Thông đường cho vải xuất khẩu

Minh Phương 21/05/2020 08:00

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến thời điểm thu hoạch vải thiều. Tuy nhiên, niên vụ vải năm nay được dự báo gặp nhiều khó khăn khi chưa thể xuất khẩu ngay sang thị trường Nhật Bản do ảnh hưởng của dịch Covid -19. Bên cạnh đó, thời điểm thu hoạch vải cũng trùng vụ thu hoạch của Trung Quốc khiến cho trái vải sang thị trường này cũng gặp nhiều rào cản...

Thông đường cho vải xuất khẩu

Thu hoạch vải tại Bắc Giang.

Theo kế hoạch, vụ vải thiều năm nay sẽ được xuất khẩu một sản lượng lớn sang thị trường Nhật Bản. Bởi cuối năm 2019, Bộ Nông Nghiệp Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đã có văn bản đồng ý cho phép nhập khẩu quả vải tươi của Việt Nam. Và theo kế hoạch vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2020, lô vải thiều tươi đầu tiên sẽ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, do tình hình phức tạp của dịch Covid -19, phía Nhật Bản cho biết, họ không thể cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lí, khử trùng quả vải tươi. Vì vậy, việc xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên sang thị trường Nhật Bản sẽ không thể triển khai trong vụ thu hoạch vải năm 2020. Động thái này từ phía Nhật Bản khiến cho kế hoạch xuất khẩu trái vải tươi năm nay của Việt Nam bị chao đảo.

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, niên vụ vải năm nay dự kiến thu hoạch trên 200.000 tấn vải, chủ yếu thu hoạch từ hai địa phương chủ chốt, có diện tích trồng vải lớn nhất nước là Bắc Giang và Hải Dương. Trong đó, tại Hải Dương, dự kiến thu hoạch khoảng 45.000 tấn, tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Tại Bắc Giang, thu hoạch khoảng 160.000 tấn.

Không chỉ gặp phải rào cản bất ngờ sang thị trường Nhật Bản, niên vụ vải thiều năm nay còn gặp khó khăn kép khi vụ thu hoạch cũng trùng với vụ thu hoạch của thị trường Trung Quốc. Thông tin từ Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh và Quảng Châu (Trung Quốc), năm 2020 ước tính diện tích trồng quả vải của Trung Quốc khoảng 533 nghìn ha. Dự kiến tổng sản lượng quả vải tại Trung Quốc năm 2020 đạt khoảng 2,55 triệu tấn, tăng 11,3% so với 2019 và xấp xỉ sản lượng của năm 2018 (khoảng 2,6 triệu tấn).

Điều đáng quan tâm lúc này, ngoài sản lượng của Trung Quốc tăng mà khoảng 70% lượng vải tươi chính vụ của Trung Quốc được thu hoạch từ trung tuần tháng 6 đến cuối tháng 7, không lệch quá nhiều so với vải thiều Việt Nam. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, việc xuất khẩu nông sản, trong đó có trái vải qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung cũng gặp nhiều hạn chế.

Để gỡ khó cho trái vải xuất khẩu, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Cục Xúc tiến thương mại đã làm việc trực tiếp với địa phương để hỗ trợ tiêu thụ vải cho niên vụ năm nay. “Chúng tôi đã làm việc với Sở Công thương Bắc Giang và thống nhất sẽ tổ chức hội nghị giao thương kết nối cung cầu nhằm xúc tiến tiêu thụ vải thiểu năm 2020, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6 tới đây khi bắt đầu vào mùa vụ vải tại Bắc Giang. Hội nghị sẽ được tổ chức trực tuyến từ đầu cầu Bắc Giang kết nối với 62 tỉnh, thành trên cả nước và 2 tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc). Đây cũng là hai tỉnh tiêu thụ chính sản lượng vải xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc hàng năm” - ông Chiến cho biết.

Đối với thị trường Nhật Bản, đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, Bộ đã có công hàm gửi cho các cơ quan của chính quyền Nhật Bản đề nghị có những biện pháp linh hoạt để có thể thúc đẩy xuất khẩu lô hàng vải tươi đầu tiên sang Nhật Bản trong mùa vụ năm nay.

Có thể thấy những nỗ lực từ phía nhà quản lý thời gian qua không ngoài mục tiêu gỡ khó cho trái vải niên vụ năm nay, đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu vải tươi, các DN cần tập trung vào khâu chế biến sâu, nâng cao giá trị chế biến trái vải để làm ra các sản phẩm như vải khô, vải đóng hộp… Đây chính là giải pháp cho bài toán tiêu thụ nông sản bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thông đường cho vải xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO