Giữ thị trường bằng chất lượng hàng hóa

Tuệ Phương 25/06/2018 07:30

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội chú trọng triển khai nhiều nhóm giải pháp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo ra sản phẩm có chất lượng cho thị trường. Nhờ đó, CVĐ đã đạt được kết quả ngoài mong đợi.

Hiện trên địa bàn Hà Nội, tỷ lệ hàng nội địa có mặt tại các siêu thị chiếm từ 80 - 85%, tại khu vực ngoại thành là hơn 80%. Để có được kết quả trên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ máy móc, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, Sở Công thương tập trung triển khai chương trình bán hàng Việt tại các quận, huyện, thị xã, duy trì các chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội. Ban chỉ đạo CVĐ các quận, huyện, thị xã phối hợp với chính quyền cùng cấp hỗ trợ các doanh nghiệp xác định, lựa chọn địa điểm bán hàng thuận lợi để giới thiệu các chương trình bán hàng Việt trên địa bàn dân cư; triển khai các hoạt động nhằm quảng bá các sản phẩm hàng Việt có thế mạnh của địa phương.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” quận Long Biên Ngô Mạnh Điềm cho biết, thời gian qua, hệ thống chính trị quận đã triển khai nhiều giải pháp, từng bước đưa CVĐ lan tỏa sâu rộng, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Ban Chỉ đạo đã tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh trong siêu thị, chợ dân sinh bán hàng hóa Việt Nam rõ nguồn gốc, không bán hàng nhập lậu, trôi nổi trên thị trường; triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng…

Ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hoài Đức, ông Nguyễn Văn Dư lại cho rằng, nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa của CVĐ, Ban chỉ đạo CVĐ huyện đã phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về CVĐ tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhờ đó, các doanh nghiệp, nhà sản xuất trên địa bàn huyện đã đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ sản xuất, giới thiệu, tiêu thụ các mặt hàng có thế mạnh của huyện như: thực hiện mô hình sản xuất nhóm hộ có liên kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn theo chuỗi, mở điểm giới thiệu tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn có truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, các sản phẩm dần có chỗ đứng trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.

“Tuy nhiên, việc triển khai CVĐ vẫn còn một số hạn chế: một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu, nhãn mác của sản phẩm, hàng hóa. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn khó kiểm soát trên thị trường dẫn đến giảm lòng tin của người tiêu dùng”, ông Dư băn khoăn.

Để CVĐ đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, Phó Trưởng Ban chỉ đạo CVĐ TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Ban chỉ đạo CVĐ các quận, huyện, thị xã cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa CVĐ, hướng tới mục tiêu 100% người dân, doanh nghiệp biết và hiểu rõ về CVĐ; tôn vinh hàng Việt Nam chất lượng cao; đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tuyên truyền tới các doanh nghiệp sản xuất đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao bằng nhiều phương thức hiệu quả...

Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tập trung kết nối cung - cầu, đẩy mạnh liên kết nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng thông qua việc tổ chức các hội chợ, chương trình bán hàng Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố và hệ thống phân phối tại nước ngoài... góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ thị trường bằng chất lượng hàng hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO