Thị trường xăng dầu dần ổn định

Thúy Hằng 02/12/2022 07:29

Chiều 1/12, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm hơn 1.000 đồng/lít. Như vậy, sau thời điểm căng thẳng nguồn cung vào đầu tháng 10, thị trường xăng dầu hiện có phần ổn định.

Các cây xăng tại Hà Nội đã không còn cảnh “rồng rắn” người mua.

Giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 1/12, giá xăng E5 RON 92 giảm 1.000 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 1.080 đồng/lít; giá dầu cũng giảm từ 1.080 - 1.590 đồng/lít. Như vậy từ 15 giờ ngày 1/12, giá xăng E5 RON 92 còn 21.670 đồng/lít; xăng RON 95 còn 22.700 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm xuống còn 23.560 đồng/lít; dầu diesel giảm về còn 23.210 đồng/lít; dầu mazut giảm xuống 13.950 đồng/kg.

Liên bộ Tài chính - Công thương ngừng chi Quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít; xăng RON 95 ở mức 400 đồng/lít.

Dữ liệu từ Bộ Công thương cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 28/11 tiếp tục giảm 5-6 USD/thùng so với kỳ trước. Cụ thể, bình quân xăng RON 92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON 92) là 89,8 USD/thùng; xăng RON 95 là 94,8 USD/thùng.

Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 94,9 USD/thùng xăng RON 92; 100,8 USD/thùng xăng RON 95 và 129,5 USD/thùng dầu diesel.

Phiên sáng ngày 1/12 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI giảm 0,07 USD/thùng, tương ứng 0,09% xuống mức 80,48 USD/thùng; Dầu Brent tăng 2,40 USD/thùng, tương ứng 2,89% lên mức 85,43 USD/thùng.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, giá dầu thô WTI tăng 3,01% lên 80,55 USD/thùng, giá dầu thô Brent cũng tăng 3,23% lên 86,97 USD/thùng. Như vậy, giá dầu vẫn giữ đà tăng phiên hôm qua, vượt lên trên 80 USD/thùng sau 3 tuần liên tiếp rớt về gần 75 USD/thùng.

Ghi nhận ở thời điểm hiện tại, các cây xăng đã hoạt động bình thường trở lại sau một thời gian bán cầm chừng. Tại Hà Nội, các cây xăng trên trục đường Lê Văn Lương, đường Trần Thái Tông, đường Tố Hữu... vốn rất đông đúc nay không còn cảnh người bán lắc đầu, xua tay.

Nhân viên bán hàng tại cây xăng Petrolimex trên đường Trần Quang Khải cho biết, hơn 10 ngày nay làm việc đỡ vất vả hơn, người đến đổ xăng không còn cảnh xếp hàng dài dằng dặc như trước nữa.

Cần hướng đến kinh tế thị trường

Giám đốc một cửa hàng bán lẻ ở Bắc Giang cho biết, nguồn cung xăng dầu đã ổn định nhưng chiết khấu vẫn chỉ từ 250 - 350 đồng/lít xăng dầu. Cửa hàng cũng đang trong tình trạng phân vân, nhập thêm nhiều hàng trong tình trạng giá tụt xuống thì càng lỗ.

“Giá xăng dầu giảm nên nhiều hãng xả kho, ngay cả các thương nhân phân phối trước đây khan hàng thì nay cũng cấp hàng ổn định. Giai đoạn cuối năm nhưng cũng chỉ tính toán nhập sao cho đủ lượng hàng, nhập nhiều giá giảm không biết bù lỗ vào đâu” - giám đốc một công ty bán lẻ xăng dầu ở Hà Tĩnh chia sẻ.

Tuy nhiên, tại các diễn đàn kinh doanh xăng dầu, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) cũng như chủ cửa hàng bán lẻ xăng dầu vẫn than thở rằng, chiết khấu vẫn rất thấp. Kinh doanh xăng dầu vẫn rất khó khăn.

Chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu, ông Giang Chấn Tây đề xuất, nên quy định chiết khấu cho DN bán lẻ thấp nhất là 7%/lít giá bán lẻ. Giá mua hàng trong công thức tính giá cơ sở dứt khoát phải tính bình quân ít nhất là cả giai đoạn không ít hơn 30 ngày thì mới đúng và đủ giá thành theo nguyên tắc tài chính kế toán. Như vậy, giá xăng dầu sẽ tăng - giảm không bị sốc nhằm ổn định thị trường và hài hòa lợi ích các bên.

Còn chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thì cho rằng, để vận hành ổn định thị trường xăng dầu thời gian tới, trước mắt, nên rà soát lại tất cả các kế hoạch từ nhập khẩu đến tiêu thụ của các địa phương trong những tháng cuối năm và đầu năm 2023, từ đó có những kế hoạch nhập khẩu nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu về sản lượng. Bên cạnh đó, để các DN kinh doanh xăng dầu có thể có chi phí hợp lý, rõ ràng, đảm bảo DN có chi phí kinh doanh phù hợp với thực tiễn, các bộ ngành nên có kế hoạch dài hạn, đưa ra quá trình điều chỉnh phù hợp theo thời gian.

Cùng đó, ông Thịnh cũng cho rằng, cần phải có giải pháp dài hơi hơn, đó là xem xét lại mối quan hệ giữa các chủ thể trong hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện nay. Nếu như nhập khẩu, DN cần phải có cái gì, cần phải điều chỉnh như thế nào để đảm bảo tính công bằng đối với những DN được mua của các DN và sản xuất trong nước, đảm bảo chi phí hợp lý nhất cho hai bên. Theo ông Thịnh, cần hướng đến kinh tế thị trường. Nhà nước chỉ định ra khung, dần dần phải nới rộng để DN có quyền hoạt động độc lập, quyền quyết định về giá, quyền quyết định về chi phí. Nếu DN nào tiết kiệm được chi phí thì DN đó được hưởng.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cần rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 5 ngày để phù hợp với phương thức hiện nay mà các DN đầu mối đang mua xăng dầu trên thị trường thế giới. Bộ Công thương là cơ quan quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh và có trách nhiệm bảo đảm cân đối cung - cầu xăng dầu cho nhu cầu của đất nước. Là đơn vị quản lý sản xuất - kinh doanh, Bộ Công thương sẽ biết diễn biến thế giới thế nào, trong nước ra sao, rồi các DN sản xuất kinh doanh xăng dầu phải bỏ ra những chi phí gì và mỗi một vùng khác nhau, mỗi DN khác nhau… những chi phí đó như thế nào. “Thế nhưng, hiện chúng ta đang có sự chia cắt trong quản lý kinh doanh mặt hàng trọng yếu này, tức là đã giao cho Bộ Công thương quản lý sản xuất - kinh doanh, nhưng lại tách riêng một phần trong cơ cấu giá (là phần chi phí định mức) để Bộ Tài chính tính toán và công bố, trên cơ sở đó Bộ Công thương đưa vào mức giá cơ sở. Đây là điểm không hợp lý trong khi Bộ Tài chính không thể nắm rõ như Bộ Công thương về tất cả những vấn đề đã nêu ở trên” - ông Thỏa nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường xăng dầu dần ổn định

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO