Thúc đẩy nông nghiệp số

Hạnh Nhân 18/05/2020 07:42

Để ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi nhằm phù hợp với điều kiện “bình thường mới”, các DN cần phát triển các kênh bán hàng số, tăng cường làm việc và họp trực tuyến, nâng cao khả năng tự động hóa bằng ứng dụng robot và đầu tư vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Mới đây, tại Chương trình đào tạo trực tuyến với nội dung “Chuyển đổi và tối ưu hóa nền tảng số để ứng phó và bứt phá thành công trong và sau dịch Covid-19”, ông Trương Gia Bình- Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cho rằng, để đảm bảo sự sinh tồn trong dịch và đột phá sau khi Covid-19 đi qua, các DN nông nghiệp cần lưu ý 3 yếu tố, thứ nhất là tìm ra cách làm mới, thứ hai là đoàn kết và thứ ba là dựa vào công nghệ. Đây là thời cơ ngàn năm có một cho ngành nông nghiệp, chúng ta cần tính toán để có phát triển đột phá trong thời gian tới và xoay quanh nông nghiệp số.

Có thể nói, Covid-19 gây ra những hệ lụy không hề nhỏ cho kinh tế, xã hội Việt Nam. Ngoài đảo lộn cuộc sống của người dân, dịch bệnh còn ảnh hưởng đến cả cung và cầu trong kinh tế do chuỗi giá trị bị gián đoạn và tâm lý lo ngại của người dân. Khả năng phục hồi của nền kinh tế vẫn đang khó đoán định, từ đó, các DN cần có một góc nhìn mới về nông nghiệp.

Cần nhắc lại, Việt Nam với nhiều lợi thế về nông nghiệp như thiên nhiên, con người và từ đó trở thành một cường quốc về xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, đến nay, hiệu ứng phát triển đang có dấu hiệu chững lại, năng suất không còn vượt trội và chủ yếu vẫn là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Nói như TS Võ Trí Thành- nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, điều này khiến nông dân trở thành nhóm được hưởng lợi ít nhất từ các lợi thế về nông nghiệp và quá trình đổi mới, phát triển hơn 30 năm qua. Nhưng cũng vì thế mà có thể thấy được tiềm năng về nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất lớn. Và quan trọng là phải thay đổi phương thức hoạt động, trong đó quan trọng là vấn đề công nghệ.

Để ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi nhằm phù hợp với điều kiện “bình thường mới”, các DN cần phát triển các kênh bán hàng số, tăng cường làm việc và họp trực tuyến, nâng cao khả năng tự động hóa bằng ứng dụng robot và đầu tư vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nói cách khác, đây là thời điểm các DN nông nghiệp phải đẩy mạnh số hóa. Phải nhanh chóng chuẩn bị, ngay khi các thị trường xuất khẩu phục hồi, DN cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất để đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu…nếu tận dụng được nền tảng số và tối ưu hóa nó, nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển đột phá sau dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy nông nghiệp số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO