Thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Đau đầu giành suất trường công

NGUYỄN HOÀI 21/05/2023 08:18

Ở “chặng nước rút”, áp lực thi vào lớp 10 trường THPT công lập tiếp tục đè nặng lên tâm lý phụ huynh và học sinh sau khi Sở GDĐT Hà Nội công bố số lượng học sinh đăng ký dự thi của từng trường năm học 2023-2024.

Học sinh và phụ huynh vui mừng sau khi hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2022.

Áp lực cạnh tranh

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 tại Hà Nội sẽ diễn ra vào các ngày 10 và 11/6/2023. Từ nay cho tới khi kỳ thi diễn ra chỉ còn thời gian ngắn nữa nhưng cho đến nay, nỗi lo lắng vẫn đeo bám với cả phụ huynh và học sinh. Bởi năm nay, các trường THPT tốp đầu tại Hà Nội tiếp tục có số thí sinh đăng ký dự thi rất cao. Đặc biệt, tỷ lệ chọi vẫn “nóng” tại các trường nội thành. Trong số 117 trường công lập trên địa bàn TP Hà Nội, Trường Tiểu học, THCS và THPT Khương Hạ (quận Thanh Xuân) có tỷ lệ chọi cao nhất 1/3,55.

Đáng chú ý, trong nhóm các trường tốp đầu, Trường THPT Chu Văn An có tỷ lệ chọi tăng vọt với 1/3,43; trong khi năm học trước là 1/2,87; Trường THPT Kim Liên là 1/2,62; năm học trước là 1/1,94... Số liệu công bố của Bộ GDĐT cũng cho thấy, bên cạnh một số trường tốp đầu luôn có tỉ lệ chọi cao, năm nay một số trường tốp giữa như trường: THPT Khương Hạ, THPT Nguyễn Văn Cừ, THPT Khương Đình, THPT Đống Đa, THPT Trung Văn, THPT Trương Định... cũng có tỉ chọi tăng đột biến. Với những gia đình có con đăng ký vào trường có tỷ lệ chọi cao, thời điểm này, phụ huynh và học sinh khó tránh khỏi căng thẳng.

Từ lúc biết tin tỷ lệ chọi vào Trường THPT Khương Hạ cao nhất thành phố, chị Vũ Diệu Thùy (quận Thanh Xuân) cho biết, gia đình chị cảm thấy rất bất an. Bởi điểm chuẩn của trường này 2 năm trước thấp hơn so với các trường khác trong khu vực. Chị Thùy chia sẻ: “Gia đình tôi đã nghiên cứu rất kỹ điểm chuẩn của trường trong những năm trở lại đây và quyết định cho con đăng ký vào trường. Nhưng tôi không ngờ đây lại là trường có tỷ lệ chọi cao nhất thành phố”.

Con chị Nguyễn Thu Hương (quận Ba Đình) đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Chu Văn An. Dù sức học của con khá tốt nhưng khi biết thông tin về tỷ lệ chọi vào trường năm nay tăng vọt, chị và con đều không thể yên tâm. “Trong ba năm trở lại đây, Trường THPT Chu Văn An liên tiếp đứng đầu thành phố về tỷ lệ chọi. Mẹ con tôi đã tham khảo rất kỹ, căn cứ vào lực học của con để đăng ký nguyện vọng. Hy vọng con đạt được kết quả như mong muốn”, chị Vân nói.

Con học thâu đêm, bố mẹ thấp thỏm

Dù lo lắng trước thông tin tỷ lệ chọi nhưng phụ huynh và học sinh cũng không thể thay đổi được gì bởi hiện tại học sinh đã hoàn thành phiếu đăng ký dự thi. Thế nên, ở giai đoạn nước rút này, hầu hết học sinh đều căng mình ôn tập, “cày ngày cày đêm” với hy vọng giành một suất vào lớp 10 trường công lập.

Em Dương Quỳnh Nhi, học sinh lớp 9, Trường THCS Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm. Ngoài ra, Nhi còn đặt mục tiêu vào Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Vì vậy, Nhi đang tập trung toàn bộ thời gian để ôn tập và học thêm ở các lớp bên ngoài với 3 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Do số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các trường trên khá cao nên bản thân Nhi cảm thấy bị áp lực.

Năm nay, Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm có 765 chỉ tiêu, trong khi đó số học sinh đăng ký nguyện vọng 1 là 1.418 em. Như vậy, tỷ lệ chọi của trường là 1/1,85. Quỳnh Nhi cho biết: “Em làm rất nhiều đề thi thử và tự chấm thấy điểm khá tốt nhưng với tỷ lệ chọi cao, kể cả tỷ lệ chọi vào Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội năm nay cũng lên tới 1/29 nên em nghĩ cơ hội đỗ là rất mong manh. Em đang dồn sức cố gắng đạt ít nhất 8 điểm một môn tuy nhiên em thấy khá đuối sức”.

Hầu như ngày nào con chị Nguyễn Thu Thủy (quận Tây Hồ) cũng học từ sáng đến tối. Ngoài học chính vào buổi sáng, thời gian trống còn lại, con chị Thủy dành cho học thêm, kể cả 2 ngày nghỉ cuối tuần, có ngày học thêm tới 4 ca. Càng sát ngày thi, nhìn con học ngày, học đêm, chị Phương cứ thấp thỏm không yên, lo lắng cho sức khỏe của con.

Chị Thủy cho biết, con chị đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Phan Đình Phùng, nguyện vọng 2 vào Trường THPT Tây Hồ, tuy nhiên năm nay tỷ lệ chọi của cả 2 trường này đều khá cao. Ở nguyện vọng 2, số lượng thí sinh đăng ký vào Trường THPT Tây Hồ là 2.388 em, trong khi tổng chỉ tiêu chỉ có 720. “Con bị áp lực thi cử, tôi cũng bị áp lực theo. Dù rất thương con nhưng tôi chỉ biết đi làm về là tranh thủ nấu cơm, chăm sóc sức khỏe, động viên con thi tốt mà thôi. Mong sao kỳ thi diễn ra suôn sẻ, con làm được bài”, chị Thủy chia sẻ.

Tránh dao động bởi thông tin tỷ lệ chọi

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội là kỳ thi có tính cạnh tranh cao. Thực hiện công tác phân luồng học sinh, năm học 2023-2024, Hà Nội dự kiến tuyển vào lớp 10 các trường THPT khoảng 102.000 học sinh, trong đó, tuyển vào lớp 10 trường công lập khoảng 72.000 em. So với năm học trước, số học sinh được tuyển vào lớp 10 trường công lập tăng 1.000 học sinh. Như vậy, sẽ chỉ có 55,7% học sinh có cơ hội đỗ vào các trường THPT công lập.

Tỉ lệ học sinh được vào lớp 10 THPT công lập đang ở mức thấp kỷ lục so với các năm trước đây. Thế nên, cô Trịnh Diệu Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) nhìn nhận: “Điều này tạo áp lực rất lớn cho học sinh, phụ huynh và cả giáo viên”.

Trong giai đoạn nước rút, ở các tiết Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, thầy cô tăng cường ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, theo cô Hằng, tỷ lệ chọi cao không có nghĩa là điểm thi cao và điểm chuẩn cao. Vì vậy, học sinh và phụ huynh không nên quá căng thẳng. Thời điểm này, các em nên dành nhiều thời gian hơn cho việc tự học và ôn tập, luyện kỹ năng khi làm bài vì kiến thức cơ bản đã được thầy cô trang bị đầy đủ.

Về phía phụ huynh, cô Hằng cho rằng: “Dù bố mẹ nào cũng muốn con đạt được nguyện vọng của gia đình nhưng giai đoạn này không nên tạo áp lực cho con. Thay vào đó, bố mẹ hãy tạo cho con tâm lý thoải mái và lịch sinh hoạt điều độ để đảm bảo cho các con có sức khỏe tốt nhất khi các con tham gia kỳ thi sắp tới”.

Tại Trường THCS Ba Đình, thầy cô đang tập trung ôn tập cho học sinh lớp 9. Thầy Nguyễn Hữu Hiệp - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình) cho biết, các thầy cô đã chủ động tăng cường dạy thêm miễn phí cho các em học sinh có học lực yếu vào các buổi chiều, mỗi nhóm học sinh khoảng từ 5-7 em.

Trước băn khoăn, lo lắng của học sinh và phụ huynh, thầy Hiệp lưu ý: “Học sinh tránh dao động bởi thông tin tỷ lệ chọi. Các em nên tập trung ôn tập kiến thức, rèn kỹ năng làm bài và chăm lo sức khỏe tinh thần”.

Theo thầy Hiệp, tâm lý muốn con đỗ vào lớp 10 trường công lập của phụ huynh là điều dễ hiểu. Một phần cũng bởi không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế cho con học trường tư thục. Song thầy Hiệp đưa lời khuyên: “Cha mẹ nên thay đổi quan điểm “phải đỗ trường công” bởi có hướng đi tưởng là đường vòng nhưng lại về đích sớm hơn. Trong giai đoạn nước rút, cha mẹ tiếp tục đồng hành cùng con, tạo cho con tâm lý thoải mái, để con nỗ lực đạt được ước mơ theo đúng năng lực, sở trường và cá tính của con”.

Chuyên gia phương pháp học Nguyễn Đình Sơn - Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Tránh học đến kiệt sức

Kinh nghiệm tư vấn của tôi thấy rằng, áp lực thi cử của học sinh chủ yếu là do phương pháp dạy và học hiện nay. Người dạy theo một phương pháp nhưng mỗi học trò lại có một phương pháp học và ghi nhớ khác nhau.

Ở thời điểm nước rút này, các em lưu ý, với các môn tự nhiên, các em chỉ nên dành thời gian để xem lại công thức, các dạng đề còn chưa vững, không nên học ngày, học đêm đến kiệt sức. Với các môn xã hội, các em nên ôn, nắm chắc kiến thức nền tảng, cách ôn và học thuộc lòng, hay theo văn mẫu như mô hình của các trung tâm luyện thi. Học sinh cần có kỹ thuật học theo cách tiếp thu ưu điểm để nâng cao sức khỏe trí tuệ của mình. Bên cạnh đó các em cần chú ý đến sức khỏe cảm xúc để có tâm lý ổn định trong kỳ thi. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lựa chọn giúp con trường vừa sức để tránh tự tạo áp lực cho con.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Đau đầu giành suất trường công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO