Thích nghi và sớm chủ động

Thuý Hằng (thực hiện) 15/04/2022 07:57

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết về vấn đề chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng nhận thức về chuyển đổi số với doanh nghiệp không còn mông lung như trước nữa. Chuyển đổi số sẽ có sức chống chịu tốt hơn, từ đó tận dụng những cơ hội mà nền kinh tế số mang lại.

Ông Mạc Quốc Anh.

Ông đánh giá như thế nào về vấn đề chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay?

- Vấn đề chuyển đổi số đã được doanh nghiệp quan tâm từ khoảng 3 - 4 năm trở lại đây. Nhiều doanh nghiệp đã hình thành được những bước chuyển đổi số cơ bản liên quan đến quản trị, vận chuyển, trang thiết bị…

Và khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 thì quá trình chuyển đổi số càng mạnh hơn. Trước đây có 30 - 40% doanh nghiệp quan tâm đến chuyển đổi số thì nay tỷ lệ này nâng lên 90%.

Chính doanh nghiệp cũng biết rằng việc chuyển đổi số tác động đến tất cả các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp và trong cuộc đua hướng tới số hóa, chỉ những doanh nghiệp có thể thích nghi và chủ động, tích cực nhất mới có thể tồn tại và phát triển.

Vậy trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp có gặp khó khăn gì?

- Hiện nay các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số vào các vấn đề như kinh doanh, mua hàng, bán hàng, quản trị nội bộ, logistics và marketing; trong đó có sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, thanh toán điện tử, sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự từ xa, quản lý chứng từ, kho hàng,... Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số, thiết bị IoT, robot, dây chuyền tự động hóa hay hệ thống điều hành sản xuất còn rất yếu vì đây là lĩnh vực mới và chưa được quan tâm nghiên cứu, đầu tư đúng mức.

Nguyên nhân một phần bởi việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa còn có nhiều rào cản khi chi phí cao, thiếu cơ sở hạ tầng, tập quán kinh doanh, trong việc tích hợp các công cụ công nghệ thông tin vào nền tảng dữ liệu cũ...

Chuyển đổi số thì con người cũng phải đồng bộ về kiến thức, phải có người vận hành. Trong khi trình độ kỹ thuật của người lao động tại doanh nghiệp hiện nay vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Và quan trọng hơn theo tôi, chúng ta đang thiếu sự đồng bộ. Đó là đồng bộ về công nghệ hạ tầng, về đối tác, các chính sách của cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp muốn số hoá, chuyển đổi số mà khi làm thủ tục hành chính, cơ quan nhà nước vẫn theo cách truyền thống thì không được.

Việt Nam đang từng bước xây dựng và áp dụng hệ thống các chính sách phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay. Bên cạnh đó, cũng khuyến khích các ngành nghề, doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, giáo dục, truyền thông,…

Đồng thời, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và đẩy mạnh thực thi chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm định hướng sự phát triển kinh tế - xã hội số. Trên cơ sở đó, xây dựng các chiến lược chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp,… góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa và tái cơ cấu nền kinh tế.

Vậy ông có kiến nghị gì để quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp được nhanh hơn, mạnh hơn?

- Chuyển đổi số đã có trong chương trình quốc gia nhưng theo tôi cần đẩy nhanh bằng các hành động thiết thực hơn như như: Giải ngân các gói hỗ trợ, tăng cường tiếp cận doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp lựa chọn được mô hình chuyển đổi số phù hợp. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động, học hỏi và đào tạo thường xuyên.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thích nghi và sớm chủ động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO