đồng thời với việc sử dụng kết quả để công nhận tốt nghiệp THPT, kỳ thi cũng tác động tích cực trở lại đối với quá trình đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường. Ngoài ra, đề thi bảo đảm có độ phân hóa phù hợp để cung cấp dữ liệu tin cậy cho các cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Như vậy, kỳ thi THPT quốc gia năm nay vẫn có 5 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Trong số này, chỉ có môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại vẫn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, kể cả với môn Toán. Bộ GDĐT chủ trì, chỉ đạo các trường ĐH chấm bài thi trắc nghiệm của thí sinh; việc chấm bài thi tự luận do sở GDĐT đảm nhận.

Ông Trinh cũng nhấn mạnh: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 vẫn nằm trong lộ trình đổi mới đánh giá học sinh, theo đánh giá năng lực người học. Đề thi THPT quốc gia nằm trong nội dung chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12. Tuy nhiên, trong các năm qua, Bộ GDĐT đã có những điều chỉnh về phương thức thi, nội dung thi, trong đó chú trọng đến cách tiếp cận với định hướng đánh giá năng lực, phẩm chất người học, gắn kiến thức với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn, khuyến khích học sinh có suy nghĩ độc lập, sáng tạo.

Việc chuẩn hóa câu hỏi thi trong kỳ thi THPT quốc gia với các bài thi hướng dần tới việc đánh giá toàn diện học sinh cũng phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Ngày càng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi, trên cơ sở tham khảo các mô hình tổ chức thi của các tổ chức khảo thí quốc tế có uy tín, từng bước tiếp cận xu hướng thi/tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới.

Sau mỗi kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT đều có đánh giá nghiêm túc việc thực hiện, phân tích những ưu điểm, hạn chế, rút kinh nghiệm để tổ chức tốt kỳ thi năm sau. Trong đó có các giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa tiêu cực. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 về cơ bản đã khắc phục được những điểm bất cập từng xảy ra trong năm 2018. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 tiếp tục duy trì các giải pháp đã phát huy hiệu quả. Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia 2020, Bộ GDĐT cũng đã có văn bản yêu cầu các sở GDĐT chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện cần thiết để tổ chức tốt kỳ thi; xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi.

Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, liên quan đến tiến độ năm học, tiến độ của kỳ thi THPT quốc gia 2020 do học sinh được nghỉ học phòng dịch viêm phổi cấp, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay: Đối với kỳ thi THPT quốc gia thường tổ chức vào cuối tháng 6, nếu tình hình đặc biệt, Bộ sẽ xem xét, có thể điều chỉnh thời gian tổ chức thi sao cho phù hợp với thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi THPT quốc gia 2020: Đảm bảo công bằng, khách quan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO