Thi THPT quốc gia: Đảm bảo động lực học tập

Dung Hòa 13/04/2020 08:00

Việc có nên tổ chức thi THPT quốc gia 2020 hay không đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận. Theo quan điểm của các chuyên gia giáo dục, giáo viên và cả phụ huynh, tổ chức thi THPT quốc gia sẽ tốt hơn không thi, bởi điều này góp phần tạo động lực học tập tiếp cho học sinh (HS), giúp đảm bảo ổn định chất lượng giáo dục.

Thi THPT quốc gia: Đảm bảo động lực học tập

Nên giữ kỳ thi THPT quốc gia trong tình huống có thể.

Các địa phương chủ động

Cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ đã thông tin kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 vẫn sẽ diễn ra như dự kiến - nếu HS có thể trở lại trường trước ngày 15/6. Trước đó Bộ đã ban hành hướng dẫn tinh giản chương trình học phổ thông, giữ lại nền tảng cốt lõi để khi kết thúc năm học, HS vẫn đủ kiến thức lên lớp được. Những vấn đề còn thiếu sẽ được bù trong đầu năm học tới. Còn nếu HS đi học trở lại chậm hơn ngày 15/6 thì sẽ có phương án trình Quốc hội để có sự điều chỉnh phù hợp. Về vấn đề này, Bộ GDĐT sẽ có văn bản trình Chính phủ.

Thông tin từ các Sở GDĐT địa phương cũng cho biết, nhằm giúp HS ổn định tâm lý, các nhà trường đã chủ động hướng dẫn các em học, ôn tập để sẵn sàng tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2020.

Theo ông Lương Văn Việt- Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hải Dương, từ ngày 2/3 địa phương đã cho học sinh THPT đi học trở lại. Đến thời điểm cả nước thực hiện lệnh giãn cách xã hội, học sinh THPT của Hải Dương đã học tập trung tại trường được 4 tuần. Tại Nam Định, từ ngày 2/3 học sinh THPT đi học trở lại cho đến ngày 23/3 khi tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam phức tạp hơn. Báo cáo về Sở GDĐT tỉnh, đa số trường phổ thông cho biết, còn cần 8-9 tuần để hoàn thành chương trình giáo dục.

Tương tự như vậy, cho dù khó khăn hơn trong điều kiện tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình với các thành phố lớn, nhưng trên thực tế so với Hà Nội, TPHCM, từ sau kỳ Tết đến nay một số tỉnh miền núi phía Bắc lại thuận lợi hơn khi đã tổ chức dạy học trực tiếp cho HS được nhiều tuần. Đơn cử tỉnh Bắc Kạn, học sinh THPT đã học được hơn 1 tháng kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tỉnh Hà Giang đã cho HS đi học ở trường được 3 tuần trước khi thực hiện giãn cách xã hội, nên tiến độ thực hiện chương trình của Hà Giang đã nhanh hơn một số địa phương như Hà Nội, TPHCM khi HS phải nghỉ học suốt từ Tết đến nay. Với chương trình đã tinh giản, HS lớp 12 của Hà Giang còn cần 6-8 tuần là hoàn thành chương trình. Do đó, mốc 15/7 kết thúc năm học, địa phương này hoàn toàn đáp ứng được.

Đại diện Sở GDĐT các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Hải Dương… đều cho rằng, năm 2020 vẫn tiến hành thi THPT quốc gia sẽ tốt hơn là bỏ thi. Bởi có nhiều hệ luỵ nếu không tổ chức kỳ thi này, quyết định không tổ chức thi THPT quốc gia sẽ khiến HS không có động lực học tập tiếp các nội dung kiến thức còn lại của học kỳ 2.

Cần nhiều phương án

Ý kiến của các chuyên gia về kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 hiện tập trung vào 2 phương án gồm: vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia; hoặc giao cho các địa phương, cụ thể là các trường tổ chức xét tốt nghiệp. Với phương án vẫn tổ chức kỳ thi, các chuyên gia đề xuất kỳ thi THTP quốc gia năm 2020 của Bộ GDĐT không thể tổ chức giống như mọi năm nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài mà cần có sự điều chỉnh về thời gian thi, số lượng môn thi, nội dung đề thi … sao cho phù hợp với điều kiện học tập của HS. Với phương án giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT, thì việc tuyển sinh ĐH- CĐ sẽ để các trường tự tổ chức. Lý do là hiện các trường ĐH- CĐ có nhiều phương thức để xét tuyển sinh chứ không nhất thiết phải xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia.

Ông Trần Quốc Bình- Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội cho rằng, việc có tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay hay không còn tùy thuộc vào thời gian HS quay trở lại trường học. Vì vậy ông đề xuất 3 phương án cho kỳ thi này: Nếu như hết tháng 4 này mà hết dịch, HS trở lại trường học thì vẫn nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 4 môn thi. Còn nếu dịch kéo dài đến hết tháng 5 thì nên thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, nên bỏ môn thứ 4. Nếu hết tháng 5 vẫn còn dịch thì không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nữa. Tất nhiên việc không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm học này đòi hỏi phải có sự đồng ý của Quốc hội. Như vậy có lẽ là Bộ GDĐT nên chuẩn bị các phương án khác nhau, trong đó có phương án không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Theo quan điểm của TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Bộ GDĐT cần có nhiều phương án đặt ra đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Nhưng vào thời điểm này, thì chưa nên vội nói chuyện bỏ thi, dẫn tới tâm lý HS buông không học. Ông Khuyến tin rằng cơ quan quản lý nhà nước sẽ có tính toán phù hợp, vì vậy, người học phải quyết tâm học, không nên thụ động ngồi chờ khi nào bỏ thi.

TS Lê Viết Khuyến phân tích thêm, trong tình huống có thể ta vẫn nên giữ kỳ thi THPT quốc gia, nhưng năm nay đề thi nên giảm mạnh phần câu hỏi nâng cao, chỉ tập trung thi các nội dung cơ bản. Các nội dung học kỳ 2 không học thì không đưa vào đề thi. HS học được đến đâu thi đến đó. Trong trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh vẫn kéo dài, biện pháp cách ly xã hội còn chưa được dỡ bỏ nên thí sinh không thể đến điểm thi, thì mới nên thay thế thi bằng một phương án công nhận tốt nghiệp phù hợp…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi THPT quốc gia: Đảm bảo động lực học tập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO