Thi tốt nghiệp THPT: thay đổi để phù hợp - Bài cuối: Đổi mới thì không cần chờ đợi

Nguyễn Hoài (thực hiện) 31/03/2023 06:25

Dù có nhiều nỗ lực nhưng thực tế kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học (ĐH) những năm gần đây vẫn bộc lộ nhiều bất cập, khi tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT ngày càng cao, thậm chí có năm hơn 99%; cánh cửa vào ĐH bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT ngày càng hẹp. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH.NGND Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam.

Học sinh THPT TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Vinh.

Theo GS Nguyễn Mậu Bành, không chờ tới năm 2025 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nên có quan điểm dứt khoát về kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời có quy định rõ ràng trong tuyển sinh ĐH.

GS Nguyễn Mậu Bành.

PV: Thưa GS, với phương thức đổi mới tuyển sinh ĐH, nhiều ý kiến băn khoăn về hình thức và kể cả ý nghĩa kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ý kiến của ông?

GS GS Nguyễn Mậu Bành: Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi nhằm hai mục đích chính: Thứ nhất, đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình THPT, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông. Thứ hai, các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Với hai mục tiêu này, kỳ thi cơ bản đạt được. Tuy nhiên, thực tế kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH những năm gần đây đang bộc lộ nhiều bất cập khi tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp ngày càng cao, thậm chí có năm hơn 99%; cánh cửa vào ĐH bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT ngày càng hẹp.

Thực tế đó khiến nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngại, không yên tâm với kỳ đánh giá kết quả đầu ra trên phạm vi quốc gia này.

Mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới) là chú trọng đánh giá phẩm chất năng lực, kỹ năng của người học. Theo GS, dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GDĐT công bố có phù hợp với mục tiêu đổi mới giáo dục?

- Trước thềm năm học 2022-2023, khi môn Lịch sử chưa được quyết định là môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 10, Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã có kiến nghị với Bộ GDĐT rằng, môn học này là môn học bắt buộc. Sau đó, Bộ đã chấp nhận, điều chỉnh và tới đây, từ năm 2025, Lịch sử dự kiến sẽ là một môn thi bắt buộc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tôi thấy phương án thi phù hợp chương trình mới.

Một điểm mới nữa đáng chú ý trong dự thảo là từ năm 2025-2030, kỳ thi tốt nghiệp THPT được giữ ổn định phương thức thi trên giấy, từng bước thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm ở các địa phương, có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính. Từ năm 2030 trở đi, các môn trắc nghiệm sẽ thi hoàn toàn trên máy tính với các địa phương đủ điều kiện.

Như vậy chỉ có 5 năm chuẩn bị. Vừa rồi tôi cũng đã có ý kiến về thay đổi này. Chúng ta không nên đốt cháy giai đoạn và sử dụng các biện pháp sốc. Tôi ủng hộ việc nơi nào đủ điều kiện thì thực hiện. Tuy nhiên muốn thay đổi Bộ GDĐT còn nhiều việc phải làm.

Tôi có thể chỉ ra một trong số những bất cập hiện nay khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là tình trạng thiếu đội ngũ giáo viên. Đây là một thực tế khi tôi tới nhiều địa phương, có địa phương thống kê thiếu 4.000 giáo viên, trong đó có những giáo viên dạy các môn Tin học, Âm nhạc, giáo viên dạy môn tích hợp theo chương trình mới, dẫn tới tình trạng 3 giáo viên dạy một môn tích hợp và phải xếp hàng dạy theo dây chuyền.

Như vậy là chúng ta có một độ trễ nhất định. Độ trễ ấy ảnh hướng tới công tác giảng dạy của nhà trường. Dẫn chứng như vậy để thấy rằng, muốn đổi mới cái gì cũng cần phải có công tác chuẩn bị tốt.

Nhiều bất cập về kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được chỉ ra. Ông có cho rằng, Bộ GDĐT nên lắng nghe để sớm có sự điều chỉnh phù hợp, tránh thiệt thòi cho người học không?

- Tôi đồng tình với cách đặt vấn đề này. Trong mọi hoạt động cũng như trong công tác quản lý luôn có chuyện này, chuyên khác, không thể nào đồng đều xếp hàng ngang. Bộ GDĐT là cơ quan quản lý nhà nước, có trách nhiệm với nhân dân, cần tăng cường công tác kiểm tra, điều chỉnh kịp thời những bất cập trong công tác tổ chức thi. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là không nên dừng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như một số ý kiến đề xuất.

Vậy theo GS, kỳ thi tốt nghiệp THPT cần phải điều chỉnh như thế nào để phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục và định hướng nghề nghiệp?

- Kỳ thi nên trao cho địa phương hoặc theo khu vực tổ chức thay vì một kỳ thi tầm quốc gia để giảm áp lực cho người học và đỡ tốn kém cho xã hội. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh, đây chỉ là một kỳ thi nhằm mục đích lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT, làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông. Còn sau khi các em có bằng tốt nghiệp THPT, các em có thể tiếp tục xét tuyển ĐH hoặc các trường nghề, phù hợp với năng lực người học. Các trường ĐH có thể xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và kết hợp với các điều kiện khác như các kỳ thi riêng để bảo đảm chất lượng đầu vào.

Để công bằng, Bộ GDĐT nên có một viện ngân hàng đề thi. Viện này không chỉ có chức năng ra đề thi mà còn để rút kinh nghiệm những hạn chế của đề thi năm trước với năm sau, và phải nắm sát mục tiêu chương trình GDPT để ra đề cho sát với mức độ học sinh. Các địa phương sẽ sử dụng ngân hàng đề thi của Bộ GDĐT chứ không tự ra đề, tránh những tiêu cực có thể xảy ra như đề dễ, học sinh biết trước đề... Cách làm này nhiều nước trên thế giới cũng đang làm.

Khi kỳ thi trao về cho địa phương tổ chức thì địa phương đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nơi nào xảy ra sai sót phải có thanh tra của ngành giáo dục kiểm tra và xử lý kịp thời. Tôi xin nhắc lại, không chờ tới năm 2025 mà Bộ GDĐT nên có quan điểm dứt khoát ngay về kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời có quy định rõ ràng trong tuyển sinh ĐH.

Trân trọng cảm ơn ông!

Kỳ thi tốt nghiệp THPT không cần quy mô quá lớn

GS.TS Đào Trọng Thi - nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết trước đây ông đã có ý kiến không ủng hộ một kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích hai trong một. Một kỳ thi yêu cầu quá đơn giản thì không cần thiết. Trong khi tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt tới gần 100%. Tất nhiên học sinh giỏi thì là điều vui nhưng vấn đề đặt ra là kết quả đánh giá phải nghiêm túc, chính xác và đạt chuẩn yêu cầu của chương trình phổ thông. Trên thực tế điều kiện học tập của học trò ở một số địa phương còn hạn chế, thậm chí có cháu học tới lớp 6, lớp 7 còn chưa đọc được. Những địa phương có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao lại không rơi vào những địa phương có điều kiện học tập tốt. Như vậy làm sao có thể đạt chuẩn tốt nghiệp?

“Tuy nhiên, hiện nay Bộ GDĐT đã thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT, không còn là kỳ thi với mục đích hai trong một. Các trường ĐH có thể dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Thay đổi này là đi đúng hướng, phù hợp với chủ trương pháp luật Nhà nước. Thế nhưng tôi cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT không cần quy mô quá lớn mà nên thay đổi giao về cho cấp tỉnh chủ động tổ chức. Thậm chí trên thế giới, có quốc gia giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho cơ sở giáo dục tổ chức” - GS Đào Trọng Thi nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi tốt nghiệp THPT: thay đổi để phù hợp - Bài cuối: Đổi mới thì không cần chờ đợi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO