Thi tốt nghiệp THPT 2020: Chuẩn bị phương án ứng phó

Thu Hương 25/07/2020 07:51

Theo Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) PGS.TS Mai Văn Trinh, đến thời điểm này, các địa phương đều đang tập trung nguồn lực tốt nhất để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Theo kế hoạch, chậm nhất đến ngày 6/8/2020 tất cả các tỉnh thành sẽ hoàn tất khâu chuẩn bị.

 Đến thời điểm này, các địa phương đều đang tập trung nguồn lực tốt nhất để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Đến thời điểm này, các địa phương đều đang tập trung nguồn lực tốt nhất để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT, đến thời điểm này, công tác đăng ký dự thi của các thí sinh ở 63 tỉnh thành trong cả nước đã cơ bản hoàn tất. Quá trình đăng ký, thống kê số lượng thí sinh được thực hiện đảm bảo đúng quy chế, chính xác và vì quyền lợi cho các thí sinh.

Các địa phương đã chủ động, tích cực rà soát về trang thiết bị vật chất và chuẩn bị cho kỳ thi. Hoạch định kế hoạch để thiết lập các điểm thi, trong đó các địa phương cũng đã có phương án tính toán, dự phòng để sẵn sàng với các tình huống bất thường về thiên tai có thể xảy ra trong giai đoạn tháng 8 này. Nhất là ở các vùng dễ xảy ra lũ quét, lũ ống.

Đồng thời có những phương án để phòng, chống dịch, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro nhất định.

Sáng 24/7, Giám đốc Sở GDĐT Đồng Nai Huỳnh Lệ Giang, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh đã báo cáo với Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc và đoàn về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của tỉnh. Theo đó, năm nay toàn tỉnh có 28.380 thí sinh đăng ký dự thi, gần bằng với số lượng thí sinh dự thi của năm 2019. Trong số đó, có 23.796 thí sinh hệ THPT, 4.584 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do.

Đến nay, tỉnh đã huy động tối đa lực lượng chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, gồm: Cán bộ tổ chức thi, giáo viên coi thi, thanh tra; các lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, y tế, cung cấp điện, giao thông… Tổng số cán bộ, nhân viên, giáo viên được tỉnh huy động tham gia tổ chức và phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của tỉnh là trên 3.800 người.

Trước đó, chiều 23/7, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Kon Tum. Tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GDĐT Kon Tum cho biết, tỉnh có 4.317 thí sinh đăng ký dự thi tại 12 điểm thi với 190 phòng thi. Để các thí sinh hoàn thành tốt kỳ thi sắp tới, tỉnh Kon Tum đã tổ chức thi thử cho các em học sinh lớp 12. Bên cạnh đó, bố trí thêm 12 điểm thi dự phòng, phòng y tế, thuốc… tại các điểm thi để hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên coi thi và thí sinh.

Sở GDĐT cũng chỉ đạo các trường PT DTNT bố trí chỗ ở, tổ chức nấu ăn cho học sinh trong quá trình thi. Ngoài ra vận động các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí để hỗ trợ học sinh nghèo, gia đình chính sách… để các em có điều kiện tham gia kỳ thi.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý, địa phương cần có phương án ứng phó khi học sinh có yếu tố dịch tễ để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, thí sinh...

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 của các tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang, Huế, Hà Giang… Lưu ý các địa phương, Bộ trưởng Nhạ cho rằng cần tiếp tục rà soát công tác chuẩn bị, lên phương án cho một số tình huống có thể xảy ra. Chỉ đạo việc vận chuyển đề thi, bài thi cần tính đến điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp.

Đối với công tác coi thi, Bộ trưởng yêu cầu quy trách nhiệm đến người thực hiện, trong đó có vai trò của Trưởng điểm thi, từng giám thị. Công tác chấm thi phải tuyệt đối bảo mật và an toàn; việc phân tích phổ điểm, xử lý thông tin trong và sau kỳ thi phải nhịp nhàng, trôi chảy.

Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh cần dành nhiều quan tâm cho công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp đến, thực hiện tốt việc phân công trách nhiệm trong công tác tổ chức, bám sát các chỉ đạo của Bộ, trong trường hợp có vướng mắc gì thì phải kịp thời báo cáo Bộ chỉ đạo xử lý, tránh để sai sót xảy ra.

Với những tỉnh có điều kiện khó khăn như Hà Giang, Bộ trưởng lưu cần sắp xếp, bố trí các điểm thi sao cho hợp lý, tránh dàn trải quá nhiều điểm thi gây khó khăn trong việc quản lý và tổ chức kỳ thi. Đặc biệt nhấn mạnh tới việc hỗ trợ học sinh trong kỳ thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu, tỉnh Hà Giang cần chủ động phương án bố trí phương tiện đi lại, nơi ăn chốn ở cho những thí sinh ở xa điểm thi; đồng thời có kịch bản ứng phó với tình huống thiên tai, mưa bão có thể xảy ra trong những ngày diễn ra kỳ thi.

Điểm mới của kỳ thi năm nay là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT có sự tham gia của 3 lực lượng thanh tra là Thanh tra Nhà nước, Thanh tra Bộ GDĐT, Thanh tra địa phương. Do đó, công tác phân công, phân nhiệm trong lực lượng thanh tra cũng được tính toán một cách rõ ràng để công tác này đạt hiệu quả cao nhất.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GDĐT cho biết, một số địa phương cũng băn khoăn về kinh nghiệm thanh tra, kiểm tra giáo dục, Bộ đã chỉ đạo thanh tra sở tổ chức các hội nghị tập huấn và mời thanh tra tỉnh, mời các lực lượng liên quan tham gia các khâu của kỳ thi để tập huấn.

Bộ trưởng Nhạ lưu ý, công tác thanh tra là để phòng ngừa chứ không phải để xử lý, vì vậy, tập huấn thanh tra phải được làm thật kỹ, ai nắm chắc mới đưa vào đoàn thanh tra, nếu không chắc không đưa vào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi tốt nghiệp THPT 2020: Chuẩn bị phương án ứng phó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO