Thi THPT quốc gia 2020: Đề thi tham khảo 'dễ thở'

Lam Nhi 06/04/2020 08:00

Bộ GDĐT vừa công bố đề thi tham khảo THPT quốc gia 2020. Theo nhận định của nhiều thầy cô giáo, đề thi “vừa sức” với các thí sinh.

Thi THPT quốc gia 2020: Đề thi tham khảo 'dễ thở'

Thí sinh thi THPT quốc gia. Ảnh minh họa.

TS Sái Công Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), Trưởng ban điều hành xây dựng đề thi tham khảo THPT quốc gia năm 2020, đề tham khảo được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học mà Bộ GDĐT đã công bố.

Lo “cơn mưa điểm 10” môn Toán

Ngay sau khi công bố nội dung tinh giản chương trình, đề thi tham khảo THPT Quốc gia 2020 ở các môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Giáo dục công dân, Địa lý, Lịch sử, Sinh học, Tiếng Anh, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Pháp, Tiếng Nhật, Tiếng Nga cũng được Bộ GDĐT công bố.

Cô Nguyễn Thị Kim Anh - giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, TP Hà Nội) nhận định, đề thi Ngữ văn có cấu trúc ổn định như năm 2019 và các năm trước, nhưng vừa sức với học sinh (HS) hơn. Về kiến thức tổng thể, đề thi đã đưa ra vấn đề từ cuộc sống và vấn đề văn học khá phù hợp với tâm lý và khả năng của đông đảo HS. Ở phần đọc hiểu, trừ câu yêu cầu mức thông hiểu thì độ mở của đề đều có ở các câu hỏi còn lại, với mức độ khác nhau, trong đó riêng câu 4: “Chúng ta đều mắc sai lầm nhưng điều đó không phủ nhận những cống hiến của chúng ta trong đời? Vì sao?” được coi là câu hỏi mở ra nhiều tầng suy nghĩ cho học sinh. Theo đánh giá của cô Kim Anh, đây cũng là câu hỏi mang tính chất phân hóa của đề do nếu không suy nghĩ thật kỹ, các em dễ bị rơi vào tình huống viết một cách sáo rỗng…

Trong khi đó, nhiều giáo viên dạy Toán cho rằng đề thi tham khảo môn này có tới 70% là các câu đơn giản và quen thuộc nên có cảm giác nhàn nhạt, dễ gây chủ quan cho HS ôn thi. Thầy Trần Mạnh Tùng- giáo viên dạy Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) phân tích, đề gồm 50 câu thì 35 câu đầu gần như chỉ ở mức độ nhận biết, 20 câu tiếp theo có sự phân hóa nhưng không gây khó khăn cho HS khá, giỏi. Đề thi không có câu nào có tính ứng dụng thực tế, không có câu nào đòi hỏi tính sáng tạo, thông minh của HS. Vì vậy, nhiều ý kiến lo ngại nếu đề thi thật cũng tương tự sẽ có thể xảy ra hiện tượng cơn mưa điểm 10 như năm 2017.

Ở môn Tiếng Anh, theo nhận định của các thầy cô giáo Tổ bộ môn Tiếng Anh- Hocmai, nội dung các câu hỏi trong đề tham khảo môn Tiếng Anh thuộc chương trình lớp 11 và lớp 12, trong đó tập trung chủ yếu vào lớp 12 (90%). Chủ đề các bài đọc nằm trong sách giáo khoa Tiếng Anh lớp 11 và 12, bao gồm: Family life, Higher education và Environment.

Về mức độ khó của các câu hỏi: Các câu hỏi dễ và trung bình vẫn là các câu hỏi về kiến thức ngữ pháp. Các câu hỏi khó thường tập trung vào các câu hỏi về word choice, idioms. Nhóm câu hỏi thuộc phần dưới 5 điểm rơi vào các kiến thức rất cơ bản, chủ yếu tập trung vào các kiến thức ngữ pháp lớp 12. Nhóm câu hỏi thuộc phần trên 5 điểm nằm tập trung vào một số câu ngữ pháp khó dạng bài hoàn thành câu và từ vựng, nằm rải rác ở các dạng bài… HS cần chú ý đến các câu hỏi suy luận, tìm ý chính của bài để tránh nhầm lẫn.

Tương tự, các môn như Vật lý, Hoá học, Sinh học giáo viên đánh giá, bộ câu hỏi có sự thay đổi khá lớn so với đề thi chính thức năm trước. Lượng câu hỏi nằm trong chương trình học kỳ I tăng lên, các câu hỏi khó cũng tập trung kiến thức học kỳ I. Số lượng câu hỏi thuộc lớp 11 chỉ chiếm khoảng 10%.

Kết hợp tự ôn tập và học qua truyền hình, internet

Về định dạng và cấu trúc của đề thi tham khảo năm 2020 so với đề thi tham khảo và cả đề thi chính thức năm 2019, TS Sái Công Hồng thông tin, độ khó đã “nhẹ nhàng” hơn. Cụ thể, khoảng 70% câu hỏi thuộc nội dung kiến thức cơ bản; 20% câu hỏi mức độ vận dụng và 10% câu hỏi ở mức vận dụng cao. Nội dung đề thi chủ yếu thuộc chương trình lớp 12, có một phần nhỏ kiến thức của nội dung chương trình lớp 11.

Các câu hỏi trong mỗi đề thi của hầu hết các môn thi đều được sắp xếp theo từng nhóm về độ khó và lần lượt từ dễ đến khó. Càng về cuối mỗi đề thi, các câu hỏi càng có tính phân loại ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao.

TS Sái Công Hồng khuyên HS lớp 12 nên tận dụng tối đa thời gian để học tập và ôn luyện thật chắc kiến thức cơ bản, từ đó “ăn điểm” tối đa 70% câu hỏi của toàn bài. Thời gian tới, các em cần vừa tự rà soát, hệ thống hóa kiến thức cơ bản của chương trình THPT, tập trung chủ yếu vào nội dung chương trình lớp 12; vừa cố gắng tận dụng tối đa các bài giảng qua internet và truyền hình để nắm bắt và lĩnh hội đầy đủ các kiến thức phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia. Ngoài bài giảng trên truyền hình của các Đài Phát Thanh - Truyền hình địa phương, HS nên theo dõi thêm các chương trình dạy học và ôn tập kiến thức trên Đài tỉnh khác và kênh truyền hình giáo dục quốc gia (VTV7) với các nội dung do Bộ GDĐT phối hợp thực hiện.

Về phía các thầy cô giáo, cô Nguyễn Thị Kim Anh cũng cho rằng căn cứ vào đề thi tham khảo đã công bố, các thầy cô giáo dạy Ngữ văn đã có gợi ý, “định hướng” cách dạy, cách ôn mùa thi THPT Quốc gia năm 2020.

Trước mắt, có thể tư vấn hoặc tổ chức cho HS thi thử đề tham khảo thi THPT quốc gia qua mạng intrernet, để các em làm quen với cấu trúc đề, cách thức thi, rèn luyện về tâm lý thi cử cho học sinh. Cách làm này cũng giúp các em hình thành kinh nghiệm trong việc kiểm soát, làm chủ thời gian cho mỗi bài thi, rèn luyện khả năng tập trung cao độ trong một khoảng thời gian dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi THPT quốc gia 2020: Đề thi tham khảo 'dễ thở'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO