Thích nghi để tránh tụt hậu

Minh Quân 01/06/2017 08:30

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch - Bộ VHTT&DL) đã tổ chức hội thảo “Nhu cầu và xu hướng mới trong phát triển du lịch”.

Theo đánh giá của các chuyên gia tham gia Hội thảo thì Việt Nam nằm trong khu vực được coi là có hoạt động du lịch năng động bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, đồng hành với sự phát triển đó du lịch lịch Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh rất gay gắt từ các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Chính vì vậy, để hội nhập và phát triển, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp cũng như các điểm đến phải luôn chủ động trong việc nghiên cứu, nắm bắt các nhu cầu và xu hướng mới của thị trường thế giới, để từ đó có thể thích ứng, tận dụng cơ hội mà các xu hướng mang đến, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Trong khi đó, để nắm bắt được các xu hướng của thị trường trong tiêu dùng du lịch lại không phải là việc đơn giản, cần phải nhận diện rõ và phân tích được các nhân tố tác động đến các xu hướng, lấy đó làm cơ sở cho những dự báo về những xu hướng mới sẽ diễn ra.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, trước những thách thức sẽ phải đối mặt trong quá trình hội nhập để tìm ra hướng đi của doanh nghiệp du lịch cần phải đánh giá những điểm hạn chế của các doanh nghiệp du lịch.

Sự phối kết hợp giữa các doanh nghiệp còn rất hạn chế, một số doanh nghiệp để cho các doanh nghiệp du lịch nước ngoài tham gia vào thị trường “đứng sau” tên doanh nghiệp nước ngoài.

Không những vậy số lượng và chất lượng lực lượng lao động trong lĩnh vực lữ hành còn chưa đáp ứng nhu cầu, năng lực làm việc và thấp hơn so với lực lượng lao động lữ hành một số nước trong khu vực, đặc biệt là về vấn đề ngoại ngữ.

Sản phẩm du lịch nhiều doanh nghiệp mang tính sau chép, việc đầu tư cho xây dựng sản phẩm mới, đặc trưng, độc đáo còn chưa được quan tâm do năng lực tài chính.

Còn theo ThS Nguyễn Thanh Bình- Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) thì chúng ta đang thiếu kiến thức, trình độ quản lý và vận hành tổ chức kinh doanh trú du lịch.

Do nhận thức chưa đầy đủ, có những chủ doanh nghiệp chưa quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường, sử dụng quá mức tài nguyên; cá biệt có nơi chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của điểm đến. Trong đó, một trong những tồn tại suốt nhiều năm nay là việc thiếu phòng chất lượng cao ở các khu du lịch biển trong mùa cao điểm.

“Sự phát triển lộn xộn, thiếu quy hoạch, thiếu giám sát của một số vùng biển đã dãn đến những công trình không phù hợp về kiến trúc, phá vỡ cảnh quan môi trường gây tác hại lâu dài rất khó khắc phục”- Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn nhấn mạnh.

Chính vì vậy, để du lịch Việt Nam lớn mạnh, vẫn còn nhiều việc phải làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thích nghi để tránh tụt hậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO