Tín hiệu vui trong xuất khẩu gạo

Minh Phương 02/10/2018 08:20

Nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết hứa hẹn bức tranh ngành lúa gạo có nhiều gam màu sáng. Đặc biệt, Nghị định 107/CP ra đời với nhiều điểm mới  thay thế Nghị định 109/CP cũng đặt ra nhiều kỳ vọng cho các doanh nghiệp (DN) ngành lúa gạo về sự khởi sắc của ngành này trong thời gian tới.

Tín hiệu vui trong xuất khẩu gạo

Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng hơn về chất lượng gạo xuất khẩu.

Nhiều tín hiệu khởi sắc

Theo các DN chế biến xuất khẩu gạo, thời gian qua, nhiều hợp đồng xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, Indonesia…được ký kết với lượng đơn hàng khá dồi dào từ nay đến cuối năm. Cụ thể, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã trúng gói thầu xuất khẩu 2 triệu tấn gạo với giá trị gần 1 tỷ USD sang thị trường Philippines.

Ngoài hợp đồng với Philippines, các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam cũng là những tín hiệu vui cho ngành lúa gạo. Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất khẩu gạo của nước ta từ nay đến cuối năm tiếp tục tăng do nhu cầu nhập khẩu của thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, Iraq và các nước châu Phi tăng.

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ nay đến cuối năm, bình quân mỗi tháng, các DN có thể xuất khẩu khoảng 400.000 tấn gạo. Lượng gạo xuất khẩu mạnh nhất sẽ là những thị trường truyền thống bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines.

Theo Bộ Công Thương, việc nhiều thị trường tiếp tục gia tăng lượng nhập khẩu cũng mở ra cho ngành lúa gạo nước nhà cơ hội lớn. Trong khi đó, Campuchia – một trong những đối thủ xuất khẩu gạo đối với Việt Nam, lại đang bị ảnh hưởng của lũ lụt, do đó dự báo lượng gạo xuất khẩu của nước này cũng sẽ sụt giảm đáng kể…Tất cả những dữ liệu nói trên cho thấy, ngành lúa gạo xuất khẩu đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Nâng chất lượng giống

Đáng chú ý, việc ra đời Nghị định 107 về xuất khẩu gạo (có hiệu lực ngay từ ngày đầu tiên của tháng 10) thay thế Nghị định 109 cũng tạo ra nhiều cơ hội cho các DN kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo giới chuyên gia, Nghị định 107 gỡ bỏ đi hàng loạt các quy định đã từng “bó buộc” DN, nới lỏng các quy định về kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo cũng như đơn giản hóa thủ tục hải quan cho DN xuất khẩu gạo…

Có thể thấy, năm 2018, ngành lúa gạo có nhiều khởi sắc so với những năm trước đó. Không chỉ tăng về sản lượng mà giá trị xuất khẩu cũng tăng. Thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng. Và điểm đáng chú ý hơn cả là các DN đã và đang chú trọng hơn đến chất lượng gạo xuất khẩu. Nhiều DN không đơn thuần chỉ đi lo đủ sản lượng gạo mà còn bắt đầu liên kết sản xuất với nông dân từ khâu chọn giống đến khâu trồng và thu hoạch, với mục đích đảm bảo chất lượng gạo đồng đều khi xuất đi. Đơn cử, Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam là một trong những DN đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào khâu chọn giống chất lượng cao để cung cấp cho thị trường những sản phẩm gạo ngon, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng hiện nay. Theo bà Trần Kim Liên - Chủ tịch Tập đoàn, xu hướng của hội nhập là đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất, và bất kì ngành nào cũng cần đầu tư công nghệ, không riêng gì ngành lúa gạo.

Giới chuyên gia nhận định, việc đầu tư vào công nghệ và lựa chọn giống chất lượng cao để sản xuất là hướng đi tất yếu của các DN ngành lúa gạo trong thời gian tới để hướng đến sự phát triển ổn định và bền vững.

* Ngày 10/10, tại Hà Nội, Bộ Công thương sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam - sự kiện thuộc Hội nghị Thương mại gạo thế giới. Sự kiện này được đánh giá sẽ mang lại cơ hội cho các DN kinh doanh, xuất khẩu gạo Việt gặp gỡ, tìm hiểu các đối tác, quảng bá hình ảnh, sản phẩm của DN hiệu quả nhất. Bên cạnh đó Hội nghị sẽ giúp các DN xuất khẩu gạo Việt nâng cao năng lực cạnh tranh so với các đối thủ Thái Lan, Ấn Độ hay Campuchia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín hiệu vui trong xuất khẩu gạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO