Hàng hóa thông quan vẫn 'nhỏ giọt'

Minh Phương 23/02/2020 23:00

Theo đánh giá của Cục Hải quan Lạng Sơn, sau 3 ngày chính thức mở cửa trở lại (từ ngày 20/2) tại cửa khẩu Tân Thanh, tình hình thông quan hàng hoá, đặc biệt là hàng nông sản của Việt Nam vẫn “nhỏ giọt”. Tính đến hết ngày 23/2, mới chỉ có 50 xe hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hàng hóa thông quan vẫn 'nhỏ giọt'

Từ ngày 20/2, thông quan tại Cửa khẩu Tân Thanh.

Cụ thể, Cục Hải quan Lạng Sơn cho hay, trong ngày 20/2, Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn đã hướng dẫn và thủ tục cho 11 xe hàng nông sản xuất khẩu, 4 phương tiện xuất cảnh vận chuyển hàng nhập khẩu vào Việt Nam. Ngày 21/2, đơn vị cũng đã phối hợp hướng dẫn và làm thủ tục cho 26 xe hàng nông sản xuất khẩu, 12 xe hàng nhập khẩu và ngày 22/2 đơn vị đã làm thủ tục cho 13 xe hàng nông sản xuất khẩu, 18 xe hàng nhập khẩu. Số liệu tính đến trưa ngày 23/2, chỉ có 13 xe thanh long, dưa hấu được xuất khẩu, nhập 18 xe nông sản; vẫn tồn đến 107 xe nông sản chủ yếu là thanh long, dưa hấu, đang chờ làm thủ tục xuất khẩu.

Tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu khác như cửa khẩu Hữu Nghị, Cốc Nam, Chi Ma… cũng khá chậm. Tại cửa khẩu Hữu Nghị, ngày 23/2 xuất được 171 xe (gồm nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, hàng may mặc…) và vẫn còn tồn tới 365 xe nông sản. Tại cửa khẩu Cốc Nam vẫn tồn 11 xe hàng… Còn tại Lào Cai vẫn còn khoảng 200 xe chờ xuất hàng tại cửa khẩu.

Nêu nguyên nhân, đại diện Bộ Công thương cho biết, xuất khẩu nông sản, trái cây qua cửa khẩu Tân Thanh chỉ được thực hiện trên cơ sở có hợp đồng mua bán, đồng thời doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ các thông tin về tên mặt hàng (chủng loại hàng hóa), thông tin về xe hàng, tên người khai báo; xuất trình các giấy tờ theo quy định về hợp đồng thương mại, hóa đơn, đảm bảo các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng...Thêm nữa, việc xuất nhập khẩu hàng hóa theo hình thức trao đổi của cư dân biên giới qua cửa khẩu Tân Thanh hiện chưa được phía Trung Quốc cho phép thực hiện. Trong khi, tại các cửa khẩu biên giới, việc trao đổi hàng hóa trước đến nay phần lớn được thực hiện theo hình thức này. Một nguyên nhân khác được phía Trung Quốc đưa ra là do nhân lực bốc xếp hàng hoá tại bãi phía Trung Quốc đang thiếu hụt trầm trọng nên đã khiến cho lượng hàng hoá được thực hiện thông quan trong ngày diễn ra chậm.

Được biết, để nâng cao năng lực thông quan nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá, ngay trong ngày 20/2, các cơ quan quản lý phía Lạng Sơn cũng đã tổ chức trao đổi, hội đàm với Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc) về việc xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh. Hai bên thống nhất sẽ tạm thời đưa phương tiện vận tải của Trung Quốc sang bãi xe của Công ty Bảo Nguyên (khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn, Việt Nam) để giao nhận hàng hoá.

Trong sáng ngày 22/2, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu cũng đã trao đổi với phía Trung Quốc và thống nhất thông quan từ 7h -19h hàng ngày nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Về việc sớm khôi phục lại hình thức trao đổi của cư dân biên giới đối với các cặp cửa khẩu (cặp chợ) còn lại, phía Trung Quốc cho biết, thương mại tại cặp chợ biên giới là loại hình rất đặc thù, hình thức trao đổi của cư dân tại cặp chợ biên giới lại đông người sẽ khiến cho tình hình lây lan dịch bệnh nhanh, dẫn đến khó kiểm soát được dịch bệnh. Phía Trung Quốc đề nghị, để đi tới quyết định khôi phục lại các cặp chợ biên giới, hai bên cần đưa ra những giải pháp hữu hiệu, trong đó phải xây dựng cơ chế phối hợp tốt để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.

Về phía Bộ Công thương Việt Nam, đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, chủ động điều tiết nhịp độ đưa hàng lên biên giới, tránh hiện tượng ách tắc, ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng hóa thông quan vẫn 'nhỏ giọt'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO