Ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hoá

Thuý Hằng - Minh Phương 20/07/2019 07:00

Đó là nội dung chính được đưa ra trong cuộc họp báo chuyên đề của ngành Hải quan, về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng hoá, chiều ngày 19/7.

Sẽ sớm khắc phục bất cập

Tổng cục Hải quan cho biết, về xuất xứ hàng hoá, doanh nghiệp (DN) Việt Nam (bao gồm cả DN FDI) nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng để sản xuất, gia công, lắp ráp nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng khi xuất khẩu lại khai xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam.

Một số cá nhân thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc xuất khẩu.

Ngoài ra có phương thức gian lận khác nữa là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba.

Cũng tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc bất cập của chính sách nhìn từ vụ Asanzo. Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cho rằng những trường hợp như của Asanzo là khá nhiều. Do vậy, trong thời gian tới cần hoàn thiện chính sách để có cơ sở pháp lý điều chỉnh những trường hợp tương tự.

Trong môi trường toàn cầu hoá, không thể một nước nào sản xuất ra toàn bộ linh kiện để sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh mà phải nhập từ nhiều nguồn. Song ông Tuấn cũng cho biết, để đáp ứng quy tắc xuất xứ theo các hiệp định thương mại tự do thì những công đoạn gia công cơ bản hoặc những nguyên tắc chuyển đổi cơ bản phải thực hiện tại nước cuối cùng sản xuất hàng hoá đó.

“Bộ Tài chính đang kiến nghị Bộ Công thương sửa đổi quy định tại Nghị định 43, Thông tư 05 để đưa ra các quy định về quy tắc xuất xứ đối với hàng hoá sản xuất tại Việt Nam lưu thông ở thị trường trong nước để có tiêu chí khi các cơ quan hải quan kiểm tra xác định hàng hoá này có thể gắn mác “Made in Vietnam” hay không”- lãnh đạo Cục Giám sát quản lý nói.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Đó là khẳng định của lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ) khi nói về việc gian lận xuất xứ, ghi tên, địa chỉ nhãn mác hàng hóa không trung thực - tại buổi tọa đàm “Minh bạch trong ghi nhãn hàng hóa - Cơ sở ngăn chặn gian lận xuất xứ”, tổ chức sáng 19/7, tại Hà Nội.

Nhãn hàng hóa và những quy định về nhãn mác hàng hóa được xem là “người giữ của” của sản phẩm hàng hóa. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc ghi rõ ràng, minh bạch thông tin trên nhãn mác sản phẩm hàng hóa là một trong những yếu tố giúp DN giữ chữ tín, đứng vững trên thương trường.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, việc minh bạch thông tin là điều rất cần thiết và đó phải là yếu tố đặc biệt quan trọng với DN. Tuy nhiên, nói như ông Lê Thành Hưng- đại diện Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam thì hiện vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thiếu minh bạch, không trung thực trong việc ghi nhãn sản phẩm... Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng hiểu sai về tính năng của hàng hóa, khiến họ bị thiệt hại vì mua phải hàng hóa không đúng với giá trị.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ), về nguyên tắc, Nhà nước tạo điều kiện rất thuận lợi cho DN, cho DN tự xác định xuất xứ theo quy tắc xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa. Song, cũng yêu cầu DN phải minh bạch, trung thực. Việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.

“Một số ít DN làm ăn không chân chính, không thể hiện tên, địa chỉ thông tin rõ ràng, ghi nhãn không trung thực. Đối với những hành vi này chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, đặc biệt là theo Nghị định 119 của Chính phủ. Nếu vụ việc nghiêm trọng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”- ông Tuấn nhấn mạnh.

* Ông Lê Thành Hưng, đại diện Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, cho rằng hiện vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thiếu minh bạch, không trung thực trong việc ghi nhãn sản phẩm... Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng hiểu sai về tính năng của hàng hóa, khiến họ bị thiệt hại vì mua phải hàng hóa không đúng với giá trị. Còn theo ông Trần Quốc Tuấn- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ), đối với những hành vi như vậy, nếu nghiêm trọng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hoá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO