Thị trường mỹ thuật: Một thế giới không thể lường trước

PHAN QUANG VŨ 09/04/2022 06:11

Các nhà sưu tập hàng đầu thế giới đều cho rằng thị trường mỹ thuật là “một thế giới không thể lường trước”. Một họa phẩm với người này có thể vô giá trị nhưng với người khác lại là vô giá. “Khác nhau giữa vô giá và vô giá trị chỉ ở một chữ, nhưng lại cách nhau một trời một vực”- Franco Mayo, nhà phê bình mỹ thuật nổi tiếng người Tây Ban Nha từng nhận xét.

Với Mayo, chỗ khác nhau ấy chính là “con mắt xanh” của người xem tranh và cả ở việc nó hiện diện tại các sàn đấu giá với tư cách một họa phẩm độc nhất vô nhị, khiến người ta phải sững sờ khi đối diện với vẻ đẹp chỉ có thể được tạo ra bởi một thiên tài.

Trong thế giới tranh, nhiều câu chuyện không thể tin nổi về số phận của những họa phẩm kiệt xuất cũng như số phận của người vẽ ra nó. Tranh cũng như người, cũng ba chìm bảy nổi để đến một ngày nọ tỏa sáng, được săn lùng trên toàn thế giới thì người tạo ra nó cũng đã chìm khuất vào bóng tối, xa lìa cõi nhân gian. Giá của những tuyệt phẩm mỹ thuật bao giờ cũng khiến người ta “xúc động”, vì nó được mua bán với giá có thể đổi lấy một cuộc đời vương giả.

"Salvator Mundi” của Leonardo Da Vinci, từ chỗ chỉ 57 USD trở thành bức tranh đắt nhất thế giới có giá hơn 450 triệu USD.

Francis Bacon, họa sĩ đương đại đắt giá hiếm hoi

Từ 9 năm trước đây, không phải tranh của Picasso, cũng chẳng phải tác phẩm của Klimt hay Vincent Van Gogh hoặc bất kỳ danh họa nào khác từng gây sốc trên thị trường đấu giá, mà lại là một tác phẩm hội họa đương đại: tranh của Francis Bacon đã đạt mức giá kinh hoàng 142,4 triệu USD!

Ngày 12/11/2013, tại “Nhà hát của đồng tiền thuần túy”, cách người ta gọi nhà đấu giá Christie’s ở New York (Mỹ), tác phẩm bộ ba của họa sĩ người Anh Francis Bacon (1909-1992) được ông vẽ năm 1962, mô tả một họa sĩ người Anh lừng danh không kém là Lucian Freud (1922-2011) trong các tư thế ngồi trên chiếc ghế gỗ đã được bán với giá 142,4 triệu USD, cao hơn rất nhiều so với mức giá 85 triệu USD được ước chừng trước đó.

Bức này cũng phá vỡ kỷ lục của chính tranh Bacon được lập vào tháng 5/2008, khi tỉ phú người Nga Roman Abramovich đã bỏ ra 86,2 triệu USD tại nhà Sotheby’s ở New York để sở hữu cũng một tác phẩm của danh họa vẽ năm 1976.

Jussi Pylkkanen, phụ trách bộ phận châu Âu của Christie’s và cũng là người điều hành phiên đấu giá lịch sử ngày 12/11/2013 cho biết: Bên cạnh những người xướng giá giàu có ở Mỹ, còn có nhiều khách hàng tiềm năng đến từ châu Âu và châu Á. Ngày càng có nhiều người tham gia cuộc chơi đến từ “tân thế giới” và ngày càng có nhiều người sẵn sàng trả mức giá trên 20 triệu USD để sở hữu một tác phẩm. Điều đó cho thấy thị trường tranh sẽ phát đạt, không chỉ là với những danh tác có tuổi đời vài trăm năm mà ngay cả với những tác phẩm hiện đại thì nó cũng được lùng kiếm, miễn là nó đẹp.

Tuy nhiên, được công nhận ngay lúc còn sống như Francis Bacon có lẽ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tác phẩm “Irises”, được Vincent Van Gogh vẽ năm 1889, trước khi qua đời 1 năm.

Kỳ lạ số phận bức tranh của Leonardo Da Vinci

Trong thế giới hội họa, có nhiều họa phẩm mà số phận của nó là một huyền thoại. Tới nay, người ta vẫn không thôi kể về sự "mất hút" của bức “Salvator Mundi”- hay còn có tên gọi khác là “Người giải cứu thế giới”, khi mà lúc đầu nó chỉ được trả 57 USD nhưng cuối cùng đã “chốt” ở mức giá không tưởng: 450,3 triệu USD, được bán vào ngày 15/11/2017 tại New York, Mỹ. Người mua là Hoàng tử Badr bin Abdullah đến từ Ả Rập Saudi.

Đáng nói là "Salvator Mundi" từng ở thân phận tranh chép nhưng rồi đã được xác nhận lại là tác phẩm của Leonardo Da Vinci. Nó được cho là đã được ông thực hiện vào khoảng thời gian từ năm 1499 tới 1510.

Khởi đầu, người ta cho rằng nó được chép từ tác phẩm nguyên gốc bị thất lạc của vị danh họa, nhưng rồi sau khi tranh được phục chế, được đánh giá lại, rồi được xuất hiện trong triển lãm những tác phẩm của danh họa Da Vinci tổ chức tại Bảo tàng Quốc gia London (Anh) hồi năm 2011-2012, thân phận của bức tranh đổi khác một cách ngoạn mục, trở thành bức tranh đắt nhất từng được bán ra tại một cuộc đấu giá công khai.

Tuy nhiên, sau khi "Salvator Mundi" được bán, nó đột ngột biến mất, cho tới nay cũng không có người nào được thấy nó. Có hai giả thuyết xung quanh nơi cất giữ tác phẩm này. Giả thuyết thứ nhất theo New York Times, cho rằng bức họa hơn 500 năm tuổi đang được cất giữ tại một nơi bí mật ở Geneva, Thụy Sĩ, cùng với nhiều tác phẩm hội họa đắt giá khác. Đây là nơi cất giữ an toàn, tựa một "ngân hàng nghệ thuật" để các nhà sưu tầm gửi tác phẩm đến đó nhờ trông nom, bảo vệ. Giả thuyết thứ hai do nhà buôn nghệ thuật Kenny Schachter chia sẻ với tờ tin tức nghệ thuật Artnet, cho rằng tác phẩm đang được cất giữ trên siêu du thuyền của Thái tử Mohammad Bin Salman của Ả Rập Saudi.

Trong hàng thế kỷ, bức "Salvator Mundi" bị xem là tranh chép do học trò của Da Vinci thực hiện. Tới năm 2005, hai nhà buôn nghệ thuật Robert Simon và Alexander Parrish đã mua tác phẩm này với giá gần 10.000 USD với hy vọng mong manh rằng biết đâu đây lại là tranh thật của Da Vinci. Họ đã thuê bà Dianne Modestini, chuyên gia trong lĩnh vực phục chế tới giúp khôi phục bởi thời gian đã làm nó biến dạng. Sau khi phục chế, “Salvator Mundi” khiến người ta kinh ngạc và cho rằng đó là tranh thật do chính Da Vinci vẽ.

Năm 2011, sau 6 năm nghiên cứu tác phẩm, Bảo tàng Quốc gia London đem triển lãm bức tranh với danh nghĩa tác phẩm do Da Vinci thực hiện. Đã có nhiều chuyên gia nghiên cứu tác phẩm của Da Vinci thống nhất rằng đây là tranh thật.

Martin Kemp- một học giả nghiên cứu phong cách hội họa của Da Vinci nói: "Hội họa của Leonardo Da Vinci là thứ hội họa có tính chất khoa học. Ông rất thấu hiểu các quy luật và thể hiện kiến thức uyên thâm của mình trong tác phẩm, khiến không một bức tranh chép nào có thể thực sự biểu đạt được hết sự am hiểu của Da Vinci thể hiện trong tranh gốc. “Salvator Mundi” đã nói cho chúng ta biết điều đó vì tất cả học trò của ông không thể đạt tới trình độ uyên bác, am hiểu về khoa học, quang học, giải phẫu học... như người thầy của họ".

Hành trình của tác phẩm này cũng thật kỳ lạ. Người ta biết rằng thuở ban đầu, nó vốn được đặt hàng bởi vua Louis XII của Pháp, sau này, bức tranh từng có thời được sở hữu bởi vua Charles I của Anh. Rồi bước vào hành trình chìm nổi, không biết thất lạc nơi nào. Giai đoạn từ năm 1763 tới 1900, không hề có thông tin gì về “Salvator Mundi”. Đến năm 1958, tác phẩm được nhà đấu giá Sotheby bán ra với giá chỉ 57 USD, rồi sau đó lại biến mất trước khi xuất hiện trở lại tại một nhà đấu giá nhỏ khác ở Mỹ.

Chính lúc này, hai nhà buôn nghệ thuật Simon và Parrish mạo hiểm đặt cược vào khả năng rằng đây có thể là tranh thật của Da Vinci. Năm 2013, sau khi tác phẩm được một số nhà nghiên cứu xác định là do Da Vinci thực hiện, giá tranh tăng lên mức 80 triệu USD, hai nhà buôn đã bán lại cho nhà buôn người Thụy Sĩ Yves Bouvier, giá lúc này đã tăng hơn 8.000 lần so với giá mua trước đó.

Ngay sau đấy, doanh nhân người Nga Dmitry Rybolovlev mua lại với giá 127,5 triệu USD. Rồi cuối cùng trước khi biến mất một lần nữa, ngày 15/11/2017, “Salvator Mindi” được Hoàng tử Badr bin Abdullah của Ả Rập Saudi mua với giá siêu tưởng 450,3 triệu USD.

Vincent Van Gogh, tài hoa yểu mệnh và một cuộc đời đơn độc

Nếu “Salvator Mindi” có số phận kỳ lạ nhưng chủ nhân của nó, Leonardo Da Vinci đã là một tượng đài từ ngay lúc còn sống, trái với rất nhiều danh họa chỉ được thừa nhận sau khi đã chết còn lúc sống lại là những tháng ngày lầm lũi, bần hàn.

Một trong những người như vậy là thiên tài hội họa Vincent Van Gogh, người Hà Lan. Ông sống còm cõi trong nỗi cô quạnh và cảnh bần hàn, cô độc trong chuỗi tháng ngày đau khổ, cay đắng trong suốt 37 năm cuộc đời ngắn ngủi. Sau này, nhiều tác phẩm của Van Gogh được ngợi ca là những kiệt tác, xuất hiện ở các bộ sưu tập, các phòng trưng bày nghệ thuật và viện bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới.

Van Gogh sinh ngày 30/3/1853, mất ngày 29/7/1890, ông được cho là lá cờ đầu của trường phái hậu ấn tượng và cũng là người tiên phong của trường phái biểu hiện, ảnh hưởng rất lớn tới mỹ thuật hiện đại, đặc biệt là tới trường phái dã thú và trường phái biểu hiện.

Ngưỡng mộ và thán phục - đó là cách người đời nói về ông. Nhưng mấy người biết rằng cuộc đời của ông là cả một sự cô đơn và thống khổ. Ông từng phải đi trốn người thân, tìm đến một nơi vắng bóng con người. Và ông từng phải vào viện tâm thần St.Remy ở Provence (miền Đông nước Pháp) điều trị. Ông gặp rắc rối trong vấn đề thần kinh, bị nỗi sợ hãi bủa vây dẫn đến việc tự cắt tai năm 1890 và rồi cái chết đến với ông sau đó 19 tháng.

Sinh thời, cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì Van Gogh cũng chưa từng rao bán một bức tranh nào. Cuộc sống khó khăn, ông phải dựa vào trợ cấp tài chính của người em trai - Theo Van Gogh, và ông luôn ân hận về điều đó. Van Gogh đã gửi những bức họa của mình cho em mỗi khi nhận tiền hàng tháng với hi vọng Theo sẽ bán chúng để bớt khó khăn.

Nhưng Theo đã giữ lại hết số tranh người anh gửi, chỉ duy có bức “Cánh đồng nho đỏ ở Arles” được bán với giá 1.200 USD. Vinh quang đến quá muộn màng sau khi Van Gogh đã qua đời. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, Van Gogh chỉ thốt ra một câu duy nhất: "Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi".

Dù chỉ vẽ 10 năm (Vincent Van Gogh bắt đầu vẽ năm 27 tuổi, 37 tuổi thì qua đời) nhưng gia tài nghệ thuật của ông thì thật đáng nể. Ngay cả khi phải vào bệnh viện tâm thần thì ông vẫn vẽ. Người ta gọi đó là tác phẩm giữa những cơn điên mà “Đêm đầy sao” là một trong những bức như vậy. Bức tranh được vẽ vào ban ngày, giữa những cơn bệnh qua sự tưởng tượng về khung cảnh bên ngoài cửa sổ phòng bệnh của ông. Trong tranh bầu trời cuộn xoáy như chính tâm hồn thiên tài đầy đau khổ. Đây là tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn đối với các họa sĩ trường phái ấn tượng thế hệ sau này.

Bút pháp của Van Gogh rất khác lạ, trong đó đặc biệt là những vệt màu mạnh mẽ như bão táp, kể cả khi ông vẽ chân dung, vẽ tĩnh vật thì nó vẫn “động cựa” như muốn vượt thoát ra khỏi khung tranh. Cũng chính vì vậy, tranh của ông khó có thể làm giả cho dù giá rất cao và được săn lùng trên phạm vi thế giới. Được biết, bức tranh đắt nhất của danh họa Van Gogh ghi trong sách Guinness là bức “Chân dung bác sĩ Gachet” vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên vải, cũng được bán tại Nhà đấu giá Christies ở New York giữa tháng 5/1990, với giá 163,4 triệu USD.

Một bức tranh khác của Van Gogh cũng được Guinness ghi nhận, đó là tác phẩm “Những đống lúa mì”, chất liệu màu nước, được bán với giá 35,9 triệu USD. Đây là bức tranh màu nước đắt giá nhất của Van Gogh và tới nay cũng chưa có bức màu nước của bất cứ họa sĩ nào vượt qua. Bức tranh này vẽ đơn giản trên giấy, có kích thước chiều rộng là 45,3cm và chiều dài là 50,9cm, được Van Gogh vẽ trong tháng 5/1888 khi ông lui về “ở ẩn” tại vùng ven thị trấn Arles, miền Nam nước Pháp.

Bức "Hổ" của Tề Bạch Thạch trưng bày tại Bảo tàng Cố Cung (Trung Quốc).

Tề Bạch Thạch vẽ hổ và tôm

Năm nay, năm Nhâm Dần, thiên hạ lại được dịp bàn tán về những bức tranh hổ của Tề Bạch Thạch (1864 - 1957) - danh họa Trung Quốc; khi nó chỉ có phần lưng và đuôi bị nhiều người chê "như mèo ốm" nhưng có giá hơn 4,1 triệu USD. Trên thực tế, bức Hổ là một trong những tác phẩm gây tranh cãi nhất của Tề Bạch Thạch sau khi được bán tại Sotheby's Hong Kong.

Những người chê bai thì cho rằng Tề Bạch Thạch chỉ vẽ siêu về tôm, loài thủy sinh nhỏ bé muốn “tả” được nó thì cần sự chi tiết, tỉ mỉ; còn thì hổ lại là chúa rừng xanh, to lớn và oai vệ, “lột tả” được nó không phải là việc của người vẽ tôm. Vì thế, những người này cho rằng bức vẽ "hổ không ra hổ, mèo không ra mèo", thậm chí có người chê tranh miêu tả con mèo ốm chứ không phải chúa sơn lâm. Tai của hổ được họa sĩ họ Tề vẽ cũng bị cho là trông ngộ nghĩnh, không chút nào uy phong, dũng mãnh.

Theo Trương Siêu Quần, phụ trách mảng thư họa Trung Quốc của Sotheby's Hong Kong thì tác phẩm ra đời năm 1950, được Tề Bạch Thạch tặng cho một người bạn nhân năm Canh Dần, ngụ ý năm hổ may mắn, tốt lành. Hổ không được miêu tả nguyên hình mà chỉ lộ phần lưng, thể hiện nét "hiền lành, hồn nhiên". Sự tráng kiện của hổ chỉ được thể hiện qua các vân dày, đậm.

Giới am hiểu nghệ thuật cho rằng cho dù “hổ giấu mặt” nhưng bức tranh độc đáo nhất là ở phần vẽ đuôi hổ. Khi xem tranh hổ, người ta thường chú ý tới bản mặt hung dữ, vẻ oai phong, uy dũng của chúng, nhưng Tề Bạch Thạch lại giấu mặt hổ đi, thể hiện nét thân thiện, ung dung của con vật. Điều đó cho thấy phong cách độc đáo, sự khác biệt rõ ràng của ông với các họa sĩ khác. “Bức tranh hàm ý sự khôn ngoan ẩn mình của kẻ mạnh thực thụ”- Trương Siêu Quần nói.

Tề Bạch Thạch vốn ít vẽ hổ. Tranh hổ của ông lại chỉ chú trọng vẽ lưng, đuôi, được cho là thể hiện sự lạnh nhạt, quay lưng lại danh lợi. Thực tế thì thời trẻ ông cũng chưa từng nuôi mộng làm quan, không quan tâm chuyện phiếm, không tranh giành với ai, chỉ đắm chìm trong nghệ thuật.

Tề Bạch Thạch từng nói, cái hay của tranh nằm ở giữa “giống” và “không giống”. Giống thì tầm thường, thiếu tư tưởng và góc nhìn riêng của nghệ sĩ; mà không giống thì là lừa phỉnh người xem. Ông từng khuyên học trò: "Học ta thì sống mà giống ta thì chết", có nghĩa là nhắc học trò tìm tòi sự khác biệt thì tác phẩm mới có sức sống lâu bền.

Sinh thời, ông sở trường vẽ sơn thủy, hoa lá, chim cá. Cuối năm 2017, bức tranh sơn thủy vẽ năm 1925 của Tề Bạch Thạch được bán với giá 146 triệu USD, lập kỷ lục tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc đắt giá nhất.

Tuy nhiên, nói đến Tề Bạch Thạch là nói về những bức tranh tôm với bút pháp Trung Hoa truyền thống nhưng lại đầy đủ phẩm chất riêng của một danh họa hiện đại. Người ta nói rằng, năm 63 tuổi ông mới “xoay sang vẽ tôm”. Bằng thủ pháp cao cường, lúc đầu đó là những bức vẽ vô cùng tỉ mỉ, giống như thật, nhưng ông không hài lòng vì cho rằng chúng vẫn không đủ sống động. Thế là ông nuôi mấy con tôm càng dài trong cái bát lớn và đặt ở trên bàn vẽ, ngày ngày quan sát.

Từ đó thủ pháp vẽ tôm của ông chuyển biến, tranh vẽ tôm của Tề Bạch Thạch đã trở thành một trong những biểu tượng của nghệ thuật vì nó được coi là một tuyệt kỹ trong giới hội họa. Những con tôm hoạt bát sống động, thần thái đủ đầy, với những nét bút mực nhạt vẽ thành thân thể tươi tắn, càng thể hiện cảm giác long lanh xuyên thấu. Tề Bạch Thạch giỏi sử dụng bút lông và mực tàu, khéo léo sử dụng màu mực và dấu vết bút để thể hiện hình hài của tôm. Rắn rỏi khi miêu tả râu và càng của tôm, khiến người ta nhận thấy dư vị phong phú, kỹ xảo cao diệu của một bậc thầy. Ông dùng mực đậm vẽ mắt tôm bằng nét chấm thẳng, vẽ đầu tôm bằng nét ngang như thể truyền thần của hội họa Trung Hoa cổ điển.

Tề Bạch Thạch thuở nhỏ chăn trâu, rồi làm thợ mộc, cả đời thuần phác cần kiệm, hòa đồng với cuộc sống điền viên, với thiên nhiên. Do đó ông có góc nhìn và tình cảm đặc biệt đối với cuộc sống miền thôn dã gắn liền với những cảnh vật như tôm cá, chim, hoa, trúc và lấy chúng làm đề tài hội họa. Với cá và tôm, nét vẽ của ông đã đạt đến cảnh giới "xuất quỷ nhập thần".

Khoảng 40 tuổi ông mới bắt đầu tập vẽ tôm theo tranh các họa sĩ đời Thanh là Từ Vị, Lý Phục Đường... Nhưng nhiều năm sau ông mới chính thức vẽ kỹ sau khi đã quan sát, nghiên cứu vô cùng tỉ mỉ loài thủy sinh này.

“Hình tượng và thần thái” là điều Tề Bạch Thạch dụng công khi vẽ. Ông cho rằng vẽ giống là do kỹ thuật trau dồi còn thì phải vượt lên cao, đào xới bản thân mình thì tranh mới có thần. “Chỉ khi bức tranh có thần thì mới tồn tại được theo thời gian mà không khiến người ta chỉ vui vẻ khen đẹp nhỉ, rồi quay bước bỏ đi”- sinh thời Tề Bạch Thạch thường căn dặn học trò.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường mỹ thuật: Một thế giới không thể lường trước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO