Giá gạo xuất khẩu 'lao dốc'

Minh Phương 18/10/2019 07:00

Thời điểm này, một trong những mối lo của ngành gạo đó là giá gạo xuất khẩu đang lao dốc không phanh, xuống thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây. Thực tế này tiếp tục đặt ra những áp lực cho ngành lúa gạo trong thời gian tới.

Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn trong tình trạng bán nhiều nhưng tiền thu ít. Cụ thể, 9 tháng năm 2019, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 5,2 triệu tấn, tăng 5,9%, song giá trị đạt 2,24 tỷ USD giảm tới gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngay từ cuối năm 2018, Bộ NN&PTNT đã xác định năm nay xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn về thị trường. Theo đó, những thị trường lớn nhập khẩu mạnh gạo Việt hàng năm như Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh đều đã có xu hướng giảm nhập khẩu. Đáng chú ý, thị trường nhập khẩu một sản lượng lớn lúa gạo hàng năm là Trung Quốc có sự sụt giảm mạnh về cả sản lượng lẫn kim ngạch.

Nguyên do là bởi, hiện có rất nhiều đối tác cung cấp gạo cho thị trường Trung Quốc, cùng với đó, thị trường này cũng đang tiến hành xả kho gạo dự trữ… Và một lý do nữa, đó là một số DN xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc chưa đạt được các yêu cầu cũng như các rào cản từ phía nước đối tác đưa ra.

Nêu rõ hơn nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu “tuột dốc” và đạt mức thấp kỷ lục trong vòng 12 năm trở lại đây, ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng, phụ trách Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết trong hai tháng 8 và 9 vừa qua, giá gạo có thời điểm thấp nhất là khoảng 325 USD/tấn. Tại thời điểm đó, giá gạo Thái Lan khoảng 350-360 USD/tấn. Có thể thấy, gạo xuất khẩu đang bị áp lực cạnh tranh rất lớn đặc biệt là các thị trường như Thái Lan, Ấn Độ. Thêm nữa, phía thị trường Trung Quốc đã cấp hạn ngạch cho các thị trường khác như Myanmar, Campuchia... nên xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn hơn do phải cạnh tranh với nhiều đối thủ. Hiện gạo Việt xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh. Thị trường 1,4 tỷ dân này chỉ chiếm khoảng hơn 8% tổng giá trị xuất gạo của Việt Nam.

Cũng nêu lên nguyên nhân chính khiến ngành lúa gạo đang lao đao về giá, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn thế giới chậm lại nên nhu cầu tiêu thụ lúa gạo cũng giảm đi; đồng thời các quốc gia cũng đã chủ động được một phần lương thực. Ngoài ra, các hàng rào kỹ thuật, các tiêu chí về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng là yếu tố gây khó khăn cho nông sản Việt, trong đó có sản phẩm gạo.

Để tháo gỡ những khó khăn cho ngành lúa gạo thời gian tới, giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, mặc dù ngành lúa gạo đối diện với nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, các DN đã và đang nỗ lực chuyển dịch thị trường, theo đó đã mở rộng xuất khẩu gạo sang thị trường tiềm năng như châu Mỹ, châu Phi… Đây là điểm cần tiếp tục thực hiện, bên cạnh đó, về lâu dài, cần giảm dần diện tích trồng lúa, thay bằng các sản phẩm nông sản khác mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) , trong tháng 9/2019, giá gạo đồ 5% tấm Ấn Độ tăng từ 366-374 USD/tấn lên 373-379 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Thái Lan giảm từ 410-422 USD/tấn xuống 400-418 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam lại giảm từ 325-330 USD/tấn xuống 325 USD/tấn. Hiện giá gạo 5% tấm xuất khẩu đang ở mức 330 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu thấp nhất trong 12 năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá gạo xuất khẩu 'lao dốc'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO