Thi THPT quốc gia năm 2019: Thay đổi để tăng tính ưu việt

Hàn Minh 12/02/2019 09:00

Trong lúc mà kỳ thi THPT quốc gia 2019 chỉ còn vài tháng nữa là diễn ra, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, trong đó bao gồm nhiều giải pháp kỹ thuật được đưa ra để xin ý kiến góp ý rộng rãi.

Thi THPT quốc gia năm 2019: Thay đổi để tăng tính ưu việt

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Hơn 4 tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ diễn ra. Năm nay, Bộ GDĐT dự kiến sửa đổi những điểm quan trọng ở khâu kỹ thuật nhằm khắc phục tối đa tiêu cực có thể xảy ra.

Sử dụng camera an ninh trong bảo quản đề và bài thi

Theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT mà Bộ GDĐT vừa công bố, nhiều giải pháp kỹ thuật được đưa ra để xin ý kiến góp ý rộng rãi.

Cụ thể, đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày; đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ. Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, thời gian tối thiểu lưu dữ liệu của camera thực hiện theo văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế này...

Những điều chỉnh này được rút ra sau sự cố sửa điểm thi tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, nhìn lại tiêu cực ở Hà Giang, tuy rằng cơ quan chức năng đã lắp hệ thống camera giám sát để bảo vệ nơi lưu giữ bài thi và hồ sơ bài thi theo chế độ bảo mật; cửa khóa bằng hai khóa; đồng chí trưởng ban chấm thi giữ một chìa và trưởng ban thư ký giữ một chìa…

Tuy nhiên, khi Trưởng ban Thư ký hội đồng thi giao chìa khóa nơi lưu trữ bài thi cho người khác trực tiếp sửa điểm cho các thí sinh cho thấy nếu như giữa 2 người cầm chìa khóa có trao đổi cùng nhau thì sẽ rất khó để kiểm soát được. Vì vậy, việc lắp camera an ninh 24/24h là cần thiết, bên cạnh đó cần có sự vào cuộc của lực lượng công an nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối hiện trạng các bài thi.

Các trường ĐH chấm bài thi trắc nghiệm

Theo Dự thảo, Bộ GDĐT giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các Hội đồng thi. Sở GDĐT địa phương chịu trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, tài chính; hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn hằng năm của Bộ GDĐT; phối hợp với lực lượng công an, bảo vệ đảm bảo an ninh, an toàn cho việc chấm thi trắc nghiệm.

Trường ĐH được Bộ GDĐT giao nhiệm vụ cử người (đúng thành phần quy định tại khoản này) để Giám đốc Sở GDĐT ra Quyết định thành lập Ban Chấm thi trắc nghiệm. Ban Chấm thi trắc nghiệm chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia. Thành phần của Ban Chấm thi trắc nghiệm gồm: Trưởng Ban Chấm thi trắc nghiệm là lãnh đạo Trường ĐH đảm nhiệm. Phó Trưởng Ban Chấm thi trắc nghiệm do lãnh đạo các phòng, ban thuộc trường ĐH đảm nhiệm. Các tổ chuyên môn của Ban Chấm thi trắc nghiệm gồm: Tổ Thư ký; Tổ Chấm bài thi trắc nghiệm; Tổ Giám sát, gồm ít nhất 3 người (1 Tổ trưởng và ít nhất 2 thành viên). Người có người thân dự thi trong năm tổ chức kỳ thi không tham gia Ban Chấm thi trắc nghiệm tại địa phương có người thân dự thi... Bộ GDĐT thực hiện thanh tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của Ban Chấm thi trắc nghiệm theo quy định của Quy chế.

Bộ GDĐT thực hiện thanh tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của Ban Chấm thi trắc nghiệm theo quy định của Quy chế này. Quy trình chấm thi chắc nghiệm được quy định chặt chẽ hơn, và giao về cho các trường ĐH chịu trách nhiệm chính.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tường- Giám đốc Sở GDĐT Phú Thọ cho rằng, Bộ cần xem xét đến việc giao hoàn toàn việc chấm thi bài thi trắc nghiệm cho các trường ĐH hay quy định phải có cán bộ của trường ĐH cùng tham gia giám sát việc chấm bài thi trắc nghiệm, làm phách bài thi tự luận? Dù theo hướng nào, Bộ cần sớm công bố kế hoạch tổ chức thi chi tiết, để các trường ĐH, CĐ được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi chủ động trong công tác nhân sự, chuẩn bị.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ phân tích, việc chấm các bài thi trắc nghiệm không mất nhiều thời gian như các bài thi tự luận, các cán bộ kỹ thuật từ các trường ĐH được phân công có thể phụ trách nhưng quan trọng nhất vẫn là việc nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép. “Hiện nay nhiều nước trên thế giới áp dụng hình thức “đánh phách” điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh. Bộ GDĐT có thể tham khảo hình thức này để thực hiện” - ông Nhĩ đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Nhĩ cũng cho rằng đối với các thí sinh, quan trọng nhất vẫn là đề thi THPT quốc gia 2019 sẽ có hình hài thế nào? Theo ông Nhĩ, phụ huynh và thí sinh lo lắng về ngân hàng đề thi chưa thực sự được chuẩn hóa? Quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi ra sao? Chất lượng đề thi trắc nghiệm khách quan ở một số môn thi chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra? Nhất là các bài thi tổ hợp hiện nay mới chỉ là sự lắp ghép cơ học của 3 môn học khác nhau mà chưa thể hiện tổ hợp kiến thức, gây áp lực cho thí sinh là điều Bộ GDĐT cần thay đổi để kỳ thi 2019 tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi THPT quốc gia năm 2019: Thay đổi để tăng tính ưu việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO