Chiều tối ngày 24/4, Tổng cục Hải quan có công văn số 2638/TCHQ-GSQL về việc đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo, gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Lương thực Việt Nam; các doanh nghiệp xuất khẩu gạo; Cục Hải quan các tỉnh, thành phố. Cũng trong chiều 24/4, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã ký quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua. Việc thanh tra được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1 đến ngày 31/5/2020, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra. Thời hạn thanh tra là 35 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định).
Hiện lượng gạo tồn kho không xuất khẩu được là khá lớn.
Mở tờ khai hải quan với các lô gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24/3
Theo văn bản số 2638/TCHQ-GSQL, Tổng cục Hải quan đã thiết lập trên Hệ thống VNACCS/VCIS để các doanh nghiệp (DN) thực hiện việc đăng ký tờ khai hải quan từ 0 giờ 00 phút ngày 25/4/2020 đến hết ngày 30/4/2020 đối với các lô hàng gạo đã đưa vào cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế trước ngày 24/3/2020 nhưng chưa được đăng ký tờ khai hải quan.
Kèm theo Công văn số 2638/TCHQ-GSQL, Tổng cục Hải quan công bố phụ lục thống kê số lô hàng gạo đã tập kết tại khu vực cảng biển, cửa khẩu trước ngày 24/3/2020 chưa được đăng ký tờ khai hải quan. Theo phục lục này, có tổng cộng 17.380 tấn gạo các loại nằm trong diện nói trên.
Tổng cục Hải quan yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký tờ khai hải quan với số lượng gạo đăng ký trên tờ khai hải quan không được vượt quá số lượng gạo thực tế đã đưa vào cảng biển quốc tế, cửa khẩu quốc tế, có văn bản xác nhận của DN kinh doanh cảng, trong đó nêu rõ số lượng gạo đã đưa vào trước ngày 24/3/2020, còn lưu giữ tại cảng biển quốc tế, cửa khẩu quốc tế, chi cục Hải quan xác nhận và lưu hồ sơ hải quan. Trường hợp các DN có lô hàng gạo đang lưu giữ tại các cảng biển quốc tế, cửa khẩu quốc tế từ trước ngày 24/3/2020 nhưng chưa được tổng hợp trong danh sách tại Phụ lục kèm theo Công văn số 2638/TCHQ-GSQL, thì gửi thông tin chi tiết về Tổng cục Hải quan kèm xác nhận của cơ quan hải quan, DN kinh doanh cảng để được cập nhật vào hệ thống.
Đối với các tờ khai hải quan đã được đăng ký theo danh sách đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan trong hạn ngạch 400.000 tấn nhưng quá 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, DN không xuất trình hàng hóa để cơ quan Hải quan kiểm tra, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan thực hiện hủy tờ khai hải quan và báo cáo về Tổng cục Hải quan trước 9 giờ 00 phút ngày 27/4/2020.
Trên cơ sở số lượng hàng hóa của tờ khai hủy, Tổng cục Hải quan sẽ hồi lại hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 4/2020, thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử hải quan và thiết lập trên Hệ thống VNACCS/VCIS để các DN tiếp tục đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu từ 0 giờ 00 phút ngày 28/4/2020 theo các nguyên tắc quản lý hạn ngạch quy định tại Điều 2 Quyết định 1106/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công thương.
Thanh tra Chính phủ vào cuộc
Chiều 24/4, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã ký quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua. Việc thanh tra được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1 đến ngày 31/5/2020, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.
Thời hạn thanh tra là 35 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định).
Thanh tra Chính phủ giao ông Lê Quang Tiệp -Thanh tra viên cao cấp, phó vụ trưởng Vụ I - làm trưởng đoàn. Đoàn thanh tra có nhiệm vụ thanh tra theo nội dung quy định và kế hoạch thanh tra được tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ và Bộ Công thương về hoạt động xuất khẩu gạo thời gian qua. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua theo nghị định 107/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Đồng thời thanh tra việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 121 ngày 23/3 và văn bản số 2827 ngày 10/4 của Văn phòng Chính phủ.
Mục đích thanh tra là làm rõ có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đồng thời làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2020.
Liên quan đến những lùm xùm xung quanh việc xuất khẩu gạo, ngày 20/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị điều tra, xác minh thông tin tiêu cực trong hoạt động xuất khẩu 400.000 tấn gạo thuộc hạn ngạch tháng 4; đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét điều tra, xác minh làm rõ, nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động xuất khẩu gạo cũng như xử lý trách nhiệm về việc đưa tin xuyên tạc, sai sự thật.
Cũng trong ngày 20/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng có văn bản chỉ đạo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung báo chí, mạng xã hội, DN xuất khẩu gạo đặt nghi vấn về tính minh bạch trong việc mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo lúc 0h ngày 12/4, có hay không sự tác động tiêu cực của công chức hải quan, cơ quan hải quan, báo cáo trước ngày 30/4.
Một số ý kiến cho rằng việc tiếp nhận tờ khai không thông báo trước khiến nhiều DN không biết để đăng ký tờ khai lên hệ thống hải quan, trong khi hạn ngạch gạo được phép xuất khẩu trong tháng này chỉ 400.000 tấn, quá ít so với nhu cầu của DN. Trong khi có hàng chục ngàn tấn gạo đang nằm ở cảng, đã có hợp đồng mà không xuất khẩu được do bị tạm dừng xuất từ ngày 24/3.
Điều mà dư luận và nhiều DN xuất khẩu gạo đặt dấu hỏi nghi vấn có việc trục lợi chính sách khi một mình Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex đăng ký xuất khẩu tới 102 tờ khai với hơn 96.234 tấn gạo, chiếm 25% hạn ngạch gạo xuất khẩu của cả nước trong tháng này.