Nước rút xuất khẩu

Hồ Hương 08/10/2019 08:00

Chỉ còn quãng thời gian ngắn nữa là kết thúc năm tài khóa 2019. Thời điểm này, doanh nghiệp đang chạy đua xuất khẩu để hoàn thành kế hoạch.

Nước rút xuất khẩu

Ngành hàng thủy sản duy trì đà tăng trưởng.

Duy trì đà tăng trưởng

Những tháng cuối năm sẽ là giai đoạn cao điểm cho các doanh nghiệp (DN) tập trung sản xuất, đặc biệt là nhóm hàng điện tử tiêu dùng như điện thoại, tivi,.. khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Bên cạnh đó, còn có nhóm hàng liên quan đến mặt hàng thủy sản.

Thông tin cập nhật cho biết, giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL tăng lên. Hiện thương lái và các nhà máy chế biến xuất khẩu thu mua tôm thẻ loại 100 con/kg giá 80.000 - 95.000 đồng/kg, tôm sú loại 30 con/kg giá 190.000 - 202.000 đồng/kg… Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) nhận định, giá tôm nguyên liệu tăng là do gần đây tình hình xuất khẩu cải thiện đáng kể.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những cơ hội và thách thức khi Hiệp định CPTPP và EVFTA được thông qua. Đây là 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và toàn diện hơn so với những FTA mà Việt nam đã tham gia trước đó; trong đó, mức độ cam kết về mặt mở cửa thị trường, dỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng sâu hơn và áp dụng cho tất cả các ngành hàng, kể cả nhóm hàng khó đàm phán như nông lâm thủy sản.

Theo ông Phòng, cả CPTPP và EVFTA đều hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam so với các đối thủ hiện nay như Thái Lan, Ấn Độ. Không chỉ tạo lợi thế xuất khẩu, các FTA này còn tạo điều kiện để DN Việt Nam đa dạng hóa được nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu để thúc đẩy hoạt động chế biến, xuất khẩu.

Cơ hội rất lớn song thách thức đối với thủy sản Việt Nam cũng không nhỏ, đáng kể nhất là việc đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, quy tắc xuất xứ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để được hưởng ưu đãi. đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động thay đổi quy trình sản xuất, đánh bắt,chế biến và nâng cao năng lực quản trị…

Bộ Công thương dự báo những tháng cuối năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tập trung các nhóm hàng truyền thống như dệt may, giày dép và đồ gỗ...

Đề phòng yếu tố rủi ro

Ở diễn biến khác, ngành hàng dệt may luôn được kỳ vọng trong xuất khẩu thì nay lại khác. Lượng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm. Nhiều DN còn cho biết không nhận được đơn hàng dài hạn mà thay vào đó là các đơn hàng ngắn hạn theo tháng, dài nhất là theo quý.

Được biết, đến hết tháng 8, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may cũng mới đạt 21,7 tỉ USD cách xa mục tiêu xuất khẩu 40 tỉ USD của cả năm.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) chia sẻ thông tin, dù dự báo nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc vẫn cao, nhưng xuất khẩu của ngành da giày sẽ dần khó khăn hơn vào các tháng cuối năm.

Một báo cáo của Bộ Công thương cũng cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro gia tăng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang kết hợp với sự xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang làm gia tăng những lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu. Xuất khẩu hàng hóa trong ngắn hạn khó có thể tăng mạnh như năm 2017 và năm 2018. Dự báo, cả năm 2019 xuất khẩu đạt khoảng 261-262 tỷ USD, tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2018”.

Giới chuyên gia phân tích, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, xuất khẩu hàng hóa từ nay tới hết năm được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt hàng loạt khó khăn, thách thức. Các ngành hàng Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều để vượt khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước rút xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO